Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 6, ở Biển Đông gần đảo Luzon diễn ra cuộc tập trận đầu tiên của các tàu tuần tra ba nước - Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các thủy thủ Hải quân thực hành kịch bản trao đổi thông tin, bảo đảm an ninh biên giới trên biển và tiến hành sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn. Như được rõ, Philippines đã ký Hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ vào năm 1951, còn Nhật Bản và Hoa Kỳ có Hiệp ước chung về hợp tác và bảo đảm an ninh lẫn nhau. Mới đây Philippines và Nhật Bản cũng đã phát triển quan hệ quốc phòng mật thiết, biểu hiện qua việc Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước hồi tháng 3. Tức là tất cả các cuộc tập trận cả trong quá khứ và hiện tại của ba quốc gia này đều có cơ sở từ lâu và được thực hiện theo kế hoạch, như thông lệ của các đồng minh. Nhưng tập trận hướng đến chống ai, tàu tuần tra sẽ bảo vệ biên giới của họ trước đối tượng tiềm ẩn nào? Các chuyên gia và nhà báo từ nhiều nước đưa tin phản ánh về hoạt động này đã viết rằng tập trận nhằm chống Trung Quốc, vốn đang có tranh chấp với Philippines và Nhật Bản về chủ quyền với các đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cuộc thao diễn quân sự của Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản còn chưa kịp kết thúc thì đã bắt đầu cuộc tập trận «Komodo» ở vùng nước giữa các đảo Borneo và Sulawesi của Indonesia. Indonesia đã mời các quân nhân từ 49 nước tham gia. Trong đó có đại diện của những nước được biết đang có xung đột gay gắt như Ấn Độ và Pakistan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Đã công bố rằng trong quá trình cuộc tập trận này sẽ hoạch định việc áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ lẫn nhau trong thảm họa thiên nhiên và thiên tai, vốn thường xảy ra tại khu vực này của Thái Bình Dương.
Không được để tái diễn khủng hoảng Vịnh Bắc Bộ!
Dù tuyên bố mục tiêu là gì chăng nữa, tập trận luôn hàm chứa ý nghĩa quân sự. Tham gia tập trận với quốc gia khác luôn là cơ hội để tìm hiểu thêm về khả năng phòng thủ của quốc gia đó. Tức là gần như hoạt động gián điệp hợp pháp. Đôi khi các đối tác trong các cuộc tập trận nhìn nhau «qua thước ngắm của đại bác». Nghĩa là ở đây khá xa với tình bạn đích thực chân chính. Thế nhưng đến va chạm tàu chiến hoặc máy bay của các nước xung đột thì lại khá gần. Đó là nhận xét của Mark J. Valencia, chuyên gia nổi tiếng về quan hệ quốc tế trên biển. Trong bài viết đăng gần đây trên tờ South China Morning Post, ông nhắc lại những sự kiện của tháng 8 năm 1964.
«Ngày 4 tháng 8 năm 1964, Hoa Kỳ tuyên bố rằng các tàu tuần tra của Bắc Việt Nam đã tấn công chiến hạm Mỹ USS Maddox trong Vịnh Bắc Bộ. Sau đó chưa đầy một tuần là việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ, trở thành căn cứ pháp lý để Tổng thống Hoa Kỳ thời đó là Lyndon Johnson gửi đội quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam. Động thái này mở đường cho sự can thiệp công khai của Hoa Kỳ vào cuộc nội chiến ở Việt Nam».
Ngày nay lịch sử ghi rõ sự can thiệp này của Hoa Kỳ vào công việc của các dân tộc Đông Dương đã có hậu quả như thế nào. Hiện tại Hoa Kỳ có mối quan hệ khác xưa với Việt Nam và các quốc gia ở vùng Đông Nam Á. Nhưng điều gì đã khiến Mark J. Valencia hồi tưởng và nhắc đến những sự kiện của 60 năm trước? Chuyên gia này cho rằng ngày nay, tính đến tâm thế chống Trung Quốc công nhiên ở Washington, một sự cố như Vịnh Bắc Bộ dù có thật hay nguỵ tạo chăng nữa đều có thể đẩy Quốc hội Hoa Kỳ đến chỗ cần phải có hành động chiến sự.
Sự thể sẽ thế nào đối với toàn thể nhân loại thì Mark J. Valencia không viết. Nhưng chỉ vậy cũng đã rõ: xung đột vũ trang Mỹ-Trung sẽ biến thành thảm họa toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần chăm chú hơn với những cuộc thao diễn quân sự đang ngày càng trở nên dày đặc ở Thái Bình Dương.
Nhân tiện xin lưu ý rằng khi cuộc tập trận ba bên diễn ra cạnh quần đảo Philippines thì đội tàu chiến của CHND Trung Hoa cũng ở đâu đó rất gần.