Sau 2 tiếng HĐXX tạm dừng làm việc để các bị cáo nộp thêm chứng từ khắc phục hậu quả, lúc 10h ngày 17/7 đại diện VKSND Hà Nội bắt đầu công bố bản luận tội với 54 bị cáo.
Theo cơ quan công tố, hành vi phạm tội của 54 bị cáo trong vụ án là đặc biệt nguy hiểm. Các bị cáo nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử thể hiện tính nghiêm minh.
Đại diện VKS cho rằng, một số bị cáo trong vụ án đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chủ trương nhân đạo của Nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho buộc các doanh nghiệp phải bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu.
Từ đó, giá vé máy bay tăng buộc phải tăng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, mất đi bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.
VKS đánh giá hành vi của các bị cáo đã "phản bội lại chính sự cố gắng của đồng đội, đồng chí của mình" trong dịch COVID-19, do đó việc truy tố, xét xử vụ án là cần thiết đảm bảo sự răn đe.
"Có một số bị cáo lập lờ, đánh lộn việc nhận tiền là cảm ơn. Đây là khái niệm cực kỳ nguy hiểm, gây tiền lệ xấu cho xã hội. Cần phải nhận thức cho đúng đắn để phải loại bỏ văn hóa phong bì", đại diện VKS nói và nhấn mạnh, các hành vi của bị cáo là Nhận hối lộ.
Đại diện cơ quan công tố khẳng định, các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình, nên không thể coi là "cảm ơn" khi số tiền bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước. Đặc biệt là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang chắt chiu, gom góp từng đồng để chống dịch.
VKS nhận định các bị cáo đưa ra thỏa thuận mặc cả về giá yêu cầu các doanh nghiệp chung chi. Do đó các doanh nghiệp chi tiền theo luật bất thành văn thì mới được cấp phép chuyến bay.
Đánh giá hành vi cụ thể của từng bị cáo, VKS đánh giá bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Y tế, nhận nhiều tiền hối lộ nhất, số tiền nhiều nhất vụ án (253 lần tổng 42,6 tỷ đồng) với thủ đoạn "trắng trợn nhất".
Mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay, nhưng ông Kiên lại là cán bộ nhận hối lộ nhiều nhất cả về số lần và số tiền trong vụ "chuyến bay giải cứu". Cụ thể, ông Kiên nhận 198 lần chuyển khoản, 30 lần qua số tài khoản của mẹ vợ và con trai.
Qua 4 ngày xét xử, bị cáo này thừa nhận cáo buộc, khai đã trả lại cho phía doanh nghiệp 12 tỷ đồng. Số tiền còn lại bị cáo sử dụng 20 tỷ đồng để mua đất ở nhiều nơi như Mũi Né (Bình Thuận), huyện Ba Vì và Hoài Đức (Hà Nội); ngoài ra cho vay hơn 10 tỷ đồng.