Bamboo Airways lỗ “khủng”, toàn bộ thành viên HĐQT từ nhiệm

Tính tới ngày 31/12/2022, tổng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối của Bamboo Airways là âm 19.335,9 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng.
Sputnik
Nhiều khả năng, việc trích lập các khoản phải thu ngắn và dài hạn khó đòi đã dẫn tới chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, từ đó khiến công ty phải ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm 2022.
Hiện cả 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019- 2024 của Bamboo Airways đã có đơn xin từ nhiệm trước cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên sắp diễn ra.

Bamboo Airways lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ

Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Dự kiến Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 21/6 này.
Trong tài liệu, Bamboo Airways cho biết trong năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục lỗ thêm 17.619,3 tỷ đồng so với năm 2021 lỗ 2.280,8 tỷ đồng.
Trong đó, hãng hàng không này ghi nhận lỗ do tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp ghi nhận âm 3.209,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 4.060,3 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2022, doanh thu tài chính giảm 95,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2.450,29 tỷ đồng, về 121,14 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 371,7%, tương ứng tăng thêm 1.107,8 tỷ đồng, lên 1.405,8 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26,7 lần, tương ứng tăng thêm 12.625,4 tỷ đồng, lên 13.098,1 tỷ đồng (chủ yếu do phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến). Các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Profile "khủng" của tân Tổng giám đốc Bamboo Airways
Với việc lỗ thêm 17.619,3 tỷ đồng năm 2022, tính tới ngày 31/12/2022, tổng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối của Bamboo Airways là âm 19.335,9 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng. Từ đó, vốn chủ sở hữu đạt mức âm 835,9 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận dương 16.783,5 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, quy mô tài sản của Bamboo Airways đã giảm 33% so với đầu năm, tương ứng giảm 8.849,9 tỷ đồng, về 18.007,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 92,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.037,34 tỷ đồng, về 85,42 tỷ đồng và chiếm 0,5% tổng tài sản.
Ở chiều ngược lại, tổng nợ vay tăng 121,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 5,829,9 tỷ đồng, lên 10.623,4 tỷ đồng và chiếm 59% tổng nguồn vốn. Trước đó, hồi đầu năm công ty ghi nhận 4.793,5 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng nguồn vốn.
Đến 31/12/2022, Bamboo Airways bất ngờ ghi nhận dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là 9.692,2 tỷ đồng so với đầu năm không trích lập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 2.800,1 tỷ đồng so với đầu năm không trích lập.
So sáng với báo cáo kết quả kinh doanh, trong năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng đến 79,49 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 12.591,4 tỷ đồng, lên 12.749,8 tỷ đồng.
Rất có thể, việc trích lập các khoản phải thu ngắn và dài hạn khó đòi đã dẫn tới việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, từ đó khiến cho công ty phải ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm 2022.

Biến động nhân sự: toàn bộ thành viên HĐQT xin từ nhiệm

Một thông tin rất đáng chú ý, đó là, toàn bộ thành viên HĐQT Bamboo Airways đã từ nhiệm.
Trước cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đã nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân (tất cả các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019- 2024).
Trong tờ trình ĐHCĐ năm 2023, Bamboo Airways trình cổ đông miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, và ông Nguyễn Mạnh Quân.
Tập đoàn FLC tái cấu trúc, sẽ chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways
Cùng với đó, công ty dự kiến bầu 7 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2023-2028. Mặc dù vậy, danh tính các ứng viên chưa được tiết lộ.
Về phần Ban kiểm soát, Bamboo Airways trình cổ đông miễn nhiệm chức danh của ông Trần Anh Tuấn, ông Phạm Văn Phùng và ông Nguyễn Đăng Khoa. Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng dự kiến bầu lại 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023-2028 nhưng chưa công bố thông tin ứng viên.
Thời gian quan, Bamboo Airways đã có một số thay đổi ở vị trí lãnh đạo khi chuyển giao sang nhà đầu tư mới. Theo đó, ông Nguyễn Minh Hải được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc thay thế cho ông Nguyễn Mạnh Quân từ tháng 5/2023. Trước đó, ông Hải từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở Vietnam Airlines.
Ngoài ra, 2 cựu lãnh đạo Japan Airlines cũng được cho là sẽ tham gia điều hành Bamboo Airways. Trong đó, ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và ban điều hành. Ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines, dự kiến giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.
Hiện nay, hãng hàng không Bamboo Airways đang khai thác 41 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế. Công ty có 29 tàu bay, đã thực hiện 51.236 chuyến bay, vận chuyển hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2022.
Năm 2023, Bamboo Airways dự kiến tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên 2 con số, khoảng 15-20% tùy theo diễn biến thị trường. Hãng cũng muốn đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội tàu bay lên hơn 30 tàu.
Thảo luận