Trung Quốc đã chỉ ra rõ ràng và đồng thời khá gay gắt các điều kiện theo đó có thể "hồi sinh từ tro tàn" mối quan hệ Trung-Mỹ đang ở mức thấp trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Mỹ cần lựa chọn giữa đối thoại và đối đầu, giữa hợp tác và xung đột. Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị đã tuyên bố tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. Theo truyền thông phương Tây, cuộc hội đàm đã kéo dài ba tiếng đồng hồ. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nói với người đồng cấp rằng, Mỹ nên ngừng thổi phồng thuyết "mối đe dọa từ Trung Quốc" và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ. Ông cũng lưu ý rằng, Trung Quốc không cho phép thỏa hiệp hay nhượng bộ về vấn đề Đài Loan, Mỹ phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương
© AP Photo / Leah Millis
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư Alexei Maslov, Giám đốc Viện các nước Á-Phi, thuộc Đại học Tổng hợp Moscow, một chuyên gia tại Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, lưu ý rằng, tuyên bố của ông Vương Nghị cho thấy rõ rằng, vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Trung - Mỹ.
"Đối với Trung Quốc, chủ quyền với Đài Loan là một vấn đề cơ bản. Và việc Trung Quốc nhấn mạnh sẽ không cho phép thỏa hiệp hay nhượng bộ về vấn đề Đài Loan là điều quan trọng không chỉ đối với việc giải quyết vấn đề Đài Loan mà còn đối với hình ảnh của Trung Quốc trên toàn thế giới. Trung Quốc hiểu rõ điều này, vì vậy cuộc hội đàm diễn ra với giọng điệu cao độ như vậy", - Giáo sư Alexei Maslov nói.
Trước đó, vào ngày 18/6, Ngoại trưởng Trung Quốc đã có cuộc hội đàm với Antony Blinken. Theo những nguồn tin khác nhau, cuộc hội đàm kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Hai bên nhất trí duy trì tương tác cấp cao, tiếp tục thúc đẩy tham vấn thông qua Nhóm công tác chung để giải quyết các vấn đề cụ thể xoay quanh quan hệ hai nước, khuyến khích nhiều hơn nữa giao lưu nhân dân và giáo dục.
Lập trường của Mỹ gây trở ngại cho việc giải quyết các vấn đề
Trong khi đó, các cuộc hội đàm cho thấy rằng, hai bên chưa sẵn sàng giải quyết một số vấn đề do lập trường của Mỹ, chuyên gia Alexei Maslov lưu ý.
Theo ông, Trung Quốc và Mỹ cố gắng quay trở lại công thức tiêu chuẩn "chính trị lạnh, kinh tế nóng". Ví dụ, ý tưởng tăng cường các chuyến bay thương mại qua lại hoặc thúc đẩy các chuyến thăm lẫn nhau của doanh nhân hai nước. Tất nhiên, đây là một bước tiến lớn trong việc bình thường hóa quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, có một số vấn đề mà cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa sẵn sàng giải quyết. Đây là lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan, trong đó không thấy bất kỳ tiến triển quan trọng nào. Đây là quan điểm về việc giải quyết xung đột Nga-Ukraina.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Bắc Kinh
© AP Photo / Leah Millis
Trong bối cảnh đó, Mỹ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn kiên định lập trường đã tuyên bố trước đó. Nhìn chung, trong bối cảnh chuyến thăm của ông Blinken, trong chính sách của Hoa Kỳ hiện có hai xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Một mặt, chúng ta thấy nỗ lực của một số công ty lớn của Mỹ để cải thiện quan hệ, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao.
"Một ví dụ là chuyến thăm Trung Quốc của Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft. Nhưng đồng thời, chính quyền Hoa Kỳ đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc thiết lập bất kỳ liên hệ công nghệ cao nào. Có nghĩa là hiện có sự chia rẽ giữa chính quyền Mỹ và giới doanh nghiệp Mỹ về các hình thức tương tác với Trung Quốc", - chuyên gia Nga nói.
Ngoại trưởng Antony Blinken trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Trung Quốc dưới thời chính quyền Joe Biden. Lần gần đây nhất Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc là vào tháng 10/2018. Vào thời điểm viết bài này có thông tin chính thức rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh.