Những trang sử vàng

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga

Ngày 30 tháng 6 năm 1923 đã đi vào lịch sử Việt Nam và mối quan hệ Nga - Việt. Vào ngày này cách đây một trăm năm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga Xô viết.
Sputnik
Hầu như tất cả các hoạt động chính trị và cách mạng của Người đều được kết nối với Nga. Theo hồi ký của chính Hồ Chí Minh, cuộc đời Người có một bước ngoặt vào tháng 7 năm 1920, khi Người đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng tải trên tờ báo Nhân đạo (L’Humanite) của Đảng Cộng sản Pháp. Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Tại Đại hội lần thứ ba của Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 10 năm 1922, Nguyễn Ái Quộc đã gặp nhà cách mạng Nga Manuilsky, người có mặt tại đại hội với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản.
Nguyễn Ái Quốc đã có bài phát biểu tại Đại hội kết thúc bằng câu: “Nhiệm vụ của mỗi người cộng sản là phải làm mọi việc cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa”.
Manuilsky thích bài phát biểu của đại biểu Việt Nam, và ông khuyên ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc đến Matxcơva để tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản.
Chuyện đáng kinh ngạc
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan: Những câu chuyện chưa kể về Hồ Chí Minh

Gần một phần mười hai cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở nước Nga

Ngày 30 tháng 6 năm 1923, trên chuyến tàu biển từ Hamburg (Đức), với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”, Người đã cập cảng Petrograd nay là St. Petersburg.
Đại sứ Pháp tại Matxcơva đã báo cáo với chính phủ của mình: "Tên phản loạn cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện ở đây".
Thời kỳ thứ nhất ở Nga kéo dài một năm rưỡi. Hồ Chí Minh đến Nga lần thứ hai vào mùa hè năm 1927 và dành khoảng sáu tháng ở đất nước này. Dài ngày nhất là chuyến đi thứ ba - từ tháng 2 năm 1934 cho đến tháng 10 năm 1938. Tổng cộng 6 năm rưỡi, một phần mười hai cuộc đời, Hồ Chí Minh đã ở nước Nga.

Hoạt động không mệt mỏi ở Nga

Những năm tháng ở Nga là khoảng thời gian làm việc căng thẳng cần mẫn của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Theo sáng kiến ​​của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, tại Matxcơva từ năm 1924 bắt đầu phát hành tạp chí “Quốc tế Cộng sản Nông dân”. Mùa hè năm 1924, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ý kiến tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, vào mùa hè năm 1935 - tại Đại hội VII. Nhà cách mạng Việt Nam còn tham gia các Đại hội Thanh niên Quốc tế Cộng sản, Đại hội Công đoàn Quốc tế, dự các hội nghị của Hiệp hội Quốc tế Hỗ trợ các chiến sĩ cách mạng. Tại Đại hội Phụ nữ Quốc tế ở Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc - một trong các đại biểu của các nước thuộc địa Pháp tham dự Đại hội - đã đọc bài diễn văn.
Ngày 12 tháng 10 năm 1923, báo Pravda (Sự thật) của Liên Xô với tiêu đề “Tại Hội nghị Quốc tế Nông dân” đưa tin: “Tại phiên thứ hai, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận nêu lên tình cảnh khổ cực của người nông dân Việt Nam”.
Các nhà làm phim tài liệu Nga đã chụp ảnh đúng vào thời điểm Người rời bục diễn giả trở xuống hội trường. Chúng ta được thấy Người giơ tay đáp lại lời chào mừng của các đại biểu. Kết quả của hội nghị là sự ra đời của Quốc tế Nông dân, và Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Crưm.
Nhà cách mạng Việt Nam đã làm việc tại Cơ quan Điện báo Nga, tại Viện Nông nghiệp Quốc tế. Nguyễn Ái Quốc tham dự các khóa học ngắn hạn của Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (gọi tắt theo tiếng Nga là KUTV), công tác tại Cục Phương Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản, tại Trường Quốc tế Lenin, cơ sở dành riêng đào tạo cán bộ chính trị cấp cao cho các Đảng Cộng sản nước ngoài. Sau đó, Người bắt đầu làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa thuộc Quốc tế Cộng sản.

Hồ Chí Minh và Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (KUTV)

Sau khi Lênin từ trần, trên Báo Sự thật ngày 27-1-1924 đã đăng bài viết của Nguyễn Ái Quốc với tựa đề Lênin và các dân tộc thuộc địa. Trong bài viết này, Nguyễn Ái Quốc đã dành những tình cảm vô cùng kính trọng đối với Lênin. Người nhấn mạnh rằng quần chúng bị áp bức ở các thuộc địa coi Lênin là người giải phóng họ. Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ thời gian để củng cố và thiết lập thêm nhiều mối quan hệ của mình với những người cộng sản thế giới và là tuyên truyền viên tích cực của Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông do Quốc tế Cộng sản thành lập để đào tạo cán bộ cách mạng của các nước thuộc địa.
Trong bài viết “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo “Đời sống thợ thuyền” (La Vie Ouvrière) số 20, nǎm 1924, Người lưu ý: “Những người Bolshevik không giới hạn mình trong các bài phát biểu theo kiểu Plato và những nghị quyết nhân đạo về những người bị áp bức, nhưng dạy cho các dân tộc bị áp bức này cách chiến đấu. Một trong những công việc đầu tiên của họ là việc thành lập Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông. Trương đại học này đang làm một công việc vĩ đại, đoàn kết tất cả các lực lượng trẻ, năng động, tài năng của các nước thuộc địa”.
Theo sáng kiến ​​của Hồ Chí Minh, từ năm 1925, các nhà cách mạng Việt Nam bắt đầu đến học tại Đại học KUTV, tổng số khoảng 60 người. Trong số đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Dương Bạch Mai.
Một bức ảnh thú vị đã được lưu giữ: vào tháng 4 năm 1924, trong trường KUTV tổ chức cuộc gặp giữa đại diện các đảng Cộng sản nước ngoài và Lev Trotsky, người đã đến thăm các học viên, khi đang là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ và đảng Cộng sản Liên Xô, sau đó bị Stalin trục xuất khỏi đất nước và cuối cùng bị giết chết. Trong bức ảnh từ cuộc gặp này, chúng ta thấy có cả Nguyễn Ái Quốc. Vào năm 1923, tại Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã gặp Tưởng Giới Thạch, người đến Nga với tư cách là người đứng đầu phái đoàn quân sự của Quốc dân đảng và lãnh đạo Chính phủ Quốc Dân Đảng đặt kinh đô ở Nam Kinh.
Mơ ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành hiện thực như thế nào
Tháng 6 năm 1924, Đại hội V Quốc tế Cộng sản đã khai mạc tại Matxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã tham gia tích cực vào các công việc của Đại hội, ba lần phát biểu ý kiến. Tờ báo Pravda đã đăng bài phát biểu của Người trước Ủy ban về vấn đề các dân tộc thuộc địa với tiêu đề hùng hồn: “Từ lời nói đến việc làm. Những con số đầy ý nghĩa. Diễn văn của Đại biểu Đông Dương Nguyễn Ái Quốc”. Ở Matxcơva, Hồ Chí Minh được coi là một nhân vật lỗi lạc, có kinh nghiệm trong phong trào cách mạng cộng sản quốc tế.

Bí ẩn của cuốn sách "Khởi nghĩa vũ trang"

Năm 1928, Quốc tế Cộng sản chuẩn bị xuất bản cuốn sách “Khởi nghĩa vũ trang” tóm tắt kinh nghiệm về các cuộc nổi dậy của những người cộng sản ở các thành phố khác nhau của châu Á và châu Âu, từ Thượng Hải của Trung Quốc đến Hamburg của Đức. Cuốn sách được viết như một công cụ hỗ trợ giảng dạy về lý thuyết và cách tổ chức khởi nghĩa vũ trang. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách được xuất bản ở Đức bằng tiếng Đức, sau đó, vào đầu những năm 1930, là các ấn bản bằng tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Cuốn sách được lưu hành với bút danh Alfred Neuberg. Tuy nhiên, theo thời gian, hóa ra đây là bút danh chung của một nhóm tác giả. Năm 1971 cuốn sách được tái bản ở Đức. Lời nói đầu được viết bởi một cựu chiến binh của Quốc tế Cộng sản người Đức liệt kê tên của các tác giả gốc. Đó là hai nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc của Liên Xô Blucher và Tukhachevsky, Unshlikht - một trong những người sáng lập cơ quan an ninh quốc gia của Liên Xô, Pyatnitsky- một nhà hoạt động nổi tiếng trong Quốc tế Cộng sản, Stern - sĩ quan tình báo Liên Xô, người tổ chức cuộc nổi dậy Hamburg năm 1923, Palmiro Togliatti – nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Ý, và hai cựu chiến binh người Đức của Quốc tế Cộng sản. Và - Hồ Chí Minh, người đã tham gia viết các chương về những bài học của các cuộc nổi dậy ở Quảng Châu và Thượng Hải, cũng như về hoạt động của Đảng Cộng sản trong giai cấp nông dân. Sự hợp tác với các đồng tác giả xuất sắc như vậy trong việc ra đời cuốn sách “Khởi nghĩa vũ trang” cho thấy Hồ Chí Minh hoàn toàn nắm vững các kỹ thuật chính trị của Liên Xô và biết vận dụng các kỹ thuật này để phát triển phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Vladivostok - "thành phố cứu sinh"

Tháng 6 năm 1931, Hồ Chí Minh bị cảnh sát thuộc địa tại Hồng Kông bắt giam khi đang trú tại Cửu Long với hồ sơ ghi tội danh là “gián điệp của Quốc tế cộng sản, có âm mưu lật đổ”. Tại Matxcơva, Hiệp hội Quốc tế Hỗ trợ các chiến sĩ cách mạng (MOPR) ngay lập tức đứng ra bảo vệ ông, đây là tổ chức mà chính Nguyễn Ái Quốc đã tham gia đại hội bảy năm trước. Nhờ nỗ lực của những người bào chữa, người bị bắt đã được tha bổng "vì thiếu bằng chứng" và được trả tự do. Vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6 năm 1934, trên một con tàu buôn Liên Xô, Hồ Chí Minh đi từ Thượng Hải đến Vladivostok, mà từ đó ông gọi thành phố này là "thành phố cứu sinh". Tại Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Lin, sau đó ông dùng tên Lin trong thời gian ở Liên Xô.
Lãnh tụ cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh (thứ hai từ trái sang) đứng giữa các thủy thủ Liên Xô ở Vladivostok

Về nước không vali

Trong chuyến đi thứ ba tới Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã gặp nhà văn Liên Xô nổi tiếng Ilya Erenburg. Văn sĩ hỏi nhà cách mạng Việt Nam về mơ ước của Người. Câu trả lời là đây: mơ ước chính cháy bỏng nhất là sớm trở về quê hương, dẫn dắt nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do сho đất nước.
Theo đề nghị nhiều lần của đương sự, Viện Các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã ra quyết định xoá tên học viên số 19 (Lin) khỏi danh sách của Viện từ ngày 29 tháng 9 năm 1938 trong tương quan chuyến đi hồi hương. Và Lin-Nguyễn Ái Quốc đã không trì hoãn sự ra đi. Trong hồi ức của con gái một cán bộ trọng trách ở Quốc tế Cộng sản là Vasilyeva nhắc những kỷ niệm thú vị. Từ lâu trước đó Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị sẵn một chiếc vali da lớn và đẹp gửi trong gia đình Nga này, dự định sẽ mang theo khi về nước. Nhưng rồi cuộc khởi hành đột ngột đến nỗi Người không có thời gian đến lấy vali. Và chiếc vali kỷ vật này đã được cất giữ trong nhà Vasilieva suốt nhiều thập niên.
Tiễn chân nhà cách mạng Việt Nam tại nhà ga Yaroslavl ở Matxcơva, một lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản là Manuilsky, người mà Hồ Chí Minh đã gặp vào năm 1923 tại Đại hội III của Đảng Cộng sản Pháp, đã nói: “Chúng tôi hy vọng rằng lần kế tiếp bạn tới Matxcơva là khi quê hương bạn đã giành được tự do và độc lập”.
Những lời chúc này đã ứng nghiệm thành sự thật. Trong những năm 50 và 60 ở Nga luôn luôn long trọng chào mừng vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam tự do và độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nguyên thủ quốc gia nước ngoài duy nhất đến thăm tất cả các nước cộng hòa của Liên Xô.
Thảo luận