Cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt
Theo báo cáo của Fitch Solution cũng dự báo trong năm 2023, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn gạo. Hiện bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu đang khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Sự lo ngại thiếu hụt gạo trên toàn cầu đã và đang tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Sau đơn hàng đầu tiên được bán tại chuỗi siêu thị Carrefour (Pháp) vào tháng 9/2022, hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang tất bật với các đơn hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho các đối tác EU.
“Đây là những cơ hội, phù hợp với định hướng của Lộc Trời, phù hợp với những gì Lộc Trời đang có. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy trong năm 2023 và định hướng của Lộc Trời trong năm 2023 là sẽ tăng gấp 3 lần đến 4 lần sản xuất xuất khẩu so với 2022”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời thông tin với Sputnik.
Hiện Ấn Độ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, tạo ra sự khan hiếm nhất định trên thị trường thế giới. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia lại đang có nhu cầu mua gạo tăng trở lại, đây cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Riêng với thị trường EU, dù gạo vào thị trường này có khối lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng lại được ưu thế là chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Sputnik, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện dao động khoảng 557 USD/tấn, cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu cũng đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại ở Thái Lan và Ấn Độ.
Mới đây, ngày 27/3/2023, Indonesia quyết định sẽ nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023. Trong đó 500 nghìn tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Rõ ràng, trong bối cảnh hiên nay, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo kéo dài đà tăng trưởng
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng tháng 4, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt hơn 1 triệu tấn với giá trị 546 triệu USD. Trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó khăn, xuất khẩu gạo Việt Nam là điểm sáng lớn khi lũy kế từ đầu năm đã tăng gần 41% về lượng và 52% về trị giá so với cùng kỳ.
Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đều ghi nhận những tín hiệu tích cực. Nổi bật phải kể đến Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 506.000 tấn, đạt 292,5 triệu USD. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, giá xuất khẩu gạo của nước này đang ở mức cao trong những năm qua và cơ cấu loại gạo xuất khẩu cũng chuyển biến tích cực.
Trao đổi với Sputnik, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Trần Ngọc Trung đánh giá, cùng với sản lượng tăng mạnh, thì giá và chất lượng gạo Việt Nam cũng đang dần đáp ứng được thị trường khó tính. Ví dụ, riêng về sản phẩm gạo thơm của Việt Nam đã đạt được mức giá khoảng từ 530 - 540 USD/tấn. Đây được coi là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Thay đổi ở đây còn thấy rõ ở khối lượng cũng như trị giá kim ngạch và cơ cấu của các cái loại gạo. Cụ thể, hiện gạo trắng thường (loại gạo phổ thông mà Việt Nam xuất khẩu) chiếm khoảng hơn 50 % với kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, tỉ lệ là gạo thơm, gạo nếp, và gạo tăng cường chất vi lượng cũng đã tăng lên rất nhanh. Ví dụ gạo thơm hiện nay chúng ta xuất khẩu chiếm đến 25% lượng gạo.
“Hiện tại trong quý 2, nhìn chung thị trường thế giới đang có nhu cầu. Hợp đồng với các doanh nghiệp đã ký cũng đã đầy đủ. Nhận định cho xuất khẩu trong quý 2 và trong cả năm 2023 đang rất thuận lợi”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhìn nhận.
Ông Trung cũng cho biết thêm, hiện sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam đang tăng trưởng ở cả các thị trường tiềm năng như Chile, Singapore. Đặc biệt, gạo Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường EU và có sự tăng trưởng 11% so với năm ngoái.
Để duy trì mức tăng trên, Bộ Công Thương Việt Nam đang khuyến nghị các doanh nghiệp cần duy trì ổn định chất lượng gạo, theo sát yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của từng thị trường, tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao để tăng giá trị cho các lô gạo xuất khẩu.