Không để những vụ việc tương tự ở Đắk Lắk tái diễn một lần nữa

Hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, sớm buộc những kẻ khủng bố, gây bạo loạn, giết người phải trả giá đích đáng cho những hành vi tàn bạo, man rợ của chúng.
Sputnik
Vụ tấn công "có tổ chức, man rợ" ở Đắk Lắk ngày 11/6 khi nhóm 10 nghi phạm với súng quân dụng tự chế, súng thể thao và bom xăng đột nhập trụ sở ủy ban xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur. Vụ tấn công vào 2 trụ sở xã gây ra cái chết của 4 công an xã, 2 cán bộ xã và 3 người dân; 2 công an bị thương.
Bộ Công an nhận định đây là những hành vi "rất manh động, liều lĩnh, mất nhân tính".
Trong bài phỏng vấn dưới đây của Sputnik, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an đã đưa ra đánh giá và làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan tới vụ tấn công nói trên ở Đắk Lắk.

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên đã tương đối “yên” trong một thời gian dài nhưng chưa “ổn”

Sputnik: Trước hết, Đại tá có thể cho biết về tình hình an ninh trật tự tại Tây Nguyên trong những năm vừa qua?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Trong 18 năm qua kể từ khi vụ bạo loạn năm 2004 do đối tượng Ksor Kok đòi lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên đã tương đối “yên” trong một thời gian dài nhưng chưa “ổn”. Lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, ly khai…. là những chiêu bài không mới của các thế lực thù địch, phản động, Sau khi tổ chức “Tin lành Đề Ga” bị xóa bỏ, các thế lực phản động thù địch trong và ngoài nước đã liên tiếp “nhào nặn” những tổ chức tôn giáo trá hình để tiếp tục chống phá. Đó là “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, là “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” và cả các phần tử FULRO còn sót lại.
Những kẻ cầm đầu các tổ chức này ở trong nước có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức chống phá Việt Nam tại Mỹ và còn được sự yểm trợ của Tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới Human Rights Watch (HRW). Tổ chức này cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên tung ra các báo cáo xuyên tạc và bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhằm yểm trợ cho các tổ chức phản động tại Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã rất nhiều lần phản bác các luận điệu sai trái, thù địch đó.

Một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng

Sputnik: Đại tá đánh giá như thế nào về tính chất vụ việc ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, Đắk Lắk xảy ra ngày 11/6?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Hồi 1 giờ sáng 11/6/2023, trên địa bàn huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã xảy ra vụ việc mất an ninh trật tự có vũ trang. Một nhóm đối tượng đã dùng súng, dao, kiếm tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân các xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Các đối tượng đã sát hại 9 người, trong đó có 4 sĩ quan Công an Nhân dân, 2 cán bộ xã và 3 người dân. Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị nghiệp vụ triển khai vây bắt nhóm đối tượng nói trên. Hiện đã truy bắt được trên 50 đối tượng và giải thoát 3 người dân bị bắt chúng bắt làm con tin.
Đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trên hai địa bàn mới được bố trí lực lượng Công an chính quy đến cấp xã. Tính chất nghiêm trọng của vụ việc còn biểu hiện ở chỗ không chỉ có các đối tượng ở huyện Cư Kuin tham gia mà còn nhiều đối tượng đến từ nhiều địa bàn huyện khác tại tỉnh Đắk Lắk. Bộ Công an đánh giá vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vào ngày 11/6/2023 là những hành vi gây mất an ninh, trật tự đặc biệt nghiêm trọng.
Đắk Lắk: Người dân xã Ea Tiêu va Ea Ktur, huyện Cư Kuin đã giao đất làm đường
Các đối tượng hành động một cách có tổ chức, có phân công nhiệm vụ, giao quyền chỉ huy… Trong quá trình phạm tội, các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, điên cuồng, man rợ và đầy thú tính. Lời khai của một trong những kẻ chủ mưu có tên là Y Thô Ayun và Y Chanh Niê, cùng cư trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk và nhân chứng là người lái xe tải Đoàn Đức Dũng, sinh năm 1967, cư trú tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai bị các đối tượng truy sát 2 lần nhưng thoát chết đã cho thấy điều đó.
Nhiều thế lực phản động cùng các tờ báo, trang web có tư tưởng thù địch và thiếu thiện chí với Việt Nam đã xuyên tạc bản chất của vấn đề, dùng chiêu bài “người Kinh áp bức người Thượng”, “người Kinh chiếm đất của người Thượng” để biện bạch cho tội ác khủng bố của nhóm đối tượng này, cổ xúy cho những những hành động đó gây hoang mang trong quần chúng nhân dân; đồng thời, kích động người dân chống lại chính quyền.
Những hành động sai trái nói trên của BBC, RFA, VOA và các trang web nói trên cho thấy những thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước đã sử dụng vụ việc này cũng như các đối tượng tham gia khủng bố nhằm châm ngòi cho một cuộc bạo loạn mới trên địa bàn Tây Nguyên. Điều này thể hiện rất rõ trong bài viết của đối tượng phản động Nguyễn Văn Ðài, một phần tử của tổ chức khủng bố Việt Tân. Trong bài viết, hắn đã thổi phồng vụ việc và lan truyền thông tin cho rằng, “lực lượng khởi nghĩa có khoảng 1.000 thành viên” và hô hào “Tây Nguyên nổi dậy. Hà Nội, Huế, Ðà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ..., toàn dân xuống đường”.

Khả năng những kẻ gây ra vụ việc có sự tham vấn của cơ quan đặc biệt nước ngoài là rất cao

Sputnik: Hiện tình hình tại địa bàn như thế nào, Đại tá có thể chia sẻ với Sputnik?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Chỉ sau ba ngày, tình hình trên địa bàn huyện Cư Kuin nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung đã ổn định. Các tổ chức đoàn thể quần chúng tích cực vận động người dân không nghe theo những luận điệu xằng bậy của kẻ xấu và trở lại làm ăn, buôn bán bình thường. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và các cơ quan chức năng của Việt Nam còn đang trong quá trình truy xét, xác minh, đánh giá thông tin nên người phát ngôn Bộ Công an chưa thể công bố những điều gì cụ thể hơn. Riêng cá nhân tôi đánh giá đây là một vụ tấn công khủng bố, có tổ chức chặt chẽ ở trong nước và khả năng những kẻ gây ra vụ việc này có sự móc nối, liên lạc với các tổ chức người Việt phản động ở nước ngoài, có sự tham vấn của cơ quan đặc biệt nước ngoài là rất cao.

Chỉ sau 72 giờ, “ngòi nổ” bạo loạn đã tắt ngấm

Sputnik: Là một sỹ quan Công an, theo Đại tá, lực lượng chức năng đã hành động kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả như thế nào?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Về chiến lược đối phó với các tổ chức phản động thù địch trong nước, Công an Nhân dân Việt Nam đã có nhiều kịch bản khác nhau như giải tán đám đông biểu tình trái phép, giải tỏa các vụ khiếu kiện đông người, chống gây rối trật tự an ninh, chống khủng bố, chống bạo loạn vũ trang.v.v… Các lực lượng Công an Nhân dân đóng trên địa bàn Tây Nguyên cũng thường xuyên luyện tập các phương án đối phó với các tình huống giả định.
Trong vụ việc vừa diễn ra, các đơn vị của Bộ Công an đóng trên địa bàn đã nhanh chóng phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng chuyển cấp báo động chiến đấu và hành quân cấp tốc để chỉ một vài giờ sau đã có mặt tại hiện trường và tiến hành vây bắt các đối tượng. Chỉ sau 3 ngày, các đơn vị đã truy bắt được hơn 50 phần tử tham gia vụ tấn công khủng bố. Trong đó, toàn bộ những kẻ cầm đầu, chủ mưu, thủ ác; tức là “cái lõi” của nhóm tội phạm này đã bị bắt giữ.
Tham gia các cuộc vây ráp và truy bắt nhóm khủng bố, rất nhiều người dân đã giúp đỡ các chiến sĩ Công an Nhân dân, phát hiện nơi ẩn nấp của các đối tượng vào báo cho lực lượng chức năng. Nhiều người thân của những đối tượng đã thuyết phục, vận động chúng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam. Vì vậy mà chỉ sau 72 giờ, cái “ngòi nổ” bạo loạn mà các thế lực phản động chống Việt Nam ở trong và ngoài nước nuôi hy vọng đã tắt ngấm.

Bài học kinh nghiệm xương máu

Sputnik: Qua vụ việc này, lực lượng công an nhân dân có thể rút ra được những bài học gì, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Cũng phải rút ra kinh nghiệm xương máu là công tác bám, nắm địa bàn còn nhiều sơ hở, dẫn đến bị động về chiến thuật. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ Công an vì mới được điều động xuống cấp xã không biết tiếng dân tộc hoặc có biết thì chưa thông thạo. Đặc biệt là khi các đối tượng sử dụng “tiếng lóng”. Do đó, họ rất khó nắm bắt được âm mưu thủ đoạn của địch khi mới manh nha. Lời khai của một trong những kẻ cầm đầu cho thấy chúng đã vận động, tuyển mộ, tập hợp các đối tượng từ hàng tháng trước khi vụ việc diễn ra. Thứ hai là công tác trinh sát chưa đạt yêu cầu, chưa coi trọng bám địa bàn, nắm tình hình. Công an cơ sở chưa cảnh giác đề phòng và duy trì nghiêm chế độ trực ban chiến đấu nên các chiến sĩ đã bị động khi những kẻ gây bạo loạn bất ngờ tấn công. Dù họ đã chống trả rất quyết liệt nhưng vẫn hứng chịu thương vong.
Ai đứng sau vụ Đắk Lắk? Tuyên bố mới của Hun Sen hàm ý gì?
Về vấn đề này, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát toàn bộ và bổ sung các phương án trinh sát và chiến đấu để bảo đảm an ninh tuyệt đối tại các địa bàn, các mục tiêu, các lĩnh vực trọng điểm. Công an các địa phương phải nắm chắc tình hình và tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương các biện pháp đấu tranh với tội phạm và vận động quần chúng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Riêng lực lượng An ninh phải tăng cường phát hiện từ sớm, từ xa và loại trừ triệt để các yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.

Những kẻ gây bạo loạn, giết người phải trả giá đích đáng

Sputnik: Đại tá có thể cho dự báo của mình về việc xét xử những kẻ tham gia vụ gây rối trật tự an ninh nghiêm trọng ở Đắk Lắk?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an:
Hiện tại thì vụ việc vẫn trong quá trình điều tra và các đơn vị Công an Nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục truy quét để bắt bằng hết các đối tượng phản động, kể cả những đối tượng đã tham gia tổ chức địch nhưng không trực tiếp gây tội ác nhằm triệt phá tận gốc các ổ nhóm chống đối, không để những vụ việc tương tự tái diễn một lần nữa.
Về xử lý các đối tượng thì căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung sửa đổi năm 2017), tùy theo tính chất, mức độ của hành vi tham gia tổ chức vụ tấn công trụ sở chính quyền các xã Ea Tiêu và Ea Ktur ngày 11/6/2023, chúng có thể bị truy tố về các tội sau đây:
- Tội khủng bố được quy định tại Điều 113, Bộ luật Hình sự hiện hành. Những đối tượng bị truy tố về tội danh này có thể đối diện với mức án phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
- Tội bạo loạn được quy định tại Điều 113, Bộ luật Hình sự hiện hành. Những đối tượng bị truy tố về tội danh này với vai trò cầm đầu tổ chức và hoạt động đắc lực có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Những đối tượng đồng phạm có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
- Tội giết người được quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự hiện hành. Những đối tượng phạm vào tội này sẽ đối diện với mức án từ từ 12 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
- Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự hiện hành. Những đối tượng phạm vào tội này có thể bị phạt từ từ 5 năm đến 15 năm, 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo tính chất và mức độ phạm tội.
Hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, sớm buộc những kẻ khủng bố, gây bạo loạn, giết người phải trả giá đích đáng cho những hành vi tàn bạo, man rợ của chúng. Ngoài ra, Cơ quan An ninh các địa phương cũng xử lý hành chính hàng chục đối tượng đăng tải và chia sẻ nhưng thông tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc về vụ việc trên không gian mạng; góp phần phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, góp phần ổn định dư luận và khắc phục tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Sputnik: Cảm ơn Đại tá Nguyễn Minh Tâm vì những thông tin hữu ích.
Thảo luận