Theo Vietnam Report, Việt Nam có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ tính đến năm 2022, tuy nhiên, vì nhiều lý do, tình trạng tư vấn viên tư vấn không đúng, cố tình tư vấn mập mờ cho khách hàng đã diễn ra trong thời gian dài, khiến khách hàng gặp không ít khó khăn và mất niềm tin vào bảo hiểm.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam
Ngày 23 tháng 6, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố báo cáo “Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023”.
Theo đó,Vietnam Report chia thành 2 danh sách gồm “Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín” và “Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín”.
Đáng chú ý, tại báo cáo, Vietnam Report cũng lưu ý về tình trạng nhân viên tư vấn không đúng, cố tình tư vấn mập mờ diễn ra trong thời gian dài đã khiến khách hàng gặp khó khăn và mất niềm tin vào bảo hiểm tại Việt Nam thời gian qua. Thực tế, vấn đề này cũng được một số chuyên gia chỉ thẳng đây là điểm yếu chí tử cần cải thiện cấp thiết của ngành trong thời gian tới để tránh đổ vỡ niềm tin.
Số liệu từ Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,1% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,0%; trong khi lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự bứt phá mạnh (tăng 15,3%) so với năm 2021 - mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có thống kê cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2022 ước đạt 245.877 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD) và nhiều năm liền duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số. Những con số này cho thấy triển vọng tăng trưởng khả quan của ngành bảo hiểm.
Báo cáo cũng cho biết, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả khoảng trên 64.018 tỷ đồng (tăng 23,3% so với năm 2021). Riêng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 656.423 tỷ đồng (tăng 12,6% so với năm 2021).
Mất niềm tin
Bước qua năm 2023, sau hàng loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) cũng như những vụ việc liên quan đến bảo hiểm nhân thọ thời gian qua (như vụ của diễn viên Ngọc Lan, nghệ sĩ Kim Tử Long…) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm.
Báo cáo của Vietnam Report thể hiện, tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng tin tiêu cực tăng đột biến. Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, đây là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải trong năm 2023 này.
Đồng thời, chất lượng đại lý, tư vấn viên không phải là câu chuyện mới của ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Đặc biệt, có đến 7,2% người tiêu dùng không hài lòng khi mua bảo hiểm qua ngân hàng với lý do chính là nhân viên tư vấn lập lờ từ gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm.
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bảo hiểm mới công bố của Vietnam Report, mức độ hài lòng của khách hàng đối với nhân viên tư vấn bảo hiểm đã giảm từ 4,5 xuống 4,4 trong năm 2023.
Trong đó, tiêu chí giảm mạnh nhất là nhân viên luôn tạo cảm giác thoải mái và thân thiện với tất cả khách hàng (4,5 xuống 4,3).
Ngoài ra, các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng gồm có nhiều kinh nghiệm và am hiểu nghiệp vụ bảo hiểm; khả năng tư vấn giải đáp các loại sản phẩm và thực hiện thủ tục đăng ký nhanh chóng, chính xác đều có sự sụt giảm đáng kể, phản ánh vấn đề chất lượng nhân viên tư vấn của các doanh nghiệp bảo hiểm đều đang rơi vào mức “đáng báo động”.
Các hãng đã áp dụng nhiều chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên/đại lý/nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm đã được các doanh nghiệp ưu tiên đẩy lên vị trí thứ nhất với mức tăng mạnh (từ 39,7% lên 84,8%).
Ngoài đội ngũ nhân viên tư vấn nội bộ, doanh nghiệp cũng xác định cần đưa ra các biện pháp để kiểm soát chất lượng nhân viên tư vấn ở cả kênh bancassurance.
Được biết, hiện kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn. Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới.
Cùng với đó, khảo sát người tiêu dùng bảo hiểm của Vietnam Report cũng cho thấy năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ ở kênh ngân hàng khi số lượng người tiêu dùng sử dụng kênh này tăng từ 10,7% trong năm 2022 lên 65% trong năm 2023.
Nhiều vi phạm trong ngành bảo hiểm đã bị phát hiện
Trong năm 2022 qua kiểm tra, Hiệp hội Bảo hiểm đã phát hiện khoảng 3.100 trường hợp đại lý sai phạm, với 14 nhóm hành vi, trong đó có lỗi tuyên truyền quảng cáo sai về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo báo cáo, thực tế, tình trạng này cũng đã tồn tại tuy nhiên chỉ với số lượng nhỏ và khi các doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện ra đã có những phương án xử lý, giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, khi kênh bancassurance tăng trưởng bùng nổ thì vấn đề về chất lượng nhân viên tư vấn lại trở lại.
“Tình trạng tư vấn viên tư vấn không đúng, cố tình tư vấn mập mờ cho khách hàng đã diễn ra trong thời gian dài, khiến khách hàng gặp không ít khó khăn và mất niềm tin vào bảo hiểm. Tư vấn viên thường chỉ tư vấn "lấp lửng", chỉ nhắc đến cái lợi trước mắt mà ít khi tư vấn cái chưa được, rủi ro và các điều khoản loại trừ cho khách hàng khi tham gia sản phẩm”, - báo cáo lưu ý.
Đối với các dòng sản phẩm đầu tư như sản phẩm liên kết đơn vị, đa phần tư vấn viên tư vấn đây là dòng sản phẩm có lãi suất cao hơn ngân hàng. Trong khi đó, khách hàng cứ nghĩ bảo hiểm như gửi tiết kiệm có lãi suất cao và được bảo vệ sức khoẻ nên mới tham gia. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các mâu thuẫn hợp đồng sau này. Cụ thể như trường hợp giữa ngân hàng SCB và Manulife với sản phẩm bảo hiểm Tâm An Đầu Tư như Sputnik đã thông tin.
Khảo sát đối với doanh nghiệp bảo hiểm của Vietnam Report, để cải thiện tình trạng này, ngoài việc tăng cường đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cho kênh bancassurance, có 54,5% doanh nghiệp cho biết sẽ đưa ra các quy định xử phạt nghiêm khắc nếu nhân viên vi phạm nhiều lần.
Đồng thời, 45,5% số doanh nghiệp đưa ra những điều khoản thỏa thuận khi ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm qua các ngân hàng.
Như đã biết, sắp tới, Quốc hội sẽ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định nghiêm ngặt hơn về đội ngũ nhân viên tư vấn tại các ngân hàng.
Trong đó, có một số khoản mục như người phụ trách bộ phận bảo hiểm cần có bằng đại học chuyên ngành, chứng chỉ chuyên môn cần có, trong một chi nhánh phải có tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý.
Sẽ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ
Trước đó, tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng về những bất cập trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Có ý kiến đề nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.
Chiều 24/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chung kỳ họp thứ 5, theo đó giao Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ sớm xử lý các bất cập trong môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.