Những trang sử vàng

Năm 1905: Tuần dương hạm Rạng Đông trên bờ biển Việt Nam

Trong mấy thập kỷ qua, người ta đã nói và viết rất nhiều về Vịnh Cam Ranh. Đầu tiên – về căn cứ quân sự của Mỹ, sau đó – về căn cứ của Liên Xô và Nga, bây giờ - về căn cứ quân sự của Việt Nam, là một trong những nơi triển khai các tàu ngầm do Nga chế tạo theo đơn đặt hàng của Việt Nam.
Sputnik
Nhưng ít ai biết một chi tiết thú vị: vào năm 1905, Cam Ranh là nơi neo đậu đầu tiên của đội tàu lớn thuộc hạm đội Nga. Đây là hạm đội Thái Bình Dương thứ hai của Đế quốc Nga. Trong thời gian cuộc chiến tranh Nga-Nhật, đội tàu này từ biển Baltic được gửi về Viễn Đông để yểm trợ cho vị trí của Nga trong khu vực, cuộc hải trình đi vòng quanh Châu Âu và Châu Phi, qua Ấn Độ Dương, đến chiến trường ở Biển Nhật Bản. Và trên đường đi, trong suốt tháng Tư, đội tàu này đã ở vùng biển Việt Nam để tiếp nhiên liệu, bổ sung dự trữ lương thực do các tàu vận tải mang đến.

Lịch sử của chiến hạm Rạng Đông huyền thoại

Trong thành phần hải đội có tàu ​​tuần dương Rạng Đông (Aurora). Sau đó, vào năm 1917, phát súng từ chiến hạm Rạng Động nã vào cung điện Mùa Đông ở Petrograd đã mở đầu cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga. Trong những năm Thế chiến thứ hai, tàu Rạng Đông đã bắn vào các đội quân phát xít Hitler trong giai đoạn Leningrad bị phong tỏa. Sau đó, tàu Rạng Đông trở thành bảo tàng trên bến sông Neva và nhiều đoàn đại biểu Việt Nam đã ghé thăm tuần dương hạm này khi đến thành phố này. Trong sổ vàng lưu niệm của con tàu bảo tàng có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, năm nay tàu Rạng Đông bước sang tuổi 120. Và có lẽ không mấy người Việt Nam biết về lịch sử tàu Rạng Đông trước cách mạng tháng Mười Nga. Đây là điều đặc biệt thú vị vì liên quan với Việt Nam.
Những trang sử vàng
Sài Gòn - điểm dừng chân trên hành trình từ Vladivostok tới Odessa
Chiến hạm Rạng Đông đã được hạ thủy vào tháng 7 năm 1903 và bắt đầu trận đánh đầu tiên trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905. Trong thành phần đội tàu của hạm đội Thái Bình Dương, tàu Rạng Đông đã tham gia trận hải chiến bi tráng của Hạm đội Nga ở Tsushima. Vào ngày 15 tháng 5 năm 1905, chiến hạm Rạng Đông bắt đầu đấu pháo với tàu tuần dương Izumi của Nhật Bản và vô hiệu hóa nó. Sau hai ngày chiến đấu ác liệt, chiến hạm Nga bị thiệt hại: đã nhận 18 đòn trực diện và 99 thủy thủ thiệt mạng và bị thương. Tuy nhiên, tàu Rạng Đông vẫn vượt qua được vòng vây của tàu Nhật, đi đến Philippines, từ đó đến Sài Gòn, rồi quay trở lại St. Petersburg. Cuộc hải chiến giữa Nga và Nhật Bản năm 1905 kết thúc với chiến thắng thuộc về Nhật Bản. Hạm đội Nhật Bản vượt qua hải đội Nga cả về số lượng tàu, về tốc độ di chuyển và độ dày vỏ giáp cũng như về tốc độ bắn. Bốn mươi năm sau, Nga đã trả thù bằng cách đánh bại quân phiệt Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Chiến hạm Rạng Đông từng đến Việt Nam

Nhưng hãy quay trở lại năm 1905. Tàu Rạng Đông đã neo đậu một tháng trên bờ biển Việt Nam. Bác sĩ của tàu là ông Kravchenko và thuyền trưởng Yegorev (sau này thiệt mạng trong trận hải chiến ở Tsushima) đã để lại những ghi chép thú vị về sự kiện này.
Tàu Rạng Đông đến Cam Ranh sáng sớm ngày 1 tháng Tư năm 1905. Vịnh Cam Ranh khiến các thủy thủ Nga kinh ngạc vì kích thước rộng lớn của nó. Hai lối ra biển lập tức được chặn lại để tránh sự tấn công của tàu khu trục Nhật Bản. Tàu Rạng Đông ở Việt Nam tất cả 12 ngày, xen kẽ nhiệm vụ trực chiến, bốc than, lương thực và diễn tập trên biển. Thuyền trưởng Yegorev đã lên bờ chơi vài lần.
Ông Yegorev viết trong nhật ký của mình: "Ở đó có ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà bằng đất mái tranh khá nghèo nàn. Ngôi làng chỉ được trang trí bằng hai mươi cây dừa. Trên bãi biển có mấy chiếc thuyền tre. Trong làng có ngôi chùa nhỏ lợp ngói. Người dân trong làng sống bằng nghề chài lưới".
Multimedia
Tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Liên bang Nga quay trở lại Cam Ranh
Vào một trong những ngày tàu Rạng Đông neo lại ở vịnh Cam Ranh, khi trở về sau chuyến tuần tra trên biển cả, bác sĩ của con tàu cùng với một số đồng đội đã mạo hiểm đi dạo trên bờ. Đây là những gì ông viết về cuộc đi bộ này:

“Tôi quyết định leo lên núi, bám vào những bụi gai, nhưng khi vượt qua một nửa chặng đường tôi bị ngã và vùi tay vào tổ kiến ​​đỏ. Chúng lập tức trùm kín người tôi từ đầu đến chân. Tôi lao xuống sườn núi, nhổ một nắm côn trùng trên mặt. “Thật là kiến ​​đỏ! Không giống như những con kiến ​​​​yên bình của Nga!”.

Hầu như mỗi buổi sáng, chúng tôi nghe thấy tiếng hổ gầm điếc tai từ bờ biển và một con hổ khác đáp lại. Có rất nhiều hổ ở đây, - ông Kravchenko lưu ý. - Theo tín ngưỡng của cư dân địa phương, đây là con vật linh thiêng. Ở Mãn Châu, người Trung Quốc khi gặp hổ thậm chí không nghĩ đến việc phản kháng: họ ngoan ngoãn nằm xuống và chờ đợi số phận định đoạt. Thỉnh thoảng, những con voi đi dọc theo bờ biển, bẻ gãy cây cối”.

Những cuộc tiếp xúc thương mại đầu tiên giữa người Việt và người Nga

Sự xuất hiện của tàu tuần dương Pháp Descartes đã chấm dứt thời gian lưu trú của hải đội Nga tại Cam Ranh. Chiếc tàu này đã mang đến cho thuyền trưởng Nga bức thư của chính quyền Pháp trong đó yêu cầu rời khỏi vịnh để tránh xung đột giữa Pháp và Nhật Bản. Sáng ngày 13 tháng 4, tất cả các tàu rời vịnh Cam Ranh và chuyển đến Vân Phong. Tại đó, công việc bốc hàng ít hơn, các tàu Mỹ vận chuyển thực phẩm sợ tàu Nhật nên không chịu theo tàu Nga quá khu vực bắc vịnh Cam Ranh. Vì lý do tương tự, các tàu vận tải của Nga đã được gửi từ Cam Ranh đến Sài Gòn để lấy than bị chính quyền Pháp cấm tải. Nhưng rất may là có các thuyền mành Việt Nam mang hàng hóa dồi dào ra bán cho thủy thủ Nga. Họ mang theo lợn, gà, trà, thuốc lá, tỏi, trái cây; hoạt động thương mại phát triển nhanh chóng. Các thủy thủ đặc biệt thích những quả cam mà họ gọi là "cam gia đình" - một quả có thể nuôi năm người. Rõ ràng, đó là những quả bưởi. Đu đủ cũng là một thành công: ông Kravchenko giải thích rằng, đối với những người Nga không quen với nó, đó là một loại dưa có vị ngọt và hạt trông giống như trứng cá muối đen.
Những trang sử vàng
Việc trục xuất những người Việt nhập cư bất hợp pháp khỏi Nga đã được dự đoán vào năm 1884
Vào ngày 26 tháng 4, trước sự kiên quyết của Pháp, đội tàu Nga đã rời vịnh này, nhanh chóng bốc dỡ than từ các tàu vận tải ở cảng Cửa Bé. Nhật ký của hai tác giả kể rằng, ở Cam Ranh, Vân Phong cũng như ở Cửa Bé, giữa các thủy thủ và người dân địa phương không hề có xung đột. Sau đó, một thông điệp điện báo đến từ Phó đô đốc Pháp Jonquières, nội dung của thông điệp này, như ông Kravchenko đã viết trong nhật ký của mình, "đã đến lúc phải rời đi, người Pháp đã quá mệt mỏi với các tàu Nga". Ngày 1 tháng 5 năm 1905, hải đội Nga cuối cùng đã rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Thảo luận