Bộ Công an đang xem xét dự án Phước Kiển có liên quan Vạn Thịnh Phát hay không

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang xem xét hồ sơ dự án Phước Kiển có liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay không - thông tin được bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai tiết lộ tại Đại hội cổ đông thường niên Quốc Cường Gia Lai mới đây.
Sputnik
Theo bà Loan, Sunny Island đã giao hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích khoảng 65 ha tại dự án Phước Kiển cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của Quốc Cường Gia Lai.

Vụ kiện của Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island

Phát biểu trước các cổ đông tại đại hội cổ đông 2023 diễn ra chiều 24/6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai – mã QCG), đã trả lời nhiều nội dung chất vấn của cổ đông trong đó có dự án Phước Kiển, Nhà Bè- TP.HCM (sự liên quan với Vạn Thịnh Phát) và vụ kiện của Công ty Sunny Island, vấn đề chia cổ tức, bán tài sản của Quốc Cường Gia Lai.
CTCP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai đã tranh chấp với đối tác Sunny Island tại dự án Phước Kiển 91,6 ha (huyện Nhà Bè, TP HCM) trong 6 năm liền. Theo hồ sơ, Quốc Cường Gia Lai đã nhận 2.882 tỷ đồng từ Sunny Island và bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), hồ sơ bồi thường phần diện tích 64,8 ha của dự án cho đối tác.
Theo thông tin được đề cập trên Nhịp sống thị trường, vụ tranh chấp giữa Quốc Cường Gia Lai (QCG) và Sunny Island tại dự án Phước Kiển đã có tín hiệu tích cực hơn vào tháng 5 vừa qua, khi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có phán quyết QCG đã chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định và Sunny Island buộc phải hoàn trả lại toàn bộ hồ sơ dự án đã nhận trước đó.
Vụ kiện cũng là một trong những nội dung quan tâm lớn nhất của cổ đông tại nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên liên tiếp.
Như đã đề cập, Quốc Cường Gia Lai đã nhận của Sunny Island 2.882 tỷ đồng và nếu vi phạm hợp đồng, QCG phải trả toàn bộ số tiền này cộng thêm 50% (tương đương 1.441 tỷ đồng), tổng cộng trên 4.300 tỷ đồng.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã ra phán quyết rằng Quốc Cường Gia Lai đúng và theo đó, QCG chỉ cần trả lại cho Sunny 50%, tức là 1.441 tỷ đồng.
Việt Nam sẽ thu lợi bất ngờ từ siêu cảng Cần Giờ
Tuy nhiên, phán quyết của trọng tài cần 60 ngày mới có hiệu lực, bao gồm việc Sunny Island không kháng cáo.

C03 đang xem xét hồ sơ dự án Phước Kiển có liên quan Vạn Thịnh Phát không

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai cũng thông tin rằng, Sunny Island đã giao hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích khoảng 65 ha tại dự án Phước Kiển cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của Quốc Cường Gia Lai.
“Sunny Island đã giữ toàn bộ sổ đỏ của 65 ha và đến bây giờ không biết để đâu. Trong hồ sơ gửi trọng tài, họ nói họ gửi ở SCB. Chúng tôi đã đến SCB để hỏi và SCB chưa trả lời. Điều này làm chúng tôi ú tim bởi khi trọng tài phán quyết rồi nhưng không có sổ đỏ thì mình phải làm sao?”, bà Loan chia sẻ.
Lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai cũng cho hay, hiện Bộ Công an đang điều tra liệu dự án Phước Kiển có liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan hay không.

“May mắn là chúng tôi được thông tin hồ sơ dự án được giữ tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03). C03 đã mời QCG đến đối chiếu hồ sơ. Rất may hồ sơ không thừa, không thiếu, không mất. C03 phải điều tra dòng tiền 2.882 tỷ đó của ai, có dính dáng gì đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không? Nếu dính dáng, C03 sẽ trình và ra quyết định mình phải trả lại bao nhiêu tiền. Đến giờ này chưa có câu trả lời chính thức”, bà Nguyễn Thị Như Loan nói trước cổ đông ngày 24/6.

Vì sao Quốc Cường Gia Lai bán nhà máy thuỷ điện?

Quốc Cường Gia Lai đang có kế hoạch bán các dự án nhà máy thủy điện để trả tiền cho Sunny Island.
Cụ thể, trả lời cổ đông lý do bán nhà máy thủy điện, bà Loan cho biết, nguồn vốn đi vay hạn chế nhưng cần huy động tiền để trả cho Sunny Land, nên sẽ bán được những tài sản mà không bị lỗ, có lãi hoặc huề vốn.
“Không bán thủy điện thì bán gì, bán dự án rẻ 50% so với giá mua vào, hay bán thủy điện không lỗ, thì mình chọn gì. Thủy điện có nguồn thu ổn định, may mà còn có thủy điện mà bán, chứ nếu chôn hết vào bất động sản thì giờ không có gì trả cho Sunny Land”, bà Loan thẳng thắn.
Theo CEO của Quốc Cường Gia Lai, chỉ có hai phương án, hoặc bán rẻ dự án còn 50% so với giá mua vào hoặc bán thủy điện với giá không lỗ. Còn mời đối tác đâu phải dễ, họ phải xem vốn tự có của mình, đâu phải tay không mà kêu người ta tới với mình.
PVN ghi nhận nộp ngân sách "khủng"

Bao giờ dự án Phước Kiển được tháo gỡ?

Một cổ đông nêu quan điểm, phán quyết vừa rồi của VIAC có lợi cho QCG nhưng các bước tiếp theo tại dự án không phải đơn giản, Công ty cần có lộ trình rõ ràng để cổ đông theo dõi và phải giải quyết cho bằng được.
Đối với dự án Phước Kiển, bà Loan cho biết, pháp lý là vấn đề của cả nước chứ không của riêng doanh nghiệp bất động sản nào, bản thân lãnh đạo Công ty cũng không muốn nhưng bây giờ lực bất tòng tâm.

“Mình làm sao mặc áo qua khỏi đầu được? Mình sống phải tôn trọng pháp luật. Nếu được, cổ đông có thể giúp tôi một dự án nào ở TP.HCM trong 3 năm qua gỡ được pháp lý. Đây là câu hỏi trăn trở của cổ đông, của cả hội đồng quản trị QCG và nặng nề nhất là bản thân tôi”, CEO QCG nhấn mạnh.

Bà Loan bày tỏ, không chỉ QCG mà cả ngành hiện nay đều gặp vướng mắc về pháp lý bất động sản, muốn tháo gỡ dự án này để đền đáp cổ đông QCG nhưng hiện tại không thể trả lời chính xác khi nào dự án Phước Kiển được tháo gỡ.
“Tôi cũng muốn về hưu rồi, tôi cũng muốn gỡ pháp lý dự án này ra để các cổ đông theo cùng tôi, cùng Công ty bao năm qua phải được đền đáp lại. Việc gì đấu tranh có lợi cho Công ty chúng tôi đã làm hết sức, ví dụ điển hình là vụ Sunny Island. Có ai dám đứng ra đấu tranh với một đối thủ mạnh như vậy ở TP.HCM này không? Tôi đã liều mình đấu tranh và bây giờ chúng ta giành lại được rồi”, bà Loan nói.
Trước việc cổ đông yêu cầu trả lời dứt khoát chừng nào tháo gỡ được dự án hoặc phương hướng, bà Loan cũng nói thẳng là cá nhân bà không làm được và cũng không trả lời được bởi pháp lý hiện nay bị tắc không phải do lỗi của mình.
“Hàng trăm dự án nhà ở không đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải riêng mình. Có 117 dự án thì đã vướng hết 115 dự án, trong đó có 62 dự án không có đất ở mà theo quy định ở Nghị định 71, Luật Nhà ở trước đây không có đất ở vẫn làm được”, bà Như Loan bày tỏ.
Đối với “phần da beo” của dự án Phước Kiển, còn khoảng vài phần trăm diện tích đất chưa đền bù được, theo bà Loan, công ty thương lượng với các hộ dân là khi nào thực hiện dự án đến phần đất của họ sẽ hỗ trợ đền bù.
Theo quy định mới, công ty phải đền bù 100% mới được thực hiện dự án và công ty đang không thể thương lượng được với các hộ dân này. Quốc Cường Gia Lai đã có tờ trình gửi cơ quan chức năng để nhờ giải thích với các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Chúng tôi cũng lo ngại việc vướng pháp lý hơn về việc đất công xen cài hơn là việc đền bù, giải phóng mặt bằng”, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Cổ đông cũng bày tỏ lo lắng các dự án của QCG để lâu sẽ bị thu hồi đất. Bà Loan khẳng định, dự án không làm sẽ bị thu hồi, còn Quốc Cường Gia Lai vẫn cố gắng từng ngày để làm nhưng hiện không làm được do pháp lý bị tắc nghẽn.
Về kế hoạch chuyển rừng cao su sang Khu công nghiệp, tại ĐHCĐ, lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai cho biết, hiện tại 1.000ha đất cao su là đất thuê, QCG chưa đóng tiền thuê đất do còn thời hạn miễn tiền thuê đất.
Công ty chưa có kế hoạch chuyển thành khu công nghiệp do KCN phải gần cảng biển còn vị trí của rừng cao su lại không được thuận lợi.
Việt Nam ồ ạt đón “đại bàng” FDI

Chia cổ tức: “Chúng tôi cũng đau đầu lắm”

Về lý do chưa chia cổ tức 2021, theo CEO QCG, nếu chia cổ tức bằng tiền mặt thì công ty đang khó khăn, còn nếu chia bằng cổ phiếu thì công ty phải tăng vốn mà việc này thì không tốt trong giai đoạn này.
Bà Loan cũng thấu hiểu cổ đông theo công ty nhiều năm mà chưa hưởng được gì là một nỗi đau của ban giám đốc công ty.
“Chúng tôi cũng đau đầu lắm. Tôi đã cố gắng hết sức, các cổ đông phải hiểu và ghi nhận thành quả của tôi và công ty”, bà Như Loan chia sẻ.
Theo CEO Quốc Cường Gia Lai, đây là bối cảnh do chính sách của quốc gia, không phải do cá nhân, hay do bà bất tài hoặc do đội ngũ Quốc Cường Gia Lai bất tài.
“Tôi mong cổ đông góp ý những gì chúng ta có thể làm được, còn nếu hỏi những câu tôi không thể làm được thì tôi xin phép không trả lời”, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai nói thẳng.
Năm 2023, Quốc Cường Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu doanh thu 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 71% và 113% so với thực hiện năm trước.
Thảo luận