Biển Đông

Việt Nam – Trung Quốc: Dễ trước khó sau

Hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đàm phán về vấn đề trên biển. Đại diện hai chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh đã tổ chức đàm phán vòng 16 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ tại tỉnh Quảng Đông.
Sputnik
Dự kiến, Việt Nam - Trung Quốc sẽ sớm đàm phán ký Hiệp định mới về hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ.

Đàm phán vấn đề trên biển

Ngày 4/7, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán vòng XVI Nhóm Công tác về vùng Biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (vòng 16) và vòng XIII Nhóm Công tác bàn bạc về Hợp tác cùng Phát triển trên Biển (vòng 13).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam Trịnh Đức Hải và Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Biên giới và Biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Nhân Hỏa đồng chủ trì đàm phán, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan hai nước.
Đàm phán vòng 16 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng 13 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển diễn ra tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên của hai Nhóm Công tác từ khi dịch COVID-19 bùng phát và gây gián đoạn.
Theo thông cáo được TTXVN phát đi sau đó cho biết, phía Việt Nam đã miêu tả các vòng đàm phán diễn ra trong “không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn và thực chất”.
Việt Nam lộ "gót chân Achilles" trong cuộc đua chiến lược "Trung Quốc +1"

“Dễ trước khó sau”

Tại sự kiện đàm phán trực tiếp này, cả hai bên tái khẳng định lập trường nguyên tắc của mỗi bên về vấn đề phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Hai bên đã bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, đồng thời đi sâu trao đổi ý kiến về hai vấn đề này trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Đại diện chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí tôn trọng mối quan tâm hợp pháp, chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, thúc đẩy đồng bộ bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Hai bên cũng bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, cố gắng sớm đạt được tiến triển thực chất theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau.
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên biển, trong đó có việc sớm đàm phán ký kết Hiệp định Mới về Hợp tác nghề Cá Vịnh Bắc Bộ, góp phần duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Duy trì hoà bình trên biển

Đối với vấn đề Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ từ năm 2012.
Hà Nội và Bắc Kinh đều nhất trí tiến hành đàm phán một năm hai lần, tổ chức luân phiên ở mỗi nước. Gần nhất, vòng đàm phán đã diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tháng 12/2021.
Biển Đông
Phim Mỹ “Barbie” bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có “đường lưỡi bò” Trung Quốc
Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định về hợp tác nghề cá trong vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước ký kết năm 2000 đã xác định rõ phạm vi và tạo ra được khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi, tạo điều kiện cho mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong vùng Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trong các tuyên bố chính thức, cả Việt Nam và Trung Quốc đều nhấn mạnh, nhất quán coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhau.
Hồi tháng 6, như Sputnik đã thông tin, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Lý Cường.
Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng, luôn ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế.
Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, duy trì trao đổi và đẩy mạnh giao lưu.
Trong đó, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực và giao lưu hữu nghị giữa các địa phương và các đoàn thể nhân dân.
Hai bên nhất trí xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển; tăng cường phối hợp trong các diễn đàn quốc tế, khu vực.
Đối với những bất đồng trên biển còn tồn tại, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Trong Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân từ ngày 25-28/6 của Thủ tướng Phạm Minh Chính theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Hà Nội và Bắc Kinh cũng đồng thuận rằng, Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, đều nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân, sự giàu mạnh của đất nước, nỗ lực cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại.
Việt Nam: Đối tác trọng yếu của Trung Quốc trong ổn định an ninh khu vực
“Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”, tuyên bố chung nhắc lại.
Hai bên sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng liên quan đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường hợp tác trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), trên cơ sở hiệp thương nhất trí, sớm đạt được "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Thảo luận