Khả năng chèo chống của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Không có thảm kịch đổ vỡ ngân hàng như Mỹ, chính sách tiền tệ vững vàng giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sau 4 lần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất, mặt bằng lãi suất chung tại Việt Nam đã giảm.
Sputnik
Những cố gắng rất lớn của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đồng thời thể hiện năng nỗ lực chèo chống khéo léo sự kiện chưa từng có trong lịch sử, cân bằng trước các diễn biến phức tạp, khó lường từ bên ngoài lẫn bên trong.

Chèo chống sự kiện chưa từng có trong lịch sử

Sáng 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị. Phát biểu khai mạc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau một năm đầy khó khăn vất vả, chứng kiến và chèo chống sự kiện chưa từng có trong lịch sử, ngành ngân hàng bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn thách thức.
Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cao, cuộc xung đột Nga – Ukraina chưa có hồi kết, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đầu năm. Ở trong nước thị trường trái phiếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn càng đặt áp lực, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân suy giảm, nợ xấu tăng cao trong khi yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn được đặt ra.

"Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng được giao các nhiệm vụ tại Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội làm thế nào điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Song song với đó, điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo có thể giảm lãi suất trong khi phải ổn định tỷ giá, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế", - Thống đốc nêu các khó khăn của NHNN.

Đặc biệt, theo Thống đốc, NHNN phải thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, tỷ giá và lãi suất, chính sách tiền tệ và tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài, đây là yêu cầu vô cùng khó, nhất là khi dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp, tín dụng/GDP đã ở mức cảnh báo, thị trường tiền tệ, ngoại hối thường chịu tác động của tâm lý kỳ vọng.
Ngân hàng Nhà nước có khuyết điểm, đề nghị xử lý người đứng đầu giai đoạn 2012-2015
Vượt lên trên hết, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Ban lãnh đạo NHNN đã xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, nhạy cảm để chỉ đạo, điều hành.
"Với sự đồng lòng, quyết tâm của Ban lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục NHNN, các tổ chức tín dụng từ trung ương đến địa phương, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng chung tay để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng", - nữ thống đốc nói.
Việc tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhất là các ngân hàng yếu kém, theo bà Nguyễn Thị Hồng, tiếp tục được triển khai quyết liệt. Việc thúc đẩy dịch vụ số đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp, người dân cũng được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng cũng tồn tại những khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như nợ xấu gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Sau 4 lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đã giảm

Báo cáo cụ thể hơn về kết quả điều hành chính sách tiền tệ nửa đầu năm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5%-2,0%/năm.
Đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5%-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
Thủ tướng dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2023
Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
"Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng", - Phó Thống đốc nêu.
Tính đến cuối tháng 6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, dù lãi suất đã giảm nhưng nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng.
"Việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh, tạo hệ lụy đe dọa an toàn tài chính quốc gia và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong tương lai", - ông Tú lưu ý.
Ngoài ra, do các nguồn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tập trung vào tín dụng ngân hàng.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước khẳng định thời gian qua đã có nhiều giải pháp tháo gỡ như chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
"Với tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí tổ chức tín dụng đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết", - ông Tú khẳng định.
Tuyên bố mới của Thống đốc NHNN về lãi suất và tín dụng

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế.
Từ đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện tốt công tác định giá tài sản bảo đảm, nhất là tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, thổi giá bất động sản trong thời gian qua.
Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. NHNN cũng sẽ chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh (nếu có).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Đồng thời, triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ công, nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ngành ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thảo luận