Những trang sử vàng

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và bản báo cáo mật của Toàn quyền Pháp

Sputnik tiếp tục chuyên mục đàm đạo dành tái hiện tiến trình hiểu biết lẫn nhau của người Nga và người Việt Nam, những mốc ngày tháng, sự kiện và giai đoạn đáng ghi nhớ trong lịch sử bang giao và hợp tác Nga-Việt.
Sputnik
Với chuyến đi đầu tiên của lãnh tụ cách mạng Việt Nam tới nước Nga, vừa được kỷ niệm chẵn 100 năm vào ngày 30 tháng 6 vừa qua, đã mở ra một thời kỳ mới về chất của quan hệ Nga-Việt. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần tới nước Nga: năm 1923-1924, năm 1927-1928 và năm 1934-1937. Nhưng ngay cả giữa các chuyến đi đó, Người vẫn không gián đoạn liên hệ với Nga, với Quốc tế Cộng sản có trụ sở chính là Ban Chấp hành đặt tại Matxcơva.

Từ Matxcơva đến Quảng Châu

Chẳng hạn, trong giai đoạn 1924-1927, Hồ Chí Minh được ủy quyền đại diện Ban Thư ký Viễn Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản và được cử sang Quảng Châu công tác, để chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương. Tháng 10 năm 1924, Hồ Chí Minh rời Matxcơva đến nơi làm việc mới. Thoạt đầu - đi tàu hỏa đến Vladivostok. Nhân tiện xin nói thêm, khi đó tàu hoả đã chạy hết tuyến đường này trong 3 tuần lễ. Rồi từ đó - đi thuyền đến Quảng Đông, cập bến vào đầu tháng 12.
Vừa đến nơi, Hồ Chí Minh liên lạc ngay với Trưởng đoàn cố vấn chính trị của Chính phủ Tôn Trung Sơn là ông Borodin, khi ấy đồng thời cũng là đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã tạm trú chính trong nhà Borodin, danh nghĩa chính thức là thông dịch viên của cố vấn Nga đồng thời là phóng viên của hãng Điện báo Nga. Về công tác chính của Hồ Chí Minh là đại diện của Quốc tế Cộng sản thì chỉ riêng ông Borodin biết. Tại nhà ông cố vấn Nga, Hồ Chí Minh đã gặp Trưởng cố vấn quân sự của Tôn Trung Sơn là Blucher, nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng của Liên Xô, sau này thành nguyên soái rồi cuối những năm 1930 bị chế độ Stalin đàn áp thanh trừng. Blucher đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng của Trung Quốc.

Xác nhận của nhân chứng

Hồ Chí Minh công tác tại Quảng Đông với họ Nga là Nilovsky, nhưng các chuyên gia Xô-viết thường gọi Người là đồng chí Lý. Cùng làm việc trong văn phòng với đồng chí Lý có nữ thư ký của ông Borodin là Vishnyakova.

Nửa thế kỷ sau, bà Vishnyakova viết trong hồi ký của mình những dòng như sau: "Một trong những người đáng chú ý sống ở Quảng Châu lúc bấy giờ là đồng chí Lý người Việt. Chúng tôi gọi anh là Lý Annam. Tôi nhớ anh có dáng người mảnh khảnh hay mặc bộ đồ lanh trắng, nét mặt chăm chú, hơi u buồn. Anh nói thạo tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng quan hoả Quảng Đông. Tôi ngỏ ý muốn học tiếng Việt, Lý rất vui và anh sẵn sàng dạy tôi. Anh giữ quan hệ thân thiện với tất cả nhưng khá dè dặt và không bao giờ nói về việc anh đang làm hay những gì đã làm trong quá khứ. Chúng tôi không biết gì về đồng chí Lý, ngoại trừ chuyện người Pháp đã treo số tiền thưởng lớn để bắt anh. Trong nhà ông Borodin, anh là "người mình". Mãi sau này tôi mới biết rằng Lý Annam của chúng tôi không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Hành trình thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam: Khởi đầu từ đào tạo lớp trẻ

Trong bức điện tín mật gửi vào đầu năm 1925 cho Bộ Thuộc địa Pháp, Toàn quyền Đông Dương Merlin báo cáo rằng nhà cách mạng Việt Nam tên là Lý đã xuất hiện ở Quảng Châu, tiến hành tuyên truyền cộng sản rất tích cực trong cộng đồng kiều dân Việt sống ở đó. Thật vậy, hai năm rưỡi ở Quảng Châu đã là khoảng thời gian làm việc căng thẳng và mở đầu nhiều kế hoạch đối với Hồ Chí Minh.
Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay
Ngay từ những ngày đầu tiên, giữa Hồ Chí Minh và Borodin đã thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp. Văn phòng của cố vấn Borodin đã giúp Hồ Chí Minh thu thập thông tin về các tổ chức cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu, gây dựng liên lạc với "Tâm tâm xã" tổ chức tập hợp các thành viên trẻ của "Việt Nam Quang phục hội" do chí sĩ Phan Bội Châu thành lập. Hồ Chí Minh đã gặp gỡ các thành viên của "Tâm tâm xã", trong đó có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn và Vương Thúc Oánh - con rể của Phan Bội Châu. Sau khi cùng họ vạch ra kế hoạch hành động, Hồ Chí Minh thông báo với BCH Quốc tế Cộng sản rằng đã tổ chức được nhóm nhỏ các đồng chí từ Đông Dương và hy vọng sẽ có thể làm được điều gì đó. Chẳng bao lâu sau đó, nhóm này trở thành nòng cốt của "Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội" do Hồ Chí Minh sáng lập.
Trong thời gian làm việc ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh thường đến thăm trường quân sự Hoàng Phố (Hoàng Phố Quân hiệu), cơ sở được thành lập vào tháng 5 năm 1924 với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô, chuyên đào tạo sĩ quan cho quân đội cách mạng Trung Quốc. Người khởi xướng thành lập trường quân sự này là Tôn Trung Sơn nhưng toàn bộ chi phí cho hoạt động của cơ sở đào tạo này đều do Chính phủ Liên Xô cung cấp. Người đứng đầu trường (Uỷ viên trưởng) là Tưởng Giới Thạch, chính ủy là Chu Ân Lai.
Ngôi trường có khoảng 1.000 học viên là chỗ dựa quan trọng nhất của lực lượng cách mạng ở Nam Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã thuyết phục Ban giám hiệu tiếp nhận Lê Hồng Phong vào học ở trường Hoàng Phố. Theo khuyến nghị của Borodin, các nhà quân sự Liên Xô đã tới thuyết trình tại khóa học chính trị dành cho người Việt Nam mà Hồ Chí Minh tổ chức tại trường quân sự Hoàng Phố với sự đồng ý của chính quyền Trung Quốc.
Đúng 100 năm trước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga Xô viết
Cũng cố vấn Borodin đã giúp Hồ Chí Minh tuyển chọn những thanh niên yêu nước Việt Nam xứng đáng nhất để cử sang học tập ở Matxcơva. Tốp 5 người đầu tiên, trong đó có Lê Hồng Phong, đã lên đường vào cuối năm 1926.
Trong thời gian công tác ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh thường xuyên liên lạc bằng đường bưu điện với BCH Quốc tế Cộng sản. Vừa thông báo đều đặn về tình hình ở Trung Quốc và Đông Dương, Người vừa chuẩn bị tài liệu dành cho phương tiện truyền thông đại chúng ở Nga.
Ví dụ, Hồ Chí Minh đã gửi bài về tòa soạn tạp chí "Nữ công nhân" Matxcơva với lời đề nghị như sau: "Vì tôi ở đây làm công tác bí mật, nên tôi sẽ gửi cho các bạn các bài báo dưới dạng thư và ký tên phụ nữ".
Khi một nhóm thiếu niên được đưa đến Quảng Châu từ Việt Nam là những em có cha mẹ đã mất hoặc đang ở trong tù, Hồ Chí Minh đã cưu mang đám trẻ, đặt cho những cái tên mới và tất cả đều mang họ Lý. Rồi sau đó, vào năm 1926, nhà cách mạng Việt Nam đã gửi tới ban lãnh đạo tổ chức thiếu niền tiền phong của Liên Xô yêu cầu đón nhận các em nhỏ Việt Nam để đào tạo ở Nga. Yêu cầu được phúc đáp, và các bạn trẻ người Việt bắt đầu hành trình dài từ Quảng Đông đến Matxcơva, kết thúc với việc họ tham gia trận chiến của nhân dân Xô-viết chống phát-xít Đức và được Nhà nước Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc.
Tuy nhiên, chúng ta hãy quay trở lại năm 1927, khi tình hình ở Nam Trung Quốc thay đổi. Tưởng Giới Thạch đã chiếm quyền trong Quốc Dân Đảng và tiến hành cuộc tấn công chống lại các lực lượng cách mạng. Vào tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch tổ chức cuộc đảo chính phản cách mạng ở Thượng Hải, sau đó là ở Quảng Châu.
"Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội", cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức dân chủ khác phải lui vào hoạt động bí mật. Quân lính Tưởng Giới Thạch xộc vào căn nhà nơi Hồ Chí Minh ẩn náu. Nhưng nhà cách mạng Việt Nam này đã trên đường trở lại Matxcơva.
Thảo luận