Việt Nam không gây chiến với ai

Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, đánh giá công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam đã có đóng góp to lớn vào thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh và xung đột.
Sputnik
Đặc biệt, Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực cũng như kiên định chính sách “4 không”. Việt Nam không gây chiến với ai, không xâm lược ai, nhưng cũng giữ quyền giáng trả nếu bị tấn công.
Chuyên gia quân sự Việt Nam cho rằng, chỉ cần các nước trích lại từ 5-7% chi tiêu ngân sách quốc phòng, thế giới có thể giải quyết những vấn đề đói nghèo và tránh được tình trạng gia tăng hàng triệu người tị nạn do chiến tranh, xung đột.

Đối ngoại quốc phòng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, nêu quan điểm rằng, đối ngoại quốc phòng Việt Nam đã góp phần to lớn vào thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh và xung đột.
Với việc mở rộng quan hệ quốc phòng, Việt Nam giữ vững an ninh biên giới trên bộ, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ở các diễn đàn khu vực và thế giới.
“Nhờ duy trì quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự, chúng ta đã cải tiến, nâng cấp kéo dài thời gian sử dụng và tự chế tạo được một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự có chất lượng. Chúng ta chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh chính là cách tốt nhất để tránh chiến tranh xảy ra, ngăn ngừa và triệt tiêu sớm các nguy cơ xung đột”, - ông Quân nhận định.
Tại các kỳ tiếp xúc song phương và đa phương, Việt Nam cũng đã đấu tranh lúc khôn khéo, lúc kiên quyết, thẳng thắn chống lại các nguy cơ gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Việt Nam muốn tự sản xuất được vũ khí để tránh bị phụ thuộc, chọn bên
Trong cuộc phỏng vấn với báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cũng đề cập đến việc, năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế. Triển lãm có mục tiêu mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam với các nước tham dự.
“Từ đó, góp phần quảng bá năng lực, tiềm lực công nghệ vũ khí, trang bị do Việt Nam sản xuất tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước”, - ông nhấn mạnh.
Triển lãm Quốc phòng của Việt Nam còn nhằm đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang, đồng thời tìm hiểu xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng hiện nay trên thế giới. Ngoài ra, còn mục tiêu quan trọng nữa là tích lũy kinh nghiệm, hướng tới việc tổ chức triển lãm thành một sự kiện định kỳ như một số nước hiện nay vẫn làm.
“Trước đó, ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã tham gia một số triển lãm quốc phòng ở châu Âu, châu Á. Một vài đối tác nước ngoài đã có mong muốn tư vấn cho Việt Nam về nội dung này”, - Thiếu tướng Quân cho biết.
Việt Nam khéo léo và mềm dẻo trong quan hệ quốc phòng với các nước
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, triển lãm mà Việt Nam đã tổ chức để lại dấu ấn nổi bật nhất của đối ngoại quốc phòng Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, ghi dấu ấn mới trong hoạt động đối ngoại quốc phòng. Tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, ghi nhận thành công này của đối ngoại quốc phòng Việt Nam.

Chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ

Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tổ chức ở Singapore vào tháng 6/2022, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhấn mạnh, Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn thế giới cũng được sống trong hòa bình trọn vẹn.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho biết:
“Chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ của Việt Nam thể hiện ở chỗ, trước hết là Việt Nam không gây chiến với ai, không xâm lược ai. Tuy nhiên, đất nước giữ quyền tự vệ khi bị xâm lược, giữ quyền giáng trả mạnh mẽ khi bị tấn công”.
Thứ hai, theo tướng Quân, chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ thể hiện ở chiến lược quốc phòng của Việt Nam, đó là tiến hành chiến tranh nhân dân. Khi đất nước có giặc thì toàn dân là chiến sĩ, khi đất nước có hòa bình thì một đội quân rất nhỏ được giữ lại để làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba, chính sách quốc phòng tự vệ còn được thể hiện thông qua mức đầu tư cho quốc phòng của quốc gia. Theo đó, Đảng và Nhà nước đầu tư cho quốc phòng phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế đất nước
Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định cần có Quỹ phòng thủ dân sự
“Tôi lấy ví dụ là ngân sách quốc phòng Việt Nam trong 10 năm qua chưa khi nào chúng ta đạt mức 3% GDP. Với ngân sách hạn hẹp ấy, có thể nói chúng ta bảo đảm trang bị, vũ khí cho bộ đội, cho công tác huấn luyện, cũng như một phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lính”, - ông Quân phân tích.
Bên cạnh đó, chính sách quốc phòng tự vệ còn được thể hiện ở việc, Việt Nam kiên quyết kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình.
“Việt Nam không tập trung mua sắm vũ khí tiến công chiến lược, và cũng không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân”, - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng khẳng định.
Việt Nam tổ chức ra quân đội để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Nếu có quốc gia nào xâm phạm, quân đội nhân dân kiên quyết chiến đấu giữ vững từng tấc đất, giữ yên vùng trời, vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Theo ông, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn như hiện nay, Việt Nam chủ trương tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ hiệu quả hơn nền độc lập, tự chủ chiến lược, bảo vệ vững chắc hơn cho đất nước mình.
Chuyên gia quân sự này nhấn mạnh, việc tăng cường năng lực quốc phòng, không đơn thuần chỉ là mua sắm, sản xuất hiện đại hóa vũ khí, trang bị, mà còn là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện, xây dựng tiềm lực quốc phòng quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang Việt Nam.

Tăng chi tiêu quốc phòng và xu hướng chạy đua vũ trang

Trong bối cảnh nhiều quốc gia có xu hướng chạy đua vũ trang, tung hô, quảng bá những vũ khí hiện đại, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, vũ khí là những mặt hàng vô cùng khan hiếm, khó bán. Do đó, các nhà sản xuất vũ khí trên thế giới luôn tìm cách quảng bá những thành tựu, sản phẩm của họ để nhằm mục đích thu về thật nhiều lợi nhuận.
Chính phủ Việt Nam bổ nhiệm nhân sự cấp cao Bộ Quốc phòng và 2 tỉnh
“Điều này càng thúc đẩy chạy đua vũ trang, phổ biến và đe dọa sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Nó làm nảy sinh sự cạnh tranh giữa các nước lớn, khiến cho nhiều điểm nóng tiếp tục diễn biến phức tạp, trầm trọng”, - chuyên gia Việt Nam thẳng thắn.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, việc chạy đua vũ trang này lại kích hoạt các vấn đề an ninh phi truyền thống, như hoạt động khủng bố hay xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa ly khai, cực đoan. Tất cả góp phần làm cho thế giới thêm bất an, bất ổn, gia tăng đói nghèo lạc hậu, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh thế giới.
“Giả sử như ngân sách hằng năm các quốc gia mà dành mua vũ khí, chỉ cần trích lại từ 5 – 7% thôi, thì cũng có thể giải quyết được hết những vấn đề đói nghèo trên thế giới hiện nay. Và thậm chí là không phải dẫn đến tình trạng hàng triệu người tị nạn ở khắp nơi trên thế giới, vì họ phải tránh cuộc chiến tranh xung đột”, - ông Quân phân tích.
Tại Đối thoại Shangri-La năm 2022, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, các quốc gia không minh bạch trong việc tăng cường năng lực quốc phòng sẽ dẫn đến những nghi kỵ, hiểu lầm. Về điều này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, tăng cường năng lực quốc phòng cần phải được làm một cách công khai, minh bạch.
Nếu thiếu sự công khai, minh bạch sẽ rất dễ dẫn đến hệ lụy là nghi kỵ, hiểu lầm lẫn nhau, sinh ra cảnh giác lẫn nhau, làm giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Nếu tăng cường năng lực quốc phòng mà không vì mục đích chính nghĩa, thì rất dễ dẫn đến chạy đua vũ trang, gia tăng cạnh tranh chiến lược, dẫn đến nguy cơ đối đầu vượt khỏi tầm kiểm soát. Từ đó, việc chạy đua vũ trang, xung đột chiến tranh là điều khó tránh khỏi.
Đó là chưa kể, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực không hề nhỏ của đất nước. Nguồn lực ấy lẽ ra có thể được dành cho phát triển kinh tế, xã hội, thì bây giờ bị đưa vào chạy đua vũ trang. Hệ quả là sự kéo lùi phát triển của đất nước trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.
Việt Nam sẽ phát triển công nghiệp quốc phòng như ngành “mũi nhọn” của quốc gia
Phân tích về sự minh bạch trong việc tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, chúng ta thực hành nền quốc phòng toàn dân mang tính chất hòa bình, tự vệ, kiên trì, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.
“Chúng ta chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực, điều kiện khả năng của mình. Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng 4 không: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực, cũng như đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, - ông nhắc lại chính sách 4 không của Hà Nội.
Cùng với đó, Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện cả tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học công nghệ chứ không đơn thuần chỉ có nâng cao sức mạnh quân sự.

Việt Nam đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới

Không chỉ xây dựng nền quốc phòng hòa bình, tự vệ, mà Việt Nam còn thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, mong muốn đóng góp cho hòa bình của khu vực và thế giới.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân điểm lại, đến nay, Việt Nam đã cử hơn 500 lượt cán bộ, nhân viên, 4 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 và lại vừa cử tiếp bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 cùng đội công binh số 2 đến các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Abyei.
Những hoạt động trên chính là cách để Việt Nam cam kết trách nhiệm, cũng như là nghĩa vụ quốc tế đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và trên thế giới.
Ông Quân nêu rõ, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, có thể nói quan hệ đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay đang được triển khai theo hướng tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt hiệu quả. Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với gần 100 quốc gia. Trong đó, có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tất cả các nước lớn khác.
“Chúng ta đã xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam cũng như là vị trí, uy tín của quân đội ta trong khu vực và trên trường quốc tế”, - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân tái khẳng định.
Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức gặp mặt tri ân người có công với đất nước

Gia tăng nội địa hóa vũ khí, trang bị

Như Sputnik đã thông tin, tại Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023 hôm qua (8/7), phát biểu với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và trước toàn quân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu – cụ thể hóa phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, quân đội đã chủ động, nhạy bén đề xuất triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách quân sự, quốc phòng, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân cũng đạt nhiều tiến bộ, qua đó, giúp quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới cũng như trên đất liền.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Quân đội phải đảm bảo đầy đủ, kịp thời hậu cần kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ. Đặc biệt, quân đội Việt Nam phải làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, gia tăng nội địa hóa vũ khí trang bị và sản phẩm quốc phòng.
Cùng với việc kiên định chính sách quốc phòng 4 không – theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quân đội cũng phải tiếp tục ngăn ngừa xung đột, đối đầu, tránh bị phụ thuộc, phải chọn bên, đồng thời, tăng cường bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình thông qua tiến trình ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thảo luận