Cuộc chiến cân não của 4 nhà thầu lớn nhất Việt Nam ở gói thầu 5.10 sân bay Long Thành

Bốn doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam sẽ tham dự gói thầu 5.10 sân bay Long Thành trị giá hơn 35.000 tỷ đồng.
Sputnik
Theo đó, nhóm các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Việt Nam gồm Xây dựng Hoà Bình, Central, Coteccons và An Phong đã lập liên danh để nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 thuộc dự án thành phần 3 của dự án xây dựng sân bay Long Thành với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD).

ACV đang tìm nhà thầu gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành

Như Sputnik đã thông tin, gói thầu 5.10 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách) có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Từ tháng 9/2022, gói thầu 5.10 đã được đấu thầu lần 1, song không có nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Do đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phải hủy thầu và đấu thầu lại lần 2.
Đến ngày 12/6/2023, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức đóng hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10.
Xác định trách nhiệm của từng cá nhân làm chậm tiến độ sân bay Long Thành
Dự kiến năm 2025, Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 gần như đã không còn khả thi khi đến nay vẫn loay hoay chọn nhà thầu. Điều này bị tác động bởi tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc rất lớn vào kết quả đấu thầu gói thầu 5.10.
Hôm 15/6 vừa qua, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV tiết lộ, có 3 nhóm nhà thầu tham dự gồm một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm đến từ Trung Quốc và một nhóm đến từ nhà thầu Việt Nam.
Ông Thanh cũng lưu ý, hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.

Ba liên danh dự đấu thầu gói 35.000 tỷ của Sân bay Long Thành

Đúng như thông tin được lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nêu cũng như được một số cơ quan truyền thông trong nước đề cập, đã có một số liên danh, gồm các nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam tham gia cuộc đua cân não với gói thầu 5.10 sân bay Long Thành này.
Đáng chú ý, trong số 3 nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án này gồm Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Liên danh Hoa Lư và Liên danh VIETUR thì chỉ duy nhất liên danh Hoa Lư có nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh là CTCP Xây dựng Coteccons (CTD).
Hôm 27/6 vừa qua, hé lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, liên minh Hoa Lư sẽ tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành hơn 35.000 tỷ đồng cùng Hòa Bình và ba đại diện gồm CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), CTCP Xây dựng Central, CTCP Xây dựng An Phong.
Theo báo Tiền Phong, cũng tại đại hội cổ đông vừa qua, bên cạnh dàn lãnh đạo của Xây dựng Hoà Bình, còn có sự xuất hiện của loạt lãnh đạo các công ty xây dựng trong ngành, gồm ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD), ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng Central, ông Nguyễn Khắc Đồng, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng An Phong.
20 hộ dân nhận 90 tỷ đền bù, tái định cư dự án đường kết nối sân bay Long Thành
Mặc dù, phía tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chưa công bố chi tiết về liên danh này, tuy nhiên, theo thông tin được chuyên trang Doanh nghiệp và Kinh doanh, chuyên trang của tạp chí Doanh nhân Việt Nam, Liên danh Hoa Lư gồm 8 doanh nghiệp là: Xây dựng Hoà Bình, Coteccons, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Tổng Công ty Thành An, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, Central, An Phong và Powerline Engineering Public Company Limited (Thái Lan).
Trong số này, Coteccons là thành viên đứng đầu liên danh và Liên danh Hoa Lư cũng là liên danh Việt Nam duy nhất dự thầu.

Liên danh nhà thầu đến từ Trung Quốc

Liên danh này gồm có CHEC-BCGE-Vietnam Contractors do China Harbour Engineering Company Limited của Trung Quốc đứng đầu.
8 thành viên còn lại gồm Beijing Construction Engineering Group, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, CTCP Xây dựng CDC, Tổng Công ty 789, Công ty TNHH Nhà thép PEB, CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 52, CTCP Đầu tư và Xây dựng Samcons Việt Nam.
Trong số này, có ông lớn xây dựng vốn nhà nước của Trung Quốc là Beijing Construction Engineering Group (BCEG - thuộc nhóm 10 nhà thầu hàng đầu tại Trung Quốc và đang hoạt động trên 27 quốc gia). Trong khi đó, China Harbour Engineering Company Limited thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được Chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi.
Được biết, năm 2023, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ vốn cho Sudan (châu Phi) xây dựng sân bay Khartoum qua ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) và chính CHEC đã nhận thầu trị giá 680 triệu USD để xây dự án tại châu Phi này.
CHEC gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002, đến nay đã hoàn thành và đang thực hiện hơn 20 dự án, trải dài từ Bắc đến Nam, với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD.
Nhà thầu “quay xe” với sân bay Long Thành và nỗi lo của Thủ tướng

Liên danh đến từ Thổ Nhĩ Kỳ Vietur

Liên danh Vietur có nhà thầu ngoại đứng đầu - Tập đoàn Công nghiệp và Thương Mại Xây Dựng IC ICTAS, thuộc tập đoàn IC holding của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới thiệu, doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng tại khu vực các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Nga.
IC ICTAS cũng từng tham gia đấu thầu xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại nhiều nước như Nga, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là IC Istas đang kéo dài kinh doanh lỗ trong nhiều năm, nợ vay ròng trên vốn chủ cao khoảng 70% , theo Nhịp sống thị trường. Đáng chú ý, trong liên danh Vietur có sự xuất hiện của một số nhà thầu có liên quan đến hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương gồm Ricons, Newtecons và SOL E&C – vốn được đánh giá là “chú ngựa ô” trong ngành xây dựng Việt Nam.
Cùng với hệ sinh thái của ông Trần Bá Dương, liên danh này còn có sự tham gia của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay, cầu.
Mới nhất, tại Việt Nam, liên danh do Vinaconex đứng đầu đã hoàn thành xong gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (giá trị gần 2.300 tỷ đồng).
Nhận định về tổng quan về 3 liên danh nhà thầu hiện tại, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nhìn chung, cả 3 nhóm liên danh đều có những ưu nhược điểm riêng và hiện chưa có đủ cơ sở để đưa ra kết luận nhóm liên danh nào chiếm ưu thế.
Đối với một dự án lớn và quan trọng như sân bay Long Thành thì ngoài kinh nghiệm thi công, năng lực thì các tiêu chí về thời gian thi công, kỹ thuật thi công và giá thành xây dựng đều là những tiêu chí quan trọng cần phải xem xét về khả năng trúng thầu để đảm bảo dự án đi đúng tiến độ, chất lượng, quy chuẩn và hiệu quả xây dựng.
Đồng Nai chưa giao xong đất, sân bay Long Thành lo chậm tiến độ

Chính phủ yêu cầu lựa chọn nhà thầu đảm bảo hiệu quả

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4609/VPCP-CN ngày 22/6/2023 về hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Sau khi xem xét văn bản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu và tiếp thu tối đa các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn ACV trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu 5.10 bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.
Thảo luận