Đại diện Vietnam Airlines khắng định:
"Việc hạn chế giao dịch cổ phiếu không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines".
Theo Vietnam Airlines, các nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.
Hãng cũng thông tin thêm về giải pháp nhằm sớm đưa cổ phiếu trở lại tình trạng giao dịch bình thường như tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với công ty kiểm toán để sớm hoàn thành và thực hiện công bố thông tin.
Trước đó, ngày 5/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định đưa hơn 2,2 tỉ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch.
Theo đó, HVN chỉ được giao dịch phiên chiều do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá 45 ngày. HVN đã vào diện kiểm soát từ đầu tháng 5 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 30 ngày.
HoSE cũng đã nhiều lần gửi thông báo đến Vietnam Airlines lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này do làm ăn thua lỗ. Vietnam Airlines trong hai năm 2020 và 2021 đều bị lỗ lần lượt gần 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm, khả năng cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, trong quý I/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất vượt 23.494 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao nhất đạt được trong một quý từ khi dịch bệnh bùng phát.
Với con số lãi trước thuế 19 tỷ đồng, Vietnam Airlines chính thức có lãi trở lại kể từ đầu năm 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và hàng loạt đường bay phải tạm dừng khai thác.