"Séc đã chuyển giao cho Kiev tổng cộng 676 thiết bị hạng nặng và hệ thống phòng không, 4,2 triệu viên đạn cỡ vừa và lớn, 380 nghìn quả đạn pháo. Tổng khối lượng viện trợ đã cung cấp cho Ukraina không chỉ của chính phủ và các bộ ngành, mà còn của các tổ chức xã hội và phi chính phủ, các công ty xí nghiệp và các công dân Séc, có giá trị tổng cộng gần 45 tỷ koruna (CZK), tương đương gần 2 tỷ USD", - ông Pavel nói.
Đề cập đến cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraina, Tổng thống Pavel nói rằng ông không thấy giải pháp nào khác ngoài chiến thắng của Ukraina.
“Nếu Nga đạt được thắng lợi thì nền tảng xã hội mà chúng ta đang sống sẽ bị chao đảo một cách nghiêm trọng”, - Tổng thống Séc nói.
Theo ông Pavel, việc Ukraina bắt đầu đàm phán gia nhập NATO ngay sau khi kết thúc xung đột không chỉ phù hợp với lợi ích của Kiev mà của cả Praha.
"Điều đó phù hợp với lợi ích an ninh, ổn định khu vực và thịnh vượng kinh tế của chúng tôi", - ông Pavel nói thêm.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra ở Vilnius ngày 11-12 tháng 7, theo ông Pavel, sẽ thống nhất những hình thức được thể chế hóa nào đó để giúp Ukraina thông qua một kế hoạch trung hạn 5 năm nhằm tăng cường hỗ trợ cho nước này. Sự hỗ trợ cũng được thể hiện dưới dạng các nguồn viện trợ tài chính. Đồng thời, vị thế của Ukraina sẽ được củng cố bằng kỳ họp đầu tiên của Hội đồng NATO - Ukraina. Cộng hòa Séc cũng sẽ ủng hộ ý tưởng bắt đầu đàm phán về việc Ukraina gia nhập EU trước cuối năm nay.
Ông Pavel cũng cho rằng việc tái thiết Ukraina không chỉ sau xung đột mà ngay khi xung đột đang diễn ra cần được coi là một thách thức và cơ hội mới cho Cộng hòa Séc và các công ty của Séc. Theo Tổng thống, bước đi thực tế đầu tiên theo hướng này sẽ là chuyến thăm Ukraina vào tuần tới của 30 doanh nhân Séc cùng với ông Tomasz Kopechny, đại diện của chính phủ Séc về tái thiết Ukraina.