Tuyên bố mới của Thống đốc NHNN về lãi suất và tín dụng
Đăng ký
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có phát biểu về chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và theo dõi nắm bắt hoạt động tín dụng, có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, người dân và doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
“Đây cũng là khó khăn chung của thế giới không phải riêng Việt Nam. Trước thực tế này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất trăn trở, băn khoăn và chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Thống đốc bày tỏ.
Khó khăn chung
Thời gian qua, đã có nhiều hiệp hội, chuyên gia, phản ánh của doanh nghiệp về việc mặc dù thanh khoản hệ thống dồi dào, các ngân hàng cũng ở tình trạng ‘dư tiền’ – sẵn sàng cho vay, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn hoặc không mặn mà đi vay cho đầu tư sản xuất vì lãi suất vay còn quá cao.
Về những vấn đề này, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn cho vay theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải được nhận diện, đánh giá đầy đủ, từ đó mới có giải pháp trúng và đúng.
Thống đốc kiến nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hướng giải quyết hiệu quả các vấn đề.
Theo đó, mỗi bộ ngành, địa phương đều có các giải pháp, chính sách cùng tham gia tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể riêng ngành nào, hoặc chính sách nào giải quyết được hết tất cả các vấn đề.
Hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa có riêng một Luật hỗ trợ và 5 Nghị định hướng dẫn Luật.
“Nhưng vấn đề thực thi chính sách rất quan trọng”, bà Hồng nói và nhấn mạnh về phía ngành ngân hàng, đã có giải pháp quy định trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên; trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhiều chính sách khác.
Thống đốc Hồng cũng cho rằng, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.
“Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn thì tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nhiều hơn”, bà Hồng tin tưởng.
Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần khắc phục những hạn chế bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và bám sát diễn biến kinh tế, tiền tệ, tích cực triển khai các giải pháp từ phía ngành ngân hàng cũng như phối hợp các bộ, ban ngành để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Để hạ lãi suất là một cố gắng của Ngân hàng Nhà nước
Chia sẻ với Thủ tướng và đại diện doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Đơn cử chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng.
Bà Hồng nhấn mạnh, đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, hiện có 2 vấn đề mà các doanh nghiệp đang có nhiều ý kiến với ngân hàng đó là lãi suất và tiếp cận tín dụng.
Về lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước vẫn duy trì lãi suất cao và tiếp tục tăng lãi suất, trên cơ sở cân nhắc bối cảnh, tình hình, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, đưa lãi suất điều hành về mức trước dịch COVID-19 xảy ra.
Thống đốc nhắc lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số rất ít các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất. Các tổ chức tín dụng cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
“Do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, theo người đứng đầu NHNN.
Nhắc việc “để hạ lãi suất là một cố gắng của Ngân hàng Nhà nước”, bà Hồng lý giải:
“Bởi khi hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết, hiện nay Luật Các tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích.
Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy.
“Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có có tài sản đảm bảo (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn”, Thống đốc nêu rõ.
Gắn kết doanh nghiệp và tổ chức tín dụng
Theo Thống đốc, những vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ của chính tổ chức tín dụng. Tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn khác nhau tùy theo mục đích vay, chẳng hạn vay để đầu tư kinh doanh bất động sản, vay để thực hiện dự án xuất khẩu, vay để sản xuất nông nghiệp thì tài liệu chứng minh sẽ khác.
Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp là rất cần thiết để hiểu, chia sẻ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phó tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất, các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn.
Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Tính đến 20/6/2023, lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm 2022.
Dư nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế.
Hiện nay, hầu hết các TCTD đều tham gia cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều TCTD đã chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường.
Như Sputnik đề cập, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng.