Tiếp tục lấy ý kiến về "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM", Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức hội thảo và ghi nhận nhiều đề xuất từ đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, theo Tuổi Trẻ.
Đề án đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về thành phố ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025-2030.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước (công tác quản lý; phát triển mạng lưới chi trả kiều hối; dịch vụ kiều hối; hoàn thiện chính sách: phản biện, góp ý kiến, đề xuất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước…) nhằm thu hút kiều hối chuyển về.
Thành phố cần tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối thông qua việc tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục chi trả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, làm tốt hoạt động thông tin, tư vấn, chăm sóc khách hàng...
Phát biểu tại Hội nghị, TS Trần Phương Trà, Giám đốc chương trình quản trị kinh doanh của IPAG Business School (Pháp), đề xuất TP.HCM có thể cân nhắc phát hành trái phiếu kiều hối để duy trì tốc độ tăng trưởng dòng vốn này.
Với phương án huy động nguồn lực kiều bào thông qua phương thức trái phiếu kiều hối, Việt kiều sẽ được hưởng lãi suất ổn định, được miễn thuế trên tiền lãi và được bảo đảm mang số tiền đầu tư về lại nước ngoài sau thời gian đầu tư.
Các dự án sử dụng nguồn vốn từ kiều hối dùng để phục vụ cộng đồng, hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội Việt Nam, nên kêu gọi kiều bào đầu tư với suất sinh lợi thấp.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2022 đã đưa lượng kiều hối về Việt Nam là gần 19 tỉ USD. Điều đó có nghĩa hiện nay bình quân một người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nhà khoảng 4.000 USD/năm, tương đương với GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2022 là 4.163 USD.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu so sánh kiều hối với FDI và ODA, thì kiều hối là nguồn lực rất quan trọng cho đất nước, không cần điều kiện ràng buộc, chưa kể kiều hối còn giúp cân bằng cán cân ngoại thương cho Việt Nam không bị thâm hụt.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế này cũng dự báo dòng kiều hối trong năm 2023 của Việt Nam có thể giảm so với năm ngoái vì ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới.
"Hiện chính phủ tại nhiều quốc gia tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Giá sinh hoạt tăng và làm giảm thu nhập dư thừa để Việt kiều gửi tiền về Việt Nam", ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Vì vậy để thu hút nguồn kiều hối, vị chuyên gia cho rằng yếu tố kinh tế vĩ mô phải được cải thiện để tăng lòng tin của kiều bào với sự phát triển của đất nước cũng như sự tin tưởng vào những cơ hội đầu tư tại TP.HCM. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa là phải tiếp tục duy trì chính sách không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào; tiếp tục chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức chức tín dụng.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác truyền thông trên website của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với những thông tin về cơ hội đầu tư và thương mại tại thành phố. Đồng thời, chế độ cấp giấy miễn thị thực và giấy tạm trú cần thông thoáng hơn để mời gọi kiều bào về nước khảo sát cơ hội đầu tư và đầu tư…
Hiện Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý để xây dựng Đề án "Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố".