Kế hoạch phát triển
Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Liên Xô trước đây đã giúp Việt Nam khôi phục và nâng cấp lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Đà Lạt. Hiện tại, Liên bang Nga đang tích cực giúp đỡ Việt Nam thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST) với lò nghiên cứu mới. Dự án nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cấp cao hai nước và đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dù đến nay Việt Nam chưa có điện hạt nhân, nhưng từ quy hoạch điện VII Chính phủ đã đưa vào kế hoạch phát triển giai đoạn 2010-2020. Việt Nam đang trong giai đoạn độc lập tự chủ về công nghiệp, công nghệ và năng lượng. Năng lượng như "huyết mạch" của nền kinh tế.
Tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định quốc gia Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ông có lưu ý rằng, cần phát triển các nguồn năng lượng mới như điện hạt nhân; địa nhiệt, năng lượng sóng biển – thuỷ triều, nhiệt mặt trời… có thể khai thác trong tương lai, trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đã bắt đầu cạn kiệt. Đồng thời, trong dự thảo Báo cáo Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã đưa ra phương án xem xét phát triển nhà máy điện hạt nhân sau năm 2030.
Với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, trong chuyến thăm mới đây nhất tới Việt Nam, Phó Thủ tướng Liên bang Nga D. Chernyshenko nhấn mạnh, luôn sẵn sàng hỗ trợ đất nước xây dựng các nhà máy điện hạt nhân với công suất lớn và nhỏ phù hợp, sớm đưa Việt Nam gia nhập Nhóm các quốc gia có năng lượng hạt nhân, nhằm góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu và bảo đảm độc lập, tự chủ, cân đối về năng lượng của Việt Nam.
Riêng với Việt Nam, cùng cam kết phấn đấu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 thì buộc đất nước hình chữ S phải phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để khai thác nguồn năng lượng này phải có điện nền ổn định. Trong khi đó, điện nền từ nhiệt điện than và thủy điện hiện không còn dư địa phát triển. Bởi vậy, tất yếu đến lúc nào đó phải tính đến điện hạt nhân.
“Với lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, rõ ràng điện hạt nhân là lĩnh vực cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển giai đoạn tiếp theo”, chuyên gia năng lượng độc lập TS. Ngô Đức Lâm chia sẻ quan điểm với Sputnik.
Nguồn điện nền cần thiết
Vị chuyên gia này cho rằng, Nga là nước có công nghệ nguồn về điện hạt nhân. Công nghệ làm giàu uranium (công đoạn quan trọng nhất trong 4 công đoạn) hiện chỉ Nga làm được. Các nước như Pháp, Mỹ và nhiều nước phát triển đều phải nhập từ Nga.
Thực tế, chỉ một số nước hiện nay có quyết định và chính sách từ bỏ điện hạt nhân, điển hình là Đức. Nguyên nhân được phân tích chủ yếu “do liên quan đến yếu tố chính trị”.
Những người muốn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân tại Đức tin rằng, công nghệ này không bền vững, nhiều rủi ro và làm chậm bước tiến đến năng lượng sạch. Trong bối cảnh Nga giảm cung cấp khí đốt để đảm bảo đủ điện, thực tế Đức đã phải tái khởi động các nhà máy điện than vào tháng 12 năm 2022, bất chấp mục tiêu về khí hậu.
Hiện nay giá thành điện ở Đức cao nhất châu Âu, gần như hơn gấp đôi giá điện ở Pháp. Khi thiếu điện (ví dụ khi nguồn điện năng lượng tái tạo phát không đủ), Đức vẫn mua điện từ Pháp. Một số nước như Thuỵ Điển, hay Thuỵ Sỹ vẫn tiếp tục duy trì điện hạt nhân.
Đánh giá về nguồn năng lượng tái tạo, chuyên gia Ngô Đức Lâm nói với Sputnik, lợi thế của Việt Nam là dồi dào nguồn tài nguyên. Riêng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) hiện đứng đầu về tiềm năng với khối lượng rất lớn. Lớn tới mức, khi sử dụng đến năm 2045, chỉ sử dụng nguồn năng lượng này vẫn đủ để phục vụ trong nước. Nhưng hiện Việt Nam chưa đủ công nghệ để khai thác, tích trữ và chuyển đổi.
“Dù có nguồn tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, nhưng Việt Nam cần xây dựng và đảm bảo nguồn điện nền ổn định, tức là hoạt động liên tục 24/24 như điện hạt nhân. Nhưng không đồng nghĩa với việc cần phải làm điện hạt nhân bằng bất cứ giá nào. Ở đây, các bộ phận nghiên cứu chiến lược cần tính toán đặc biệt kỹ lưỡng, khi đưa vào sử dụng nhằm đạt hiệu quả tối đa về mọi mặt”.
Chuyên gia cho rằng, điện hạt nhân có ưu điểm mà những nguồn năng lượng khác không có được. Đây là nguồn năng lượng sạch, không phát thải CO2. Chính nhờ những ưu điểm này nên nhiều nước châu Âu hay Mỹ đều sử dụng điện hạt nhân. Ví dụ, tại Pháp sử dụng 70% lượng điện trong nước từ điện hạt nhân.
Hệ thống này có thể vận hành liên tục không nghỉ với hơn 7.000 giờ/năm. Trong khi, điện gió chỉ vận hành được 2000h/năm hay điện mặt trời chỉ vận hành 6-10 giờ/ngày (với điều kiện nắng tốt). Như vậy, có thể thấy điện hạt nhân hoạt động rất ổn định, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gió bão, mùa nước, giá nhiên liệu đầu vào,... Hiệu suất cao gấp hơn 3 lần so với nguồn điện khác.
Tuy nhiên, điện hạt nhân đòi hỏi quy trình vận hành cực kỳ phức tạp, rất nghiêm ngặt. Điều này đồng nghĩa cán bộ vận hành và kỹ thuật phải có trình độ cao, được đào tạo bài bản chuyên sâu, để vận hành và quản lý nhiều hệ thống.
Theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, vấn đề đáng lưu tâm nhất là thanh nhiên liệu (uranium) này dùng xong sẽ xử lý thế nào. Sẽ có hai phương án để xử lý. Thứ nhất, chuyển về nơi cung cấp. Thứ hai, xử lý tại chỗ và theo dõi trong vòng 500 năm ở một độ sâu và độ dày đủ điều kiện. Nhưng giá thành để xử lý tương đương khoảng 2 lần giá đầu tư ban đầu.
Làm điện hạt nhân không thể chỉ trong 1 - 3 năm như điện gió, điện mặt trời. Từ khi tìm địa điểm đến lúc phát được điện phải mất 8 - 10 năm. Hơn nữa, tính toán trong quy hoạch tổng sơ đồ điện suốt nhiều năm của Việt Nam chỉ tính giá thành đầu tư của nhà máy, chưa tính chi phí xử lý chất thải của điện hạt nhân.
“Đối với điện hạt nhân, hiệu suất cao tỷ lệ thuận với giá thành thành điện. Bài toán quy hoạch đặt ra cho Việt Nam là tối ưu, tìm giải pháp kết hợp ra giá thành tốt nhất, vận hành ổn định nhất, phù hợp với sức chi trả của người dân”, TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.
Thời gian phù hợp
Vậy thời gian nào phù hợp để Việt Nam có thể triển khai điện hạt nhân, ông Ngô Đức Lâm cho rằng, từ nay cho đến năm 2035, Việt Nam có thể vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu và chờ đợi công nghệ mới của điện hạt nhân.
Gần đây, thế giới đang nghiên cứu loại điện hạt nhân công nghệ thế hệ mới. Mô hình này có khả năng sẽ phát triển trong khoảng 10 năm tới.
“Ít nhất đến năm 2035, Việt Nam có khả năng đưa điện hạt nhân vào khai thác. Bên cạnh đó, cân đối với các nguồn tài nguyên khác. Khả năng đến lúc đó, công nghệ điện hạt nhân sẽ tiên tiến hơn hiện nay rất nhiều. Nguy cơ, rủi rõ có thể sẽ giảm, việc quản lý có thể sẽ dễ dàng hơn, không phức tạp như tính toán hiện nay. Đồng nghĩa, chi phí triển khai sẽ giảm. Từ giờ đến lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử từ lý thuyết tới thực tế vận hành tại các nhà máy nước ngoài”, TS Ngô Đức Lâm nhìn nhận.