Ở Việt Nam đề xuất hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu sửa luật BHXH theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động.
Sputnik
Trước đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị, nên xem xét nghiên cứu, cho người lao động sử dụng bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh, như vậy, có thể hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần.

Đề xuất hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Vừa qua, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) bổ sung, giải trình một số nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Ủy ban Xã hội lưu ý, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ nguyên nhân nhân rút hưởng BHXH một lần, trong đó có việc người lao động chưa tin tưởng sự bảo toàn, phát triển bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Tại Việt Nam, trước đây, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định theo hướng lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Trong thời gian này, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu tiếp tục tham gia.
Quy định này là để giữ chân người lao động duy trì niềm tin vào việc đóng BHXH và ở lại với lưới an sinh này nhưng lại khiến nhiều công nhân phía Nam phản ứng, ngừng việc tập thể để phản đối.
Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội xây dựng Nghị quyết 93 sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Đánh giá tổng kết lại 7 năm thực hiện Nghị quyết 93, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, Việt Nam có gần 4,85 triệu người rút BHXH một lần.
Việt Nam sẽ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ
Gần 1,3 triệu người trong số này sau đó đã quay trở lại hệ thống khi tiếp tục đi làm và đóng BHXH (chiếm 26%). Đáng chú ý, bình quân cứ 1,5 người vào lưới an sinh thì một người rời khỏi hệ thống an sinh xã hội này.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10, thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Làn sóng cắt giảm nhân sự ảnh hưởng đến xu hướng rút BHXH

Trước đó, tại báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 30/5, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nhận định rằng, xu hướng rút BHXH một lần chưa dừng lại.
Điều này là do làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài tới cuối năm 2023. Ban IV kiến nghị cho lao động dùng sổ BHXH thế chấp, vay tiêu dùng ngắn hạn khi thu nhập bấp bênh.
Đáp lại Ban IV, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, góp ý liên quan chính sách tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ lao động gặp khó khăn do ngừng, mất việc phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Bộ Lao động sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và bộ ngành liên quan đề xuất chính sách cho vay phù hợp.
Theo thống kê của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, cơ quan BHXH đã giải quyết cho 547.989 người hưởng các chế độ BHXH một lần.
Bình quân mỗi năm có hơn 591.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%.
Bị tố lừa đảo, bảo hiểm ở Việt Nam lộ điểm yếu chí tử

Lo ngại về thực trạng rút BHXH một lần

Liên quan đến tình trạng rút BHXH một lần, khảo sát công bố mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút BHXH một lần.
Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm, hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% lại là vì lý do lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.
Khi được hỏi về khả năng đóng lại BHXH, 48% số lao động từng rút BHXH cho biết không muốn đóng lại.
"Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa", - BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Giải trình trên nghị trường Quốc hội về vấn đề rút BHXH vừa qua, Bộ trưởng Dung thông tin, trước năm 2019, số rút BHXH một lần bình quân một năm là 500.000 và năm 2022 là trên 900.000.
"Số rút BHXH một lần gần bằng số tham gia và đây là nguy cơ. Nếu không hạn chế, giảm bớt rút BHXH một lần, thì nguy cơ người già khi về hưu sẽ gặp khó khăn, hệ thống an sinh khó đảm đương được tính bền vững", - Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu nguyên nhân người lao động rút BHXH một lần nhiều là vì đời sống, thu nhập thấp, khó khăn, nên phải nghĩ đến khoản để dành này và rút.

"Tôi đã để ý và nghiên cứu kỹ, tuyệt đại bộ phận rút là công nhân lao động, công chức, viên chức rất ít. Khu vực gia tăng rút là công nhân lao động và khu vực phía Nam chiếm tới 72%, phía Bắc, miền Trung ít hơn", - ông nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, khi họp Chính phủ đã báo cáo nguyên nhân rút BHXH một lần gia tăng là vì "không có một quốc gia nào có cơ chế rút BHXH một lần như Việt Nam".
Bộ trưởng cũng nêu lại điều 60 của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực 2016 rất nhân văn, quy định 4 nội dung, điều kiện rút BHXH một lần. Nhưng sau đó, luật chưa có hiệu lực, Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết 93 cho phép rút BHXH một lần.

Quy định 20 năm là rất dài

Theo người đứng đầu Bộ Lao động, khi mời chuyên gia được Liên Hợp Quốc đánh giá giỏi nhất trong lĩnh vực này để "bày mưu tính kế" giải quyết và chuyên gia này nói rằng:
"Việt Nam hào phóng cả chuyện 75% và chuyện này, đương nhiên gỡ là khó". Thông lệ quốc tế chỉ cho rút khi mắc bệnh nan y và khi chuyển đi sống ở nước ngoài. Còn Việt Nam cho tự do và đây là quyền nên không cấm được".
Cùng với đó là quyền lợi rút hưởng cao, khi đóng 8% nhưng lại hưởng toàn bộ phần đóng của nhà nước, doanh nghiệp, dẫn đến nhiều trường hợp chưa muốn rút nhưng thấy quyền lợi cao hơn nên rút và sau đó lại tham gia. Ông Dung thông tin hiện nay 1/3 người rút BHXH một lần đã quay trở lại.
Người hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam 124 triệu đồng/tháng, Bảo hiểm xã hội nói sự thật
Bộ trưởng cũng đánh giá công tác tuyên truyền về vấn đề này chưa hiệu quả, thừa nhận làn sóng rút bảo hiểm có một phần nguyên nhân từ việc có những thông tin ngược, nói việc sửa luật sắp tới sẽ giảm quyền lợi của người lao động.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần tính toán một cách căn cơ, trong đó sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế mà tăng quyền lợi cho người đóng.
Lưu ý phải tính tổng thể các chính sách về bảo hiểm, ông Dung dẫn chứng, cứ quy định người lao động tiếp tục đóng 20 năm không được. Nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động, bắt công nhân đóng trong thời gian dài sẽ rất khó.
"Phải tính toán giảm thời gian đóng xuống 15 năm, tiến tiến tới có thể 10 năm", - Bộ trưởng đề xuất.
Thời gian tới, theo Bộ trưởng, vẫn phải tiếp tục quy định chính sách rút BHXH một lần, kèm theo các điều kiện.
"Việc này Quốc hội kỳ sau sẽ quyết, Bộ trưởng cũng không quyết được", - ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Đến cuối năm 2022, Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt 1,2 triệu tỷ đồng, hơn 17,2 triệu người tham gia, đạt gần 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Bộ Lao động trước đó cũng cho biết, sẽ trình Chính phủ và báo cáo xin ý kiến Quốc hội hai phương án rút BHXH một lần.
Phương án 1, giữ nguyên như hiện hành. Phương án 2 chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ.
Khi đó người lao động có 4 lựa chọn: nếu đóng tiếp thì cộng nối để hưởng lương hưu nếu đủ điều kiện; chưa đủ thời gian đóng thì được lựa chọn đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHXH một lần.
Thảo luận