Nguyên nhân sạt lở ở Đà Lạt: Giao Công an điều tra, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố

Trưởng phòng quản lý đô thị TP Đà Lạt Nguyễn Dương Trung Hữu đã bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm trong cấp phép, giám sát xây dựng ở nơi vừa sạt lở (bờ taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10) khiến 2 người chết.
Sputnik
UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, sự cố sạt trượt đất, sạt trượt công trình nói trên gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Tỉnh đã giao Công an Lâm Đồng điều tra vụ sạt lở, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu điều tra nguyên nhân vụ sạt lở ở Đà Lạt, đồng thời, tập trung khắc phục hậu quả, thăm hỏi người bị nạn.

Chỉ đạo của Thủ tướng liên quan vụ sạt lở ở Đà Lạt

Ngày 29/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo... về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng.
Theo Thủ tướng, trong những ngày qua, tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất, lũ quét cục bộ.
Sáng sớm 29/6 đã xảy ra vụ sạt lở tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 2 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân gia đình có người bị nạn.
Đà lạt không "trụ" nổi, 2 người dân bị vùi lấp
Để khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn.
Lãnh đạo Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự.
“Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng nêu rõ.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý và theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
“Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi sát tình hình thiên tai, sự cố, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Hiện trường vụ sạt lở khiến một căn nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Đà Lạt

Chiều ngày 29/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố yêu cầu khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình trên mái ta luy có độ dốc cao, có nguy cơ sạt trượt trên địa bàn.
Trong chỉ đạo mới nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Đà Lạt để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân trưởng phòng và các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực nêu trên.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan, UBND TP.Đà Lạt khẩn trương kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép xây dựng công trình của UBND TP.Đà Lạt.
Thực hiện kiểm tra toàn bộ quá trình thi công theo giấy phép được cấp, kiểm tra công tác giám sát thi công công trình theo giấy phép được cấp, đối chiếu các quy định hiện hành, điều kiện địa hình thực tế để làm rõ, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trong hôm nay.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND TP.Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám (P.10) và các công trình đã cấp phép xây dựng có độ dốc lớn, độ chênh ta luy âm/dương lớn... mà có nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa để tiến hành rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.
Khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp, biện pháp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do sạt trượt gây ra nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của nhân dân.
“Thực hiện ngay các giải pháp xử lý đối với phần kè chắn đất còn lại, đảm bảo không để tiếp tục sạt trượt”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Tỉnh Lâm Đồng cũng dừng cấp phép xây dựng đối với các công trình ở những vị trí có độ dốc lớn, khu vực ta luy âm/dương cao có nguy cơ sạt trượt và không đảm bảo điều kiện an toàn để xây dựng công trình. TP. Đà Lạt Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cấp phép đối với các công trình tại những khu vực này.
Multimedia
It nhất 24 người thiệt mạng do vụ sạt lở đất ở Malaysia

Giao Công an điều tra vụ sạt lở ở Đà Lạt

Đáng chú ý, trong chỉ đạo mới nhất, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng giao Công an tỉnh điều tra vụ sạt lở đất này, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố theo quy định.
Tỉnh cũng giao thành phố Đà Lạt chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền các phường, xã thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực có địa hình đồi, dốc có nguy cơ sạt, trượt để cảnh báo, yêu cầu người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, di dời ra khỏi khu vực nguy cơ sạt trượt có thể xảy ra; đồng thời, quan trắc tại các công trình đang xây dựng và các vị trí bị sạt trượt hoặc có nguy cơ sạt trượt để đề ra giải pháp ứng phó trong thời gian tới.
Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, cứu chữa đối gia đình bị thiệt hại, gia đình có người bị thương; hỗ trợ tổ chức an táng đối với những người không may bị tử nạn. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Vụ sạt lở làm 2 người chết ở Đà Lạt

Rạng sáng 29/6, vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.
Đến 13 giờ ngày 29/6, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã đưa được nạn nhân cuối cùng ra khỏi khu vực sạt lở, trong vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Phường 10, thành phố Đà Lạt. Hậu quả vụ sạt lở khiến cả hai nạn nhân đều đã tử vong.
Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra khoảng 2 giờ 30 phút ngày 29/6. Người dân cho hay, nửa đêm mọi người đã nghe thấy một tiếng động rất lớn. Khi người dân chạy ra, phát hiện mấy căn nhà bị đất đá vùi lấp.
Trên địa bàn thành phố Đà Lạt, sạt lở cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Tại địa bàn Phường 3, sạt lở đã xảy ra ở đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba tháng Tư… với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau, khiến 3 căn nhà bị sập, một người bị thương và cây cối ngã đổ. Sạt lở đất xảy ra tại địa bàn Phường 5 với mức độ nhẹ.
Công an Bình Thuận báo cáo vụ sạt lở mỏ titan làm 4 người bị vùi lấp
Đánh giá về nguyên nhân sạt lở đất diễn ra tại nhiều địa phương trong đó có Lâm Đồng, theo các chuyên gia về phòng, chống thiên tai, do mưa lớn, nước làm phân rã tạm thời các mối liên kết của đất đá, rễ cây, thảm thực vật, hoặc nước ngầm...
Thêm nữa, hiện tại Đà Lạt xây dựng nhiều công trình, khi có mưa lớn xảy ra một cách cực đoan, nước không có chỗ thấm, thoát dần ở vùng cao mà đổ dồn xuống vùng thấp thì hệ thống thoát nước và suối sẽ không chịu nổi và gây ngập.
Hiện nay đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức. Xây dựng các công trình dân sinh dưới chân núi. Bên cạnh đó, các công trình nhân tạo cũng có thể tác động tới tình trạng sạt lở đất một cách gián tiếp, thông qua việc ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, tình trạng mất cân bằng của tự nhiên.
TTXVN dẫn ý kiến của Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, thời gian qua, Lâm Đồng mưa rất nhiều, đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở.
Theo ông Hưởng, sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù ban ngày hay ban đêm. Tuy nhiên, nếu sạt lở đất xảy ra ban ngày, người dân quan sát được, có đủ thời gian ứng phó kịp thời thì thiệt hại sẽ giảm. Còn sạt lở vào ban đêm, không quan sát được và đây là thời điểm người dân đang ngủ, không có sự đề phòng thì thiệt hại thường rất lớn.
Thảo luận