Trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước, tổng cộng có sáu năm rưỡi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở nước Nga. Những năm tháng ở Nga là khoảng thời gian làm việc căng thẳng cần mẫn của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong Quốc tế Cộng sản và các cơ sở giáo dục của nó, trong các tổ chức nhà nước Nga và các hiệp hội công cộng quốc tế. Chính trong những năm đó, Hồ Chí Minh, như sau này Người ghi nhận, đã phát triển chiến lược và chiến thuật đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã sống tại khách sạn Lux (từ năm 1953 đổi tên thành Centralnaya) trên phố Tverskaya (sau đó được gọi là phố Gorky) ở trung tâm Matxcơva, nơi bố trí khu tập thể dành cho các nhân viên nước ngoài của BCH Quốc tế Cộng sản. Walter Ulbricht, Chu Ân Lai, Ernst Thalmann, và sĩ quan tình báo nổi tiếng Richard Sorge sống ở đó. Hiện còn lưu giữ bức công văn của Cục Phương Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản, đề tháng 12 năm 1923, gửi cho Ban Giám đốc ký túc xá này. Trong công văn ghi rõ “duyệt cấp cho Nguyễn Ái Quốc khoản sinh hoạt phí cá nhân 70 rúp một tháng”. Cần lưu ý rằng đồng rúp của Nga thời đó giá trị hơn nhiều so với đồng tiền Nga hiện tại và 1 rúp là đồng xu bằng bạc nặng 20 gram.
Nguyễn Ái Quốc luôn hào hứng tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ nghiệp dư của các nhân viên Quốc tế Cộng sản. Có lần các thành viên Pháp trong Quốc tế Cộng sản trình diễn vở kịch về Công xã Paris. Vai chiến sĩ tiên phong phất cao lá cờ đỏ trên chiến luỹ do Nguyễn Ái Quốc thể hiện.
Một đồng chí người Indonesia đã dạy Nguyễn Ái Quốc chơi cờ vua châu Âu. Cựu chiến binh Quốc tế Cộng sản Nikolai Golenovsky, người vào những năm 60 từng công tác ở Đài phát thanh Matxcơva (tiền thân của Sputnik hiện nay) đã hồi tưởng lại rằng ông cũng thường có dịp đấu cờ với nhà cách mạng Việt Nam. Tuy thời gian đầu còn bị nhầm lẫn các quy tắc của cờ vua châu Âu và cờ tướng Việt Nam, nhưng chẳng mấy chốc Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng nắm vững cách chơi và có những nước đi rất độc đáo vi diệu khiến cả Golenovsky - một trong những kỳ thủ cao cường nhất trong BCH Quốc tế Cộng sản - cũng phải lúng túng.
Nguyễn Ái Quốc–Hồ Chí Minh ưa đến thăm Bảo tàng Hội họa Tây phương, bây giờ là Bảo tàng Nghệ thuật tạo hình mang tên Pushkin. Trong thời gian này, nhà cách mạng Việt Nam đã nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng tại nhà máy bánh kẹo “Tháng Mười Đỏ” của Matxcơva, cơ sở nổi tiếng mà sản phẩm sô cô la đến nay vẫn rất được ưa chuộng ở Nga và Việt Nam. Cùng với những người dân Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia ngày Chủ nhật lao động công ích để kiến thiết thành phố. Khi các phi công Xô-viết kỳ tài trở về Matxcơva sau khi hoàn thành chuyến bay thẳng đầu tiên trên thế giới qua Bắc Cực đến Mỹ, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong số những người đầu tiên chào đón các anh hùng này. Những chiều rảnh, Người thường đến rạp chiếu phim, nơi giới thiệu biên niên sử về các trận chiến của lực lượng Cộng hòa chống phát xít ở Tây Ban Nha qua những thước phim do các nhà quay phim Liên Xô thực hiện. Nhân đây xin nói thêm, một trong những nhà quay phim này là Roman Karmen, người đã đến Việt Nam vào mùa xuân năm 1954 để quay bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ và góp công đặt nền móng cho nền điện ảnh quốc gia của Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thường đi từ Matxcơva đến các thành phố và khu vực khác của Nga, nơi Người gặp gỡ và nói chuyện với công nhân, nông dân, những nhà khoa học và nhà hoạt động văn hóa. Người quan tâm đến các công việc, những vấn đề và kế hoạch của họ, nói chi tiết về quê hương của mình, về lịch sử và văn hóa cổ xưa của người Việt Nam. Người đặc biệt chú ý đến cách giải quyết vấn đề trẻ em ở nước Nga Xô Viết, đến thăm các trường mẫu giáo, nói chuyện với các nhà giáo dục và những trẻ em. Người làm quen với tiến trình cải cách nông nghiệp trong các nông trang tập thể của vùng Ryazan gần Matxcơva. Đến những năm 60, chính tại các trường quân sự ở Ryazan đã bắt đầu quá trình đào tạo các sĩ quan cho Việt Nam - những vị chỉ huy các trận đánh và chiến thắng vì tự do và độc lập của quê hương, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mơ ước khi Người ở Nga.
Nhà cách mạng Việt Nam đã đến giảng bài cho các sinh viên ở trường KUTV. Dành cho các học viên người Việt, lãnh tụ có bài giảng riêng bằng thứ tiếng mẹ đẻ của quê hương. Ngay từ đó, Người kêu gọi các học viên nên giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ, cẩn trọng khi sử dụng những từ nước ngoài. Người còn viết các bài giảng về lịch sử và địa lý Việt Nam dưới dạng những bài văn vần giản dị, giúp các học viên Việt Nam dễ hiểu dễ nhớ. Theo thời gian, hiểu rõ về Matxcơva, Hồ Chí Minh đã sắp xếp các chuyến du ngoạn quanh thành phố cho những sinh viên Việt Nam mới đến học qua Quốc tế Cộng sản. Người thường đến thăm ký túc xá của họ, giúp túc trực trong phòng bếp, nấu các món ăn dân tộc.
Những bằng chứng vô giá
Trong các Viện Bảo tàng và Kho Lưu trữ của Nga còn giữ được rất nhiều tư liệu là bằng chứng vô giá về giai đoạn Nga trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hiện vật lịch sử quý báu này nhiều lần được trưng bày tại các cuộc triển lãm dành riêng nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tháng 6 năm 1924, có những thước phim tài liệu ghi lại hình ảnh nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, tổ chức tại Nhà hát Bolshoi ở Matxcơva. Cũng khi đó, họa sĩ Matxcơva Kropchenko, đang làm việc trong tòa soạn báo “Công nhân” đã vẽ chân dung Người. Nguyễn Ái Quốc dáng người cân đối mảnh dẻ, mặc áo sơ mi trắng.
Ông Giovanni nhân viên người Ý của BCH Quốc tế Cộng sản đã ghi lại ký ức về việc một đêm trong đợt sương giá lạnh khắc nghiệt vào tháng 1 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đến vĩnh biệt Lenin. Trong hồi ký của mình, nhà cách mạng người Đức Glaubauf đã kể về việc nhà cách mạng Việt Nam tài năng giảng bài cho các lớp học viên đến từ Bắc Phi ở trường KUTV. Đồng chí người Pháp Biyu thuật lại những cuộc gặp của ông với Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội Thanh niên Quốc tế ở Matxcơva vào năm 1924 và trong kỳ nghỉ ở Crưm vào năm 1927.
Trong hồi ký của mình, một học viên Việt Nam khi ấy là Nguyễn Khánh Toàn đã kể chuyện Nguyễn Ái Quốc ở Matxcơva năm 1933. Không chỉ được chứng kiến cảnh Nguyễn Ái Quốc dùng thứ tiếng Nga trôi chảy khi nói với một tài xế ở Matxcơva, Nguyễn Khánh Toàn còn thường gặp người đồng hương kiệt xuất này tại trường Quốc tế Lênin, trong ký túc xá của học viên Việt Nam ở trường KUTV.
“Đôi khi, Nguyễn Ái Quốc còn phải đứng ra dàn xếp những cuộc cãi vã riêng tư lặt vặt giữa mấy người này. “Nếu chúng ta ở đây, sống trong một nhóm nhỏ, mà còn không thể thân thiện với nhau, vậy thì làm sao chúng ta có thể đoàn kết mọi người trong cuộc đấu tranh chống bọn thực dân?”, - Nguyễn Ái Quốc khuyên nhủ các học viên đồng hương như vậy”, - Nguyễn Khánh Toàn viết.
Còn tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” (Ogonyok) ở Matxcơva số 39 tháng 12 năm 1923 đã xuất bản tiểu luận của Osip Mandelstam, thuật lại lần nhà thơ Nga được gặp và trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nói với ông rằng chính nhà cầm quyền Pháp đã dạy cho nông dân Việt Nam những từ "Bôn-se-vich" và "Lênin". Họ bắt đầu đàn áp những người cộng sản ở Việt Nam vào thời điểm mà ở Việt Nam chưa có người cộng sản. Và như vậy, họ đã tuyên truyền cách mạng, - Hồ Chí Minh nói. Phong cách của nhà cách mạng Việt Nam đã gây ấn tượng sâu sắc với thi sĩ Nga.
Mandelstam viết: “Từ con người Nguyễn Ái Quốc toả ra cả một nền văn hóa, nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, tôi nghe thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.