Đáng chú ý, theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, một yếu tố đặc biệt sẽ đóng vai trò là nguồn cung ngoại tệ quan trọng cho đất nước bên cạnh xu hướng FDI tích cực hơn và kỳ vọng kiều hối gia tăng.
Biến động tỷ giá
Kể từ đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND biến động không lớn, quanh mốc 23.240 – 23.630 VND đổi một USD, biên độ +/-1.9% so với tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Có thể thấy, đây là mức ổn định hơn rất nhiều so với đà mất giá của tiền Việt Nam hồi năm 2022 khi có thời điểm lên tới mức gần 25.000 VND đổi 1 đồng bạc xanh.
Tính tới đầu tháng 6 này, tỷ giá USD/VND đã giảm thêm khoảng 0,52% so với hồi đầu năm 2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI giải ngân, du lịch quốc tế phục hồi cũng như được hỗ trợ một phần không nhỏ từ đà suy yếu của chính đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, Việt Nam ghi nhận nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định.
Đầu tiên, gia tăng dự trữ ngoại hối. Theo phân tích, sau hàng loạt biến động mạnh trên thị trường tiền tệ như đã thấy năm qua, khiến dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sụt giảm rõ rệt về mức quanh vùng 90 tỷ đô la Mỹ.
Trở lại các tháng đầu năm nay, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc mua vào khoảng 6 tỷ USD dự trự ngoại hối.
Theo nhậnđịnh của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến tới cuối năm nay có thể lên mứ 95 tỷ USD, hay thậm chí có thể cao hơn nếu tình hình xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI giải ngân được cải thiện hơn nữa.
Yếu tố thuận lợi thứ hai, theo giới phân tích, đó là cán cân thương mại suất siêu mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023. Điểm đáng nói, dù kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng qua ở mức thấp và có chiều hướng sụt giảm nhưng cán cân thương mại vẫn duy trì suất siêu mạnh, quanh mức 9,8 tỷ đô la.
Mức này cao hơn nhiều so với mức 0,47 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021 và mức 0,24 tỷ USD cùng kỳ 2022. Đồng thời, nhiều dự báo kỳ vọng tình hình xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực hơn từ quý 3 năm nay khi nhu cầu tại các thị trường chủ lực như Mỹ và EU phục hồi. Qua đó, tác động tích cực đến cán cân thương mại.
Đồng thời, ảnh hưởng từ việc Trung Quốc tái mở cửa cũng như việc các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu mới thay thế cũng sẽ hỗ trợ đáng kể dòng chảy ngoại tệ.
Yếu tố thứ ba – ngành du lịch phục hồi cũng góp phần giúp Việt Nam ổn định tỷ giá và tăng nguồn ngoại hối. Theo phân tích, sau quãng thời gian dài 3 năm chịu tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch tới Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã có sự cải thiện hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2022, gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đã tương đương 63% so với thời điểm trước dịch vào năm 2019.
Đặc biệt, khách du lịch quốc tế được dự báo sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới, đặc biệt từ Trung Quốc vào dịp hè và đầu quý 4/2023. Đây cũng sẽ là nguồn cung ngoại tệ đáng kể cho Việt Nam.
Yếu tố hỗ trợ thứ tư là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cải thiện, tích cực, khả quan hơn. Cần lưu ý rằng, dù lũy kế 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng số liệu tháng 4 và tháng 5 cho thấy tín hiệu khả quan hơn nhờ các yếu tố vĩ mô dần được cải thiện.
Một yếu tố hỗ trợ từ bên ngoài, nhưng đóng vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam đó là các động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ở đây, cụ thể cần lưu ý, việc FED có thể sớm dừng tăng lãi suất, nhưng việc giảm siết chặt chính sách tiền tệ của giới chức Mỹ, giúp hạ nhiệt đồng bạc xanh. Thực tế, dù còn khả năng Fed tăng lãi suất ít nhất 1 lần nữa trong năm nay, nhưng lãnh đạo của cơ quan này đã bớt “diều hâu” hơn.
Yếu tố quan trọng tiếp theo cần nhắc tới là đà tăng của lượng kiều hối đổ về Việt Nam. Theo đó, ngoài lượng kiều hối gửi về cho người thân trong nước vẫn được duy trì ổn định, xu hướng kiều hối đổ về Việt Nam để đầu tư được kỳ vọng gia tăng mạnh mẽ hơn khi kinh tế đất nước dần hội phục, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức hấp dẫn, bất động sản quanh vùng giá thấp và nhất là khi các nền kinh tế phương Tây đang hồi phục ì ạch.
Với những yếu tố thuận lợi này, có thể hy vọng rằng, giai đoạn biến động tỷ giá trong nửa cuối năm 2022 đã qua. Cùng với đó, nhiều tổ chức tài chính, định chế, chuyên gia cũng cho rằng, tỷ giá USD/VND tiếp tục được duy trì ổn định trong nửa năm còn lại.
Yếu tố bất ngờ ảnh hưởng đến tỷ giá và dự trữ ngoại hối
Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong báo cáo mới công bố hôm 14/6, cho rằng, tỷ giá sẽ chỉ dao động trong biên độ +/-3 theo tỷ giá trung tâm của NHNN, mức biến động này cũng thấp hơn mức +/-5% theo quy định của NHNN hiện tại.
“Giai đoạn tỷ giá biến động mạnh trong nửa cuối 2022 đã đi qua, tỷ giá trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định, biến động trong biên độ 3%, dưới mức biên độ theo NHNN quy định 5%”, Yuanta bày tỏ.
Đặc biệt, theo Chứng khoán Yuanta, khách du lịch quốc tế sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới, đặc biệt là Trung Quốc vào dịp hè và vào đầu quý tư, đem đến nguồn cung ngoại tệ đáng kể cho Việt Nam.
Thêm nữa, FDI với những tín hiệu tích cực hơn, theo Yuanta, sẽ hỗ trợ rất lớn cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
“Dù cần quan sát thêm, nhưng chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về dòng vốn FDI trong trung và dài hạn, và đây cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho đồng USD chảy vào Việt Nam”, Yuanta Việt Nam lưu ý.
Dẫn kỳ vọng kiều hối tăng, nhất là lượng kiều hối chuyền tiền về đầu tư tại Việt Nam, cùng với khả năng FED ngừng tăng lãi suất, Yuanta cũng đồng tình rằng, những yếu tố này sẽ hỗ trợ duy trì ổn định tỷ giá USD/VND. Đặc biệt, theo CME Group, khảo sát cho thấy, có tới 94% nhà đầu tư nhận định Fed không tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 6 này, việc siết chặt lãi suất ngày càng được nới lỏng, đồng USD khó tăng đột biến như hồi cuối năm ngoái.
“Tỷ giá ổn định trở lại sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ổn định lãi suất, xem xét mua ngoại tệ tăng cung tiền ra nền kinh tế”, Chứng khoán Yuanta nhận xét.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp có nợ ngoại tệ lớn giảm thiểu rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn có thể sẽ hoàn nhập dự phòng một phần khoản lỗ tỷ giá dù tỷ giá USD/VND đã tạo mặt bằng mới cao hơn so với bình quân năm 2022.
Tuy nhiên, còn một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá cần theo dõi như lạm phát các nước phát triển vẫn đang ở mức cao và việc Trung Quốc mở cửa trở lại hay Fed có thể kéo dài việc tăng lãi suất hơn.
Niềm tin vào NHNN và đồng Việt Nam được củng cố
Trong báo cáo trước đó, VNDirect cũng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước còn dư địa để giảm tiếp lãi suất điều hành và tỷ giá USD/VND cơ bản ổn định khi tình hình lạm phát trong nước hạ nhiệt.
Theo VNDirect, với vấn đề tỷ giá của đồng Việt Nam, Chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY, US Dollar Index) đã tăng mạnh trong tháng 5/2023 khi thị trường hoài nghi về kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023.
Thêm nữa, tại ngày 31/5/2023, chỉ số DXY leo lên mức 104,3 điểm (tăng 2,6% so với đầu tháng 5). Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số DXY đạt 103,55 điểm.
Sự hồi phục của chỉ số DXY và động thái giảm lãi suất điều hành gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã tạo áp lực lên tỷ giá VND. Theo đó, tỷ giá USD/VND tăng nhẹ 0,1% trong tháng 5/2023 lên mức 23.490 đồng đổi 1 USD.
Tuy vậy, nhóm phân tích vẫn duy trì quan điểm áp lực tỷ giá sẽ không lớn trong quý 2 này và dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động quanh mốc 23.400 – 23. 700 do nguồn cung trong nước vẫn được đảm bảo nhờ thặng dư thương mại được cải thiện, giảm áp lực lạm phát và động thái gia tăng dự trữ ngoại hối gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam.