Chiều 10/7, trao đổi với Thanh Niên, luật sư Lê Thành Kính (Đoàn luật sư TP.HCM), người bào chữa cho bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết đến nay ông Dũng cùng gia đình đã nộp số tiền 16,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Luật sư cho biết thêm ông Tô Anh Dũng cũng bày tỏ nhận thức được hành vi của mình là không đúng, "tự trách bản thân mình rất nhiều".
"Quá trình công tác, ông Dũng đã có nhiều thành tích, đóng góp, nhưng vì một số sai lầm đã vướng vào vòng lao lý, thực sự rất đáng tiếc", luật sư Kính nói và cho hay thân chủ của ông rất thất vọng về bản thân, vô cùng ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra.
Ông Dũng là một trong 54 bị cáo sẽ hầu tòa trong đại án "chuyến bay giải cứu", do TAND TP.Hà Nội xét xử vào sáng mai 11/7.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong một tháng.
Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.
52 bị cáo còn lại, trong đó có 19 cựu quan chức, bị đưa ra xét xử về các tội: đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, với cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ 37 lần từ 13 doanh nghiệp, với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được cấp phép chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.
Tại thời điểm ban hành cáo trạng, ông Dũng và gia đình được cơ quan tố tụng ghi nhận khắc phục được 2 tỉ đồng. Sau khi cáo trạng ban hành, gia đình cựu thứ trưởng nộp thêm 14,2 tỉ đồng.
Theo luật sư của ông Tô Anh Dũng, điều 5 Nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có quy định 3 nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.
Trong số này, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.
Đối chiếu tinh thần trên của nghị quyết, người phạm tội bị truy tố với khung hình phạt cao nhất đến tử hình nếu muốn thoát mức án này thì phải đáp ứng 2 điều kiện:
Thứ nhất là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ (tự mình hoặc tác động, thông qua gia đình, người thân, bạn bè…).
Thứ hai là hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng (ví dụ chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà người phạm tội bị cáo buộc) hoặc lập công lớn (ví dụ giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…).
Như vậy, với việc nộp lại 16,2 tỉ đồng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã đáp ứng được điều kiện nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ. Đây sẽ là căn cứ để tòa án đánh giá, cân nhắc trong quá trình xét xử và lượng hình.
Theo cáo trạng, tại thời điểm xảy ra vụ án, ông Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian Covid-19; là nơi ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Quốc phòng, Y tế, GTVT) và ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt đưa công dân về nước.
Theo cáo trạng, biết được vai trò của ông Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 - 1/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ ông Tô Anh Dũng giải quyết cấp phép chuyến bay và được cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đồng ý.
Cáo buộc cho rằng, ông Tô Anh Dũng đã 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với số tiền hơn 21 tỷ đồng.