Trên hành trình từ biển Baltic hướng tới chiến trường trong vùng biển Nhật Bản, nơi đang diễn ra chiến tranh Nga-Nhật, hải đội Nga đã neo đậu tại cảng Cam Ranh, rồi đến cảng Vân Phong và Cửa Bé. Trong vòng một tháng, - vào tháng 4 năm 1905 - các tàu chiến Nga đã bốc than đá lên tàu, và mua lương thực thực phẩm. Sau 28 ngày vượt biển mà nơi thả neo trước đó là ở Madagascar thuộc Pháp, đây là lần đầu tiên các thủy thủ có cơ hội nếm thử thịt tươi, và quan trọng nhất là rau và trái cây tươi. Tất cả những thứ này được giao cho các thủy thủ không chỉ bằng tàu vận tải mà còn bởi các thương nhân người Pháp và Việt Nam trên những chiếc thuyền buồm, đặc biệt là người Việt bán hàng với giá thấp hơn so với người Pháp. Vì vậy, các thủy thủ Nga đã chào đón rất nồng nhiệt những thương gia Việt Nam, mời họ lên tàu để thực hiện giao dịch. Như vậy, vào năm 1905, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Nga-Việt, những người Việt Nam đã làm quen với các tàu chiến và thủy thủ Nga. Và những giao dịch mua bán đã đặt nền móng cho quan hệ thương mại trực tiếp Nga-Việt.
Trong số những người Việt Nam không chỉ có thương gia
Trên một chiếc thuyền đã có ba người Việt. Giống như những thương nhân khác, họ lên tàu Nga để giao hàng. Ở Việt Nam khi ấy họ đã là những người nổi tiếng và sau này tên tuổi họ đi vào lịch sử phong trào giải phóng dân tộc của đất nước. Đó là các ông Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp. Mùa xuân năm 1905, ba người thực hiện hành trình khắp phía Nam.
Hồi ký của ông Huỳnh Thúc Kháng
Ông Huỳnh Thúc Kháng thuật lại trong hồi ký: "Khi đi ngang qua Nha Trang, chúng tôi đã nghe nói có hải đoàn Nga đang dừng ở Cam Ranh. Chúng tôi quyết định đóng giả thương nhân, mua trứng gà, các loại rau, trái cây, thuê thuyền cá và leo lên một con tàu. Và chúng tôi đã làm được điều đó!Trước hết nhờ sự nhiệt tình trẻ!".
Trong số ba người đó chỉ có ông Huỳnh Thúc Kháng viết hồi ký về sự kiện đó. Cuốn hồi ký đã được xuất bản ở Huế vào năm 1963. Tại sao hai người khác đã không nhắc đến điều đó?
Nếu nói về ông Trần Quý Cáp thì ông chỉ đơn giản không có thời gian để làm như vậy. Ông bị thực dân Pháp bắt giam rồi bị đưa ra chém ở Khánh Hòa chỉ ba năm sau cuộc gặp gỡ với các thủy thủ Nga. Còn ông Phan Chu Trinh không bao giờ đề cập đến cuộc sống cá nhân trong tác phẩm lý thuyết văn học. Và nếu ông đề cập đến điều gì đó mang tính cá nhân, thì chỉ để minh họa cho một tình huống toàn cầu nào đó. Vì vậy, không phải là điều đáng ngạc nhiên khi chỉ có một trong ba người viết hồi ký về chuyến đi táo bạo lên chiếc tàu tuần dương Nga.
Chuyến thăm đó thật là táo bạo
Chuyến thăm đó thật là táo bạo bởi vì ba người Việt Nam yêu nước không thể biết từ trước hậu quả của nó. 55 năm trước đó, khi một nhà cải cách trẻ người Nhật lên chiếc tàu của Đô Đốc Perry đang cập bến ở cảng Nhật Bản, các thủy thủ Mỹ đã bắt giữ anh ấy và giao cho cảnh sát Nhật Bản, chàng trai trẻ đã bị bỏ tù. Tuy nhiên, sự kiện đáng buồn này không ảnh hưởng đến quyết định của ba người Việt đến thăm tàu Nga. Thái độ của các thủy thủ Nga đối với các du khách là khác hẳn với Mỹ, nhưng, ai có thể biết từ trước về điều đó? Nhân tiện xin nói luôn, chuyến thăm đó đã có một hậu quả đáng buồn. Ông Huỳnh Thúc Kháng đã bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo, và một trong những cáo buộc là chuyến thăm của ông trên tàu Nga.
Ông Phan Chu Trinh đã khởi xướng chuyến thăm này?
Mục tiêu của ba người yêu nước Việt Nam là gì? Ai trong số họ đã khởi xướng chuyến thăm này? Chắc là, đây không phải là ông Huỳnh Thúc Kháng. Thật vậy, như nhà nghiên cứu Huỳnh Lý ghi nhận, ông Kháng "rất nhanh chóng trong tư tưởng, nhưng chậm trong hành động". Nếu nói về hai ông Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp thì cả hai đều đầy nghị lực, thích tò mò, rất quan tâm đến tất cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Cả hai muốn tìm hiểu về "nền văn minh công nghiệp phương Tây". Sau chuyến thăm tàu tuần dương Nga họ đã có cơ hội làm như vậy. Tuy nhiên, xét theo mọi việc, chính ông Phan Chu Trinh đã khởi xướng chuyến thăm đó.
Không thể không đồng ý với điều đó. Sau chưa đầy một năm sau chuyến thăm tàu tuần dương Nga, ông đã biết được rằng Phan Bội Châu đang ở Quảng Châu, ông đến đó, rồi cả hai tới Nhật Bản quan sát những thay đổi của đất nước sau cuộc cách mạng Minh Trị. Và sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo, ông sang Pháp tìm con đường cứu nước.
Trong suốt cuộc đời, ông Phan Chu Trinh thường hành động với phương châm "không vào hang cọp, sao bắt được cọp". Vì vậy, rất có thể chính ông đã đề xuất sáng kiến thăm tàu tuần dương Nga để có sự hình dung ban đầu, dù hời hợt, về sự phát triển công nghiệp và kỹ thuật quân sự của quốc gia này và "nền văn minh công nghiệp của phương Tây" nói chung.
Và sau đó, bánh xe lịch sử Việt Nam quay nhanh hơn.