Việt Nam ồ ạt đón “đại bàng” FDI
© Ảnh : SamMobileNhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV)
© Ảnh : SamMobile
Đăng ký
Việc 205 doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol sang Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục chứng minh vị thế điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài.
Điều đặc biệt nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tin tưởng và xem Việt Nam như điểm đến đầu tư lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc.
Cơ hội cho Việt Nam
Sau khi 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào tháng 3 mới đây, thì nay đến lượt đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol sang Việt Nam trong chuyến công du 3 ngày.
Các doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như phân phối, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin, lĩnh vực dịch vụ. Đặc biệt, sang Việt Nam lần này còn có 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc gồm Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte.
Theo giới chuyên gia, đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư hàng đầu. Nó cũng cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện, trở thành điểm đến của các dòng đầu tư nước ngoài.
Nói với VTC News, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đánh gia, trong những năm qua, thu hút đầu tư của Việt Nam và Hàn Quốc phát triển rất tốt. Xử sở kim chi luôn là một trong những nước hàng đầu rót vốn vào Việt Nam. Đây cũng là nước có công nghệ cao, có thể huy động lượng đầu tư lớn mà doanh nghiệp Việt chưa thể huy động...
"Chuyến thăm lần này của phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc chắc chắn là cơ hội tốt, hiếm có để doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng", - chuyên gia nhận định.
Theo ông, việc thu hút FDI gần đây của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài thấy tin tưởng nên mới đến tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam.
Nếu duy trì được không khí thông thoáng trong thu hút đầu tư, giảm bớt khâu thủ tục thì Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành trung tâm của dòng vốn FDI trong cả vùng Bắc Á, Nam Á.
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian vừa qua, Việt Nam đã đón nhiều phái đoàn doanh nghiệp lớn từ các nước Mỹ, Ấn Độ và giờ là Hàn Quốc.
"Việc hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống nước này sang Việt Nam đã thêm một minh chứng cho thấy Việt Nam đang là điểm đến của các dòng đầu tư nước ngoài, là sự quan tâm lớn của các tập đoàn trong quá trình dịch chuyển môi trường đầu tư. Chuyến thăm này mang tới những kỳ vọng mới về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt - Hàn. Việt Nam cần phải khai thác tốt cơ hội để bù lại thời gian 6 tháng đầu năm nay chúng ta bị sụt giảm FDI", - chuyên gia nói.
Theo ông, điều đặc biệt nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tin tưởng và xem Việt Nam như điểm đầu tư lớn nhất ngoài lãnh thổ Hàn Quốc.
Cả 5 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư. Cuối năm ngoái, Chủ tịch Samsung Jay Y. Lee đã tới Việt Nam tham dự sự kiện khánh thành Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam.
Dự kiến, Samsung sẽ rót thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 2 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án ở Thái Nguyên và TP.HCM. Dự kiến, đến cuối năm 2023, Samsung sẽ bắt đầu sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn ở Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn LG từng tiết lộ vào cuối năm ngoái, rằng tập đoàn sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam thời gian tới. Tương tự, Tập đoàn Lotte cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện Lotte MALL Hà Nội và xây dựng Khu phức hợp thông minh - Lotte Eco Smart Thủ Thiêm.
Đầu tháng 9/2022, khi sang Việt Nam dự lễ động thổ dự án này, Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin cho biết, Lotte Eco Smart Thủ Thiêm sẽ là “điểm khởi đầu” cho các hoạt động mở rộng đầu tư sắp tới của Lotte tại Việt Nam.
Tập đoàn SK cũng đang gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các khoản đầu tư quy mô lớn vào Masan, Vingroup…Trong khi đó, Hyundai Motor đã vận hành Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 ở Ninh Bình vào cuối năm ngoái.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, hai nền kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc ngày nay đang có sự bổ sung cho nhau rất lớn.
"Về phía Hàn Quốc, họ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài nhiều vì họ có điểm yếu về nhân lực, trong khi Việt Nam lại có ưu thế này, cũng như thị trường ra nước ngoài. Với hơn 100 triệu dân, nguồn lao động của Việt Nam rất dồi dào. Còn về thị trường thì Việt Nam đã tham gia ký kết 18 Hiệp định thương mại tư do (FTA) châu Á, quốc tế...Ngược lại, Việt Nam lại đang thiếu nguồn vốn, công nghệ, ý tưởng kinh doanh và rất cần được bổ sung từ doanh nghiệp Hàn Quốc", - ông Bình phân tích.
Theo vị chuyên gia, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển hiện nay, rất nhiều quốc gia nổi lên ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Indonesia...
Do đó, việc hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam là dịp để họ tìm hiểu, nghiên cứu việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất cho những mặt hàng mà họ đang có thế mạnh như hàng điện tử, cơ khí, nhằm cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu đến các quốc gia G7, G20...Đây là cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam.
Để Việt Nam tạo ra sự khác biệt
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để giữ chân doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam cần tạo được môi trường kinh doanh phù hợp với yêu cầu của các tập đoàn, nhất là các tập đoàn lớn có thể đầu tư lâu dài. Muốn vậy, tư duy xây dựng chính sách cần phải thay đổi để có được sự đột phá.
Về phần mình, TS. Lê Duy Bình cho rằng, dù có thế mạnh về nguồn nhân lực rất đông đảo nhưng trình độ lao động Việt Nam còn hạn chế (mới khoảng 25% lao động được đào tạo). Thế nên, cần tập trung khắc phục sớm những khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực.
"Chúng ta cần phải làm tốt hơn để tạo ra sự khác biệt, nhất là nguồn nhân lực, kỹ năng nghề. Cùng với đó, số lượng kỹ sư có trình trong những lĩnh vực sáng tạo đổi mới cũng còn thấp. Chẳng hạn Sam Sung, Huyndai, LG muốn đầu tư lớn thì họ rất cần những kỹ sư Việt Nam cho các trung tâm R&D (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển) để cắt giảm chi phí khi phải thuê kỹ sư từ nước khác đến", - ông Bình nói.
Chưa hết, Việt Nam cũng cần đầu tư bổ sung cơ sở hạ tầng, dù trong những năm qua đã cải thiện nhiều nhưng cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra một Việt Nam mới nhằm giảm chi phí logistic.
"Chúng ta cũng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thể chế, thủ tục hành chính để cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các nước trong khu vực trong việc mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, từ đó mới thu hút được doanh nghiệp FDI", - chuyên gia nhấn mạnh.
Hàn Quốc đã đầu tư hơn 81,5 tỷ USD vào Việt Nam
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã thu hút được 37.238 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 447,65 tỷ USD đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với 9.666 dự án, có tổng vốn đăng ký 81,5 tỷ USD. Tiếp đó là Singapore với 3.240 dự án, có tổng vốn đăng ký 73,384 tỷ USD; Nhật Bản với 5.091 dự án, có tổng vốn đăng ký 69,628 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót 666,52 triệu USD vào Việt Nam, đây là số vốn đăng ký của 167 dự án đầu tư mới, 122 dự án điều chỉnh vốn và 364 dự án góp vốn, mua cổ phần của các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Theo nhà chức trách, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng trưởng liên tục trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, năm 2013, số vốn đầu tư Hàn Quốc chỉ đạt 3,8 tỷ USD, nhưng chỉ sau 1 năm đã tăng gần gấp đôi, với 6,1 tỷ USD vào năm 2014, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của VIệt Nam.