Tại các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Việt Nam, bà Janet Yellen dự kiến sẽ nêu bật mối quan hệ kinh tế sâu sắc Việt – Mỹ, cam kết hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua cái gọi là "friend-shoring" - chiến lược đặt sản xuất tại các nước bằng hữu.
Bộ trưởng Janet Yellen sẽ gặp ai tại Việt Nam?
Ngày 19/7, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội xác nhận Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có chuyến thăm Việt Nam.
Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, từ ngày 18 - 21/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có chuyến thăm Việt Nam để thảo luận về quan hệ kinh tế song phương và các vấn đề khu vực.
“Chuyến thăm của Bộ trưởng Yellen diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam. Được thiết lập vào năm 2013, Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước đã tăng cường mối quan hệ song phương một cách toàn diện cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh.
Trước đó, bà Yellen đến Ấn Độ để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20, đã kết thúc ngày 18/7.
Theo lịch trình, bà Yellen có cuộc gặp song phương với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Yellen bày tỏ vui mừng về sự hợp tác giữa hai phía trong việc hỗ trợ sức chống chịu của nền kinh tế vĩ mô và tài chính Việt Nam. Bộ trưởng Janet Yellen khẳng định, Mỹ ủng hộ sự phát triển của Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển đó đối với người dân hai nước.
Dự kiến, Bộ trưởng Yellen cũng sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Yellen sẽ nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Mỹ và Việt Nam giúp tạo ra khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn thông qua cái gọi là "friend-shoring", chiến lược đặt sản xuất tại các nước bằng hữu.
Bà Yellen cũng sẽ gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Bộ trưởng Yellen sẽ gặp song phương với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Tại các cuộc gặp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ nhấn mạnh việc Mỹ coi Việt Nam là một đối tác chủ chốt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời nêu bật những nỗ lực nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư, có vai trò rất quan trọng giữa hai nước.
Thông điệp đặc biệt về “friend-shoring”
Trong chương trình làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Yellen cũng sẽ đến thăm một công ty khởi nghiệp, nhấn mạnh sự hợp tác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Bà Yellen cũng sẽ gặp gỡ các nhà kinh tế và doanh nhân nữ, đồng thời tham gia cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo nữ trong lĩnh vực kinh tế do Đại học Ngoại thương tổ chức.
Bộ trưởng Yellen sẽ có bài phát biểu về tầm quan trọng của việc phát triển chuỗi cung ứng có sức chống chịu mạnh mẽ với các nỗ lực như "friendshoring" và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ (2013-2023).
Thời gian qua, quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước đã đạt được nhiều tiến triển, thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế Mỹ - Việt Nam.
Trước đó, một số quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ như Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại diện thương mại Katherine Tai đã đến thăm Việt Nam trong năm nay 2023.
“Friend-shoring” là gì?
Chiến lược friend-shoring (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu) là sự chuyển hướng từ quá trình toàn cầu hóa kinh tế trong mấy thập kỷ gần đây.
Theo đó, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương đang thúc đẩy việc sản xuất và kinh doanh hàng hoá thiết yếu tại các quốc gia mà nước này cho là “thân thiện”. Nhiều công ty lớn như Samsung Electronics và Gap đã theo đuổi xu hướng này sau những đợt gián đoạn như dịch bệnh Covid-19, xung đột tại Ukraina và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Chiến lược này được thể hiện rất rõ trong các ngành như chất bán dẫn và đất hiếm. Các công ty tư nhân cũng bắt đầu chuyển sang sản xuất ở các quốc gia mà họ cho là có rủi ro chính trị và logistics tương đối thấp.
Tuy vậy, một số nhà kinh tế lại bày tỏ lo ngại xu hướng này sẽ gây tổn hại cho các quốc gia, cả giàu lẫn nghèo, vốn hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở trong những thập kỷ gần đây.
"Thế giới sẽ phân chia thành các khối, không giao thương nhiều với nhau và có các tiêu chuẩn khác nhau. Đó sẽ là thảm họa cho kinh tế toàn cầu", ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế lo ngại.
Đối với những người hoài nghi về thương mại tự do, "friend-shoring" chỉ là một thuật ngữ ngụy trang cho hoạt động sản xuất ở nước ngoài, thay vì đẩy mạnh sản xuất trong nước để đảm bảo chuỗi cung ứng tốt hơn và tạo ra việc làm cho người Mỹ.
"Friend-shoring giống như toàn cầu hóa không hoàn chỉnh. Cách tiếp cận đó sẽ không thành công nếu không nhận được ủng hộ rộng rãi trong nước", báo VnExpress dẫn nhận xét của Jamieson Greer, cựu Chánh văn phòng Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thời Tổng thống Donald Trump.
Những người ủng hộ coi “friend-shoring” là cơ hội cải tiến chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào những quốc gia nhiều rủi ro, như Nga hay Trung Quốc. Theo họ, đây là sự kết hợp giữa toàn cầu hóa và cô lập, giữa sản xuất ở nước ngoài và sản xuất nội địa.
"Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động friend-shoring sẽ giảm rủi ro cho nền kinh tế của chúng ta, cũng như cho các đối tác thương mại đáng tin cậy", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng chia sẻ.
Bà Yellen nhận định, những thỏa thuận như vậy sẽ giúp Mỹ thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia có chung "chuẩn mực và giá trị về cách vận hành trong nền kinh tế toàn cầu".