Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết, có ý kiến đề xuất nên áp dụng như Hàn Quốc là kể cả tốt nghiệp xong đại học cũng phải đi nghĩa vụ quân sự.
Nên áp dụng như Hàn Quốc tốt nghiệp đại học vẫn phải đi nghĩa vụ
Chiều 9/6, phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ thuộc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đề cập đến việc phải tăng cường lực lượng quân nhân nghĩa vụ.
Đại tướng cũng cho rằng quy định hiện hành có quá nhiều đối tượng miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự.
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án dự án luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại tướng Phan Văn Giang cho biết, số lượng người đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của Việt Nam đông, nhưng số lượng miễn, hoãn lại nhiều hay số lượng thanh niên vẽ (có hình xăm) vào người cũng nhiều.
Đây cũng là lý do số lượng lấy thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự một năm ít dần đi và tuổi không thực hiện nghĩa vụ quân sự nhiều lên.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, có người đề xuất nên áp dụng như Hàn Quốc kể cả tốt nghiệp đại học cũng phải đi nghĩa vụ quân sự.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho rằng, phải tính toán để tất cả mọi người trong độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự của một thanh niên với đất nước.
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, có 7 nhóm công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ và 5 nhóm công dân được miễn gọi nhập ngũ.
Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng cần điều chỉnh giảm các đối tượng miễn, hoãn này để hướng tới tất cả công dân đều thực hiện nghĩa vụ quân sự theo nhiều cách khác nhau, có thể là dân quân thường trực hoặc các hình thức khác để hoàn thành 24 tháng phục vụ quân đội.
"Nước ta 100 triệu dân chỉ có khoảng 2 triệu thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ, nhưng mỗi năm chỉ có 100.000 người đi nghĩa vụ quân sự", - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thông tin.
Xem xét tăng số lượng nhập ngũ
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, thời gian tới sẽ cùng với Quân ủy Trung ương để nghiên cứu và đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự.
"Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu với Quân ủy Trung ương sửa Luật Nghĩa vụ quân sự, giảm đối tượng miễn, hoãn, tăng số lượng, giảm thời gian phục vụ và tăng cường độ huấn luyện", - Bộ trưởng Quốc phòng cho biết.
Đại tướng Phan Văn Giang cũng chia sẻ thêm về quá trình rèn luyện của bản thân khi còn là chiến sĩ. Kể cả khi đang ăn hay đang ngủ khi có báo động của đơn vị cũng phải bỏ bát cơm hoặc dậy ngay để tập trung. Thậm chí, do giày cao cổ đi vào rất khó nên khi đi ngủ cũng không dám cởi ra mà đeo luôn đi ngủ, để có báo động sẵn sàng chấp hành.
"Khi tôi còn là chiến sĩ, đang ăn hay đang ngủ khi có báo động của đơn vị cũng phải bỏ bát cơm hoặc dậy ngay để tập trung. Giày cao cổ đi vào rất khó nên khi đi ngủ cũng không dám cởi ra mà đeo luôn đi ngủ, để có báo động sẵn sàng chấp hành", - Đại tướng Phan Văn Giang kể.
Ông cho rằng, khi đưa vào thực hiện nghĩa vụ quân sự cần rèn luyện người lính để khi cần có ngay.
"Bão cấp 12 bộ đội của ta vẫn phải bơi biển, những đồng chí cực giỏi sẽ bơi đến bão cấp 13 - 14. Bão cấp 5 - cấp 6 là bình thường, tinh thần bộ đội phải thế", - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thu hút công dân có trình độ nhập ngũ
Trước đó, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết quân đội đang tổng hợp ý kiến cử tri để sửa Luật Nghĩa vụ quân sự.
Theo ông Cương, luật này hiện có những bất cập, việc sửa luật phải làm sao để thu gọn đối tượng tạm miễn, tạm hoãn nghĩa vụ một cách tương đối.
"Chúng tôi nhận rất nhiều ý kiến của cử tri làm sao để tạo công bằng xã hội nhưng rất khó. Hiện 1 năm cả quân đội và công an lấy vào chỉ 3,4% số thanh niên đến tuổi nhập ngũ, số lượng rất ít", - ông Cương nói.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, việc sửa luật sắp tới sẽ cố gắng thu hút được những thanh niên có trình độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.
Điều 4 luật Nghĩa vụ quân sự 2015 nêu, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Theo điều 30 luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Riêng trường hợp công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ, thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.
Ngoài ra, điều 41 luật Nghĩa vụ quân sự và Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định một số trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ.