Cơn uất nghẹn lịch sử trái phiếu Vạn Thịnh Phát-SCB và động thái nóng của Chính phủ

Theo giới phân tích, nếu nhìn từ cơn uất nghẹn lịch sử do vụ trái phiếu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát-SCB gây ra, việc nắn dòng tiền từ kênh huy động vốn này chảy về doanh nghiệp là chưa đủ. Vực dậy niềm tin thị trường mới là điểm cốt tử.
Sputnik
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính trước 15/6 trình giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại trên thị trường trái phiếu.

Tình hình thị trường trái phiếu

Dữ liệu được Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 1/6, có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ diễn ra trong tháng 5 với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.
Đợt phát hành trái phiếu này đến từ đơn vị duy nhất là Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo - hoạt động trong ngành nguyên vật liệu. Lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành 9%/năm trong 2 kỳ đầu. Các kỳ sau lãi suất được tính theo lãi suất cơ sở cộng với biên độ 4,1%/năm.
Trong tháng 4, thị trường trái phiếu cũng chỉ có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng, với tổng giá trị 2.671 tỷ đồng. Tính chung tháng 4 và tháng 5, quy mô phát hành chỉ tương đương khoảng 3% so với tháng 3 - thời điểm thị trường bật tăng với 13 lô trái phiếu được phát hành với tổng trị giá đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 34.258 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84%).
Cũng theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành lớn nhất với tỷ trọng 56,7% trong tổng giá trị phát hành. Đứng sau lần lượt là nhóm ngành hàng tiêu dùng với 30,2%, ngành nguyên vật liệu với 7,6%.
Bộ Tài chính làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu sau vụ Vạn Thịnh Phát
Trong khi đó, thống kê từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 cho đến ngày 23/5/2023, không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới được thực hiện.
Tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ phát hành trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 26.137 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiếp tục gia tăng trong tháng 6/2023 với hơn 35.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng 5/2023. Đặc biệt, số doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố trên sàn giao dịch chứng khoán tiếp tục tăng.
Thực tế này cho thấy, Nghị định 08/2023/NĐ-CP, ngày 5/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08) là biện pháp cần, nhưng chưa đủ.
Nói về vấn đề này, báo Đầu tư dẫn quan điểm của TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho biết, điều kiện cần nhất để giải quyết câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là dòng tiền thật vào mua trái phiếu và niềm tin.
“Phải có niềm tin, thì mới có dòng tiền quay trở lại”, - TS, Hồ Quốc Tuấn khẳng định.

“Cơn uất nghẹn lịch sử” của trái chủ Vạn Thịnh Phát

Cũng theo phân tích được đề cập trên báo Đầu tư, nếu nhìn vào “cơn uất nghẹn lịch sử” của trái chủ Vạn Thịnh Phát, vực dậy niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu là hết sức quan trọng.
Trước đó, do tin tưởng vào uy tín của ngân hàng SCB, 40.000 khách hàng đã đổ gần 25.000 tỷ đồng mua trái phiếu An Đông thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thông qua SCB với rủi ro là không tài sản đảm bảo.
Theo thống kê, cũng vì tin tưởng SCB nên khi chưa xảy ra vụ Vạn Thịnh Phát, chỉ với chương trình thi đua trái phiếu “Khai lộc đầu Xuân” triển khai tới ngày 12/1/2022, SCB đạt doanh số hơn 1.027 tỷ đồng. Cũng chỉ với chặng 1, chương trình “Kết nối sức mạnh - Dẫn lối thành công” triển khai chưa tới nửa tháng, SCB đạt doanh số gần 3.000 tỷ đồng, chặng 2 triển khai chưa tới nửa tháng, doanh số đã đạt hơn 5.700 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tiềm lực của nhà đầu tư là kênh huy động vốn quan trọng thế nào với doanh nghiệp.
Nhà đầu tư sập bẫy niềm tin do sự lập lờ, thiếu minh bạch thông tin của SCB-Vạn Thịnh Phát, trong khi hiện tại, còn nhiều khoảng trống pháp lý trong giám sát và hậu xử lý vấn đề trái phiếu tại Việt Nam.
Tuyên bố dứt khoát của Thống đốc NHNN từ vụ trái phiếu An Đông - Vạn Thịnh Phát
Hậu quả nghiêm trọng xảy ra đến bản thân Bộ Tài chính cũng phải thừa nhận trong một báo cáo mới đây gửi các đại biểu Quốc hội giải trình ý kiến đánh giá về trái phiếu doanh nghiệp rằng:
“Sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát và SCB, từ tháng 10/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước có nhiều biến động, khối lượng phát hành sụt giảm”.
Dễ hiểu, khi nhà đầu tư mất niềm tin, thị trường trái phiếu sẽ chỉ còn bên bán, không bên mua, thanh khoản ngày càng cạn kiệt. Các doanh nghiệp sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn doanh nghiệp tử tế lại bị vạ lây, dòng tiền đứt gãy, sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Do đó, để tạo dựng và khôi phục niềm tin, nhà chức trách cần điều tra nhanh, sai đến đâu, xử dứt điểm đến đấy, đồng thời, thiết lập chế tài xử lý chặt chẽ.
Chuyên gia cũng lưu ý, để lấy lại và tạo dựng niềm tin trên thị trường trái phiếu, thì cần thiết phải hình thành hành lang pháp lý để cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa doanh nghiệp phát hành - nhà đầu tư.
Đặc biệt, cần lưu ý rằng, nhà đầu tư, kể cả sơ cấp hay thứ cấp đều phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình, tự chịu các rủi ro phát sinh trong đầu tư và giao dịch trái phiếu, bởi thị trường này không dành cho tay chơi thiếu kiến thức kinh doanh.

Chỉ đạo nóng của Chính phủ liên quan thị trường trái phiếu

Tại Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023.
Theo đó, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 - 2023, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 6 năm 2023.
Liên quan đến vấn đề giải pháp tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho nền kinh tế, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trong điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trái phiếu An Đông căng thẳng, SCB tăng đối thoại với người dân sau vụ Vạn Thịnh Phát
Cùng đó, có các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể để thúc đẩy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Rà soát gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn.
Thảo luận