Sách giáo khoa, tàu ngầm và Viện Hồ Chí Minh
"Viện của chúng tôi là một thành tố trong sự nghiệp nghiên cứu di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm chúng tôi đều tổ chức hội thảo khoa học theo chủ đề: “Di sản tinh thần của Hồ Chí Minh”. Chúng tôi biên dịch các tác phẩm của Người. Đề án quan trọng mới nhất trong lĩnh vực này là chuyển ngữ sang tiếng Nga chuyên luận nổi tiếng «Binh pháp Tôn Tử» mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đảm trách cương vị nguyên thủ quốc gia đã dịch sang tiếng Việt, hiện đại hóa và cho chú giải, bình luận. Các chương mục của chuyên luận này cùng với khuyến nghị của Quốc tế Cộng sản đã là cơ sở căn bản để hình thành chiến lược và chiến thuật độc đáo của Việt Nam trên chiến trường mà hiệu quả thì người Pháp, người Mỹ và người Trung Quốc cùng với Khmer Đỏ đã có cơ hội kiểm chứng."
"Việc xuất bản tác phẩm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy được tầm vóc của Người như là một nhà lý luận quân sự đích thực, mà trước đây ở Nga cũng như ở phương Tây chưa nghiên cứu tới. Mới đây, cuốn sách bằng tiếng Nga đã được in lại với số lượng chỉ 5 bản nhưng dưới dạng một cuốn album hoành tráng với hơn 50 bức ảnh lưu trữ quý hiếm và đã được Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev trao tặng ban lãnh đạo Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm Hà Nội", - GS-TSKH Vladimir Kolotov Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg cho biết.
Biết mình, biết người
"Tôi cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành Việt Nam học ở Nga, và bây giờ chúng tôi thực sự rất nhớ Bác Hồ, thấy thiếu cách tiếp cận tầm quốc gia của Người đối với vấn đề này", - chuyên gia khoa học và nhà sư phạm Vladimir Kolotov chia sẻ.