Theo đó, dù còn nhiều vấn đề cần cải thiện như cơ sở hạ tầng hay bộ máy hành chính còn rườm rà nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong chiến lược "Trung Quốc+1" nhằm vẽ lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam hưởng lợi lớn trong chiến lược "Trung Quốc +1"
Theo Financial Times, nhu cầu về mặt bằng ở Khu Công nghiệp Deep C2 - Hải Phòng hiện lớn đến mức nhà phát triển khu công nghiệp này thậm chí phải tính đến việc lấn biển nhằm mở rộng diện tích.
Một số nhà cung cấp hàng đầu cho các công ty công nghệ toàn cầu như Apple đang tập trung tại Deep C Two, gần Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền bắc Việt Nam.
"Thời gian qua, căng thẳng địa chính trị Trung – Mỹ cùng những rủi ro đối với hoạt động kinh doanh do dịch Covid-19 gây ra đang thúc đẩy nhiều nhà sản xuất chuyển dịch khỏi Trung Quốc", - ấn phẩm nêu rõ.
Deep C, một nhà phát triển của Bỉ điều hành năm khu công nghiệp tại Việt Nam, đã sẵn sàng cho xu hướng này.
"Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ lấn biển", - bà Bùi Thị Thùy Dung, giám đốc marketing, cho biết.
Sự dịch chuyển nhanh chóng sang các quốc gia như Việt Nam là một phần của chiến lược "Trung Quốc +1" đang phát triển nhằm tái định hình lại lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi sự cạnh tranh gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về công nghệ và an ninh, nhiều công ty lo sợ bị hạn chế về những sản phẩm và địa điểm sản xuất. Do đó, nhiều công ty chọn duy trì hoạt động tại Trung Quốc, vẫn là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, nhưng đi kèm với việc mở rộng sang các quốc gia khác.
"Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc - dường như có một sự chuyển giao không ngừng hoặc ít nhất là chuyển từ Trung Quốc đại lục sang các nước khác", - Koen Soenens, Giám đốc Tiếp thị và Bán hàng của Deep C, cho biết.
Theo ông Soenens, khi hỏi đến các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc, họ nói:
"Với thị trường Trung Quốc, chúng tôi vẫn ở lại Trung Quốc nhưng để phục vụ khách hàng nước ngoài, chúng tôi cần tìm kiếm thêm địa điểm mới".
Việt Nam cần giải quyết những vấn đề gì?
Mặc dù vậy, xu hướng này cũng cho thấy những rủi ro và sự không chắc chắn của việc chuyển nguồn lực sang các quốc gia như Việt Nam, nơi cơ sở hạ tầng vật chất và nhiều vấn đề khác, bao gồm cả mạng lưới điện, đang chịu sức ép lớn khi đất nước phải đối mặt với những cơn gió ngược từ nền kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã giúp hàng triệu người thoát nghèo trong 30 năm qua và Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng công nghệ: Apple đã sản xuất hàng triệu AirPods ở đất nước này.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Âu công tác tại Việt Nam cho biết, Việt Nam dường như vẫn đang ở "ngã ba đường", đồng thời, cần phải giảm bớt nạn quan liêu, thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch hơn.
"Việt Nam đã nhận được xu hướng đầu tư mạnh mẽ . . . cho đến lúc này, việc đón làn sóng FDI vẫn là thật dễ dàng đối với đất nước – nhà ngoại giao này nói - đồng thời băn khoăn rằng - liệu Việt Nam có phát triển cơ sở hạ tầng theo kịp đà tăng này hay không".
Theo dữ liệu của Chính phủ, Việt Nam đã thu hút 22,4 tỷ USD từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2022, tăng 13,5% so với năm trước. Trong khi vốn FDI giảm nhẹ trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà đầu tư, nhà phân tích và quan chức cho biết, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất cao. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút 962 dự án FDI mới, tăng so với 578 dự án cùng kỳ năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ sở hạ tầng của đất nước "đang được cải thiện và trở nên hiện đại hơn", đồng thời nêu bật một điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư – đó chính là lao động giá rẻ.
"Chúng tôi có nguồn lao động dồi dào và giá nhân công vẫn còn rẻ trong một thời gian dài", - ông Phớc với Financial Times.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đã nhận thấy thị trường lao động đang được thắt chặt. Ông Soenens cho hay, công ty Pegatron, một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Apple, bắt đầu sản xuất thiết bị điện tử tại Hải Phòng vào năm 2021. Đến cuối năm sau, công ty Đài Loan hy vọng sẽ có 20.000 công nhân tại Deep C.
Cách đó khoảng 150km, tại khu công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội, nơi B. Braun sử dụng khoảng 1.100 nhân viên, công ty công nghệ y tế này đang xem xét xây dựng ký túc xá tại chỗ vì họ có kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư và lực lượng lao động trong vòng 5 năm tới.
"Thị trường lao động căng thẳng và ngày càng khó khăn hơn . . . Công ty nào cũng cần lao động có tay nghề cao", - ông Torben Minko, Giám đốc điều hành của B. Braun Việt Nam cho biết.
"Thách thức là nguồn nhân lực. Nếu bạn phải xây dựng một nhà máy khổng lồ cần 10.000 công nhân, họ cần phải đến từ một nơi nào đó", - ông nói thêm.
Những người trẻ có trình độ cao của Việt Nam cũng mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn mức lương tối thiểu hàng tháng, mà ở các thành phố lớn nhất là 4,68 triệu đồng (khoảng 198 USD).
"Tôi có thể nói rằng mức lương trung bình của những người ở độ tuổi của tôi là 15 triệu đến 18 triệu một tháng", - Trần Khánh Ly, một doanh nhân trẻ 24 tuổi tại TP.HCM, cho biết.
Giải pháp nào để tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu của Trung Quốc?
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mới cũng sớm nhận thấy bộ máy hành chính hoạt động chậm chạp, cần quá nhiều chữ ký cho mỗi lần phê duyệt.
Các công ty đã có mặt tại Việt Nam cho biết việc mở rộng là rất khó khăn. Trong bối cảnh Việt Nam xử lý hàng hoạt vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua, xuất hiện tâm lý sợ sai trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Một quan chức phương Tây cho biết: "Đâu đó trong bộ máy còn tình trạng đình trệ vì tâm lý lo lắng khi đầu tư mua sắm vật tư, cán bộ, quan chức sợ phạm sai lầm và thậm chí phải ngồi tù vì tội tham nhũng hoặc sử dụng sai nguồn lực công".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, tác động của chiến dịch chống tham nhũng đối với doanh nghiệp là rất nhỏ, không đáng kể.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Việt Nam, "đánh tham nhũng", làm trong sạch bộ máy chỉ có một mục đích là làm cho nền kinh tế trở nên lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa.
"Thời lượng duyệt hồ sơ và mức độ phức tạp của thủ tục là vấn đề nan giải của Việt Nam", - Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, lưu ý.
Thực tế, việc thiếu cơ quan đầu tư tập trung là lý do khiến quá trình phê duyệt mọi thứ, từ giấy phép lao động đến tấm pin mặt trời, diễn ra chậm chạp ở Việt Nam.
"Gót chân Achilles"
Ngoài ra, khi Việt Nam phát triển, đất nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều nguồn nguyên vật liệu của Trung Quốc, được cung cấp từ khu vực đồng bằng sông Châu Giang, mà theo Deep C – Hải Phòng cho biết là chỉ cách "12 giờ vận chuyển".
Brian Lee Shun Rong, một nhà kinh tế tại Maybank ở Singapore, cho biết khoảng cách đó cho phép việc vận chuyển nguyên liệu dễ dàng nhưng lại khiến chuỗi cung ứng của Việt Nam dễ bị tổn thương hơn.
"Điều gì xảy ra nếu có bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc?” - chuyên gia đặt câu hỏi.
“Đây là "gót chân Achilles" của chúng tôi. Để mở rộng phạm vi chuỗi cung ứng, những công ty như Samsung hay LG đang mang toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đến đây", - Michael Kokalari, kinh tế trưởng VinaCapital tại TP.HCM, cho biết.
Một giải pháp là để các nhà đầu tư lớn đóng vai trò cải thiện toàn bộ hệ sinh thái nhà cung cấp. Samsung, hiện có 6 nhà máy tại Việt Nam cùng với 1 trung tâm R&D đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, cho biết kể từ năm 2015, họ đã giúp đỡ khoảng 400 công ty Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm.
Một phương án khác là các công ty di chuyển theo cụm. Deep C dẫn ví dụ về Pyeong Hwa Automotive, hiện đã chuyển đến Hải Phòng cùng với 3 công ty khác vào năm 2019.
Bất kể còn những băn khoăn về năng lực nguồn lao động, cơ sở hạ tầng hay thủ tục hành chính hoặc những vấn đề khác, rất ít người tin rằng Việt Nam sẽ sớm mất đi lợi thế từ xu hướng "Trung Quốc +1".
"Cánh cổng mở ra và họ bước vào", ông Soenens nói và cho biết, công ty của ông vẫn xem xét các địa điểm khác.
"Quá trình này sẽ không dừng lại" và cơ hội của Việt Nam là rất lớn.