Việt Nam muốn tự sản xuất được vũ khí để tránh bị phụ thuộc, chọn bên
© TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023
© TTXVN - Dương Văn Giang
Đăng ký
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "3 không" với quân đội Việt Nam: không lơ là, chủ quan mất cảnh giác; không bị động, bất ngờ về chiến lược; không lúng túng, chậm trễ xử lý các tình huống.
Đặc biệt, chính sách "4 không" giúp Quân đội Việt Nam ngăn ngừa được nguy cơ xung đột, tránh bị phụ thuộc và phải "chọn bên", đồng thời, bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình thông qua ngoại giao.
Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong mỏi, Quân đội cần phấn đấu làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi – "gia tăng nội địa hóa vũ khí trang bị và sản phẩm quốc phòng".
Cụ thể hóa phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư
Sáng 5/7, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, cùng với các lãnh đạo bộ ngành trung ương; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những kết quả mà đất nước đã đạt được trong 6 tháng đầu năm qua có đóng góp rất quan trọng của quân đội.
"Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, đã kết luận tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6 là: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và toàn quân đã làm được rất nhiều việc quan trọng, với nhiều hoạt động cụ thể rất toàn diện, nhiều số liệu chứng minh rất phong phú", - Thủ tướng khẳng định.
Theo ông, quân đội đã chủ động, nhạy bén đề xuất và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách quân sự, quốc phòng; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh đó, chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn quân đạt được nhiều tiến bộ, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa.
"Đặc biệt là việc điều chỉnh tổ chức lực lượng tinh, gọn, mạnh theo Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị về tổ chức quân đội giai đoạn 2021 - 2030 đã đạt được một số kết quả quan trọng, giữ được sự ổn định, đồng thời góp phần nâng cao được sức mạnh chiến đấu của toàn quân", - Thủ tướng nêu rõ.
Tinh thần "3 không"
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh, điều này đặt ra những yêu cầu mới, mà khó khăn nhất là việc điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội đang vào giai đoạn then chốt.
© TTXVN - Nguyễn Trọng ĐứcCác đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị
© TTXVN - Nguyễn Trọng Đức
Thủ tướng yêu cầu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan đơn vị toàn quân, cụ thể hóa phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Quân ủy Trung ương vừa qua, nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thời gian sắp tới.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu về việc chủ động, nhạy bén, nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo, thực hiện tốt chức năng tham chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, có đối sách xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, với tinh thần "3 không".
"Đó là: Không lơ là, chủ quan mất cảnh giác - Không để bị động, bất ngờ về chiến lược - Không lúng túng, chậm trễ xử lý các vấn đề chiến thuật và tình huống đột xuất về quân sự, quốc phòng", - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Ông yêu cầu tập trung nghiên cứu, tham mưu hoàn thành tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, chú trọng tham mưu, xử lý linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả quan hệ quốc tế, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng chiến đấu của quân đội; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng.
Thủ tướng mong muốn quân đội nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng; chú ý đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, "thế trận lòng dân vững chắc".
Cùng đó, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ ngành, địa phương để triển khai, cụ thể hóa các chiến lược, đề án kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, các quy hoạch, hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng.
Về điều chỉnh lực lượng quân đội, Thủ tướng nhấn mạnh phải bài bản, chặt chẽ, chắc chắn, hiệu quả, đạt mục tiêu tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
"Đây là những vần đề lớn, hệ trọng; quá trình thực hiện phải chặt chẽ, kiên quyết, kiên trì, có lộ trình, bước đi thích hợp, không chủ quan, nóng vội, nhưng không cầu toàn, chậm trễ", - Thủ tướng nói.
© TTXVN - Dương Văn GiangHội nghị quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023
Hội nghị quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023
© TTXVN - Dương Văn Giang
Việt Nam kiên định chính sách Quốc phòng "4 không"
Tại hội nghị, Thủ tướng đã nhắc lại nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương vừa qua, trong đó nhấn mạnh tinh thần nêu gương và tính mẫu mực đối với Đảng bộ Quân đội và toàn quân; rèn đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung.
Thủ tướng đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư vào các văn bản chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc trong toàn quân.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
"Quân đội phải làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, gia tăng nội địa hóa vũ khí trang bị và sản phẩm quốc phòng", - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Mong mỏi này của lãnh đạo Chính phủ tương thích với nỗ lực của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam thời gian qua nhằm làm chủ các công nghệ, trang thiết bị sản xuất vũ khí hiện đại, tiên tiến, chủ động tự sản xuất được các trang thiết bị vũ khí ngay trong nước, theo chính sách "make in Vietnam".
© TTXVN - Nguyễn Trọng ĐứcThủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023
© TTXVN - Nguyễn Trọng Đức
Phát biểu với lãnh đạo Bộ Quốc phòng hôm nay, Thủ tướng lưu ý, đây là những vấn đề rất mới, rất khó, đòi hỏi quyết tâm cao và các chủ trương, cơ chế chính sách đặc thù nhằm bảo đảm thực hiện thành công. Bên cạnh đó, còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh phát sinh tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ xây dựng và phát triển quân đội đúng định hướng là đội quân công tác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực mà quân đội có thế mạnh.
Quân đội phải chủ động, tích cực, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.
"Khẳng định với quốc tế là chúng ta kiên định thực hiện chính sách quốc phòng "4 không"- không liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", - Thủ tướng nhấn mạnh.
Song song đó, Quân đội phải ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị phụ thuộc, phải "chọn bên"; bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" bằng biện pháp hòa bình thông qua tiến trình ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế.