Việt Nam – Trung Quốc có lợi thế trời ban làm đường sắt tốc độ cao khổ tiêu chuẩn

Việt Nam và Trung Quốc có lợi thế trời ban để hợp tác về đường sắt, theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.
Sputnik
Tuyến đường sắt tốc độ cao khổ tiêu chuẩn giữa Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng góp phần tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, thúc đẩy phát triển hài hòa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
Đại diện chính quyền Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc cần kiên trì chủ nghĩa đa phương chân chính, giữ vững công bằng chính nghĩa quốc tế, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Việt Nam và Trung Quốc có 'lợi thế trời ban' để hợp tác đường sắt

Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đang xem xét nghiêm túc kế hoạch hợp tác xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế địa lý sẵn có, cũng như thúc đẩy tiềm năng kinh tế và thương mại song phương.
Như Sputnik đưa tin, trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 25-28/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao giữa hai nước Việt – Trung trong cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Lý Cường.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng chiến lược như đường sắt và đường bộ cao tốc.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11/2022, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.
Trong Tuyên bố chung có nhiều nội dung rất quan trọng liên quan đến việc tăng cường kết nối giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Vân Nam, Trung Quốc).
Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Việt Nam học kinh nghiệm của châu Âu và Trung Quốc
Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo VnExpress của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng, đề xuất nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao giữa hai nước Việt – Trung góp phần mở rộng hơn nữa hợp tác thiết thực giữa hai nước trong việc tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại trong lĩnh vực hàng nông sản, thúc đẩy phát triển hài hòa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
"Việt Nam là đầu mối quan trọng kết nối kênh thương mại đường bộ và đường biển mới của Trung Quốc với các nước ASEAN, do đó tham gia hợp tác liên quan đến đường sắt hưởng lợi thế tự nhiên trời ban", đại sứ Hùng Ba khẳng định.

Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc

Theo ông, kể từ khi tuyến đường sắt container xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc mở ra năm 2017, hiệu quả vận tải và kết nối đường sắt giữa hai nước đã liên tục được nâng cao.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5 của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, hai bên đã thảo luận về việc tăng cường kết nối giao thông và hợp tác trong lĩnh vực đường sắt. Trung Quốc và Việt Nam cũng đang thúc đẩy xây dựng quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, theo đại sứ Hùng Ba.
Cuối tháng 6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập Tổ công tác xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam dựa trên kinh nghiệm học hỏi châu Âu, Trung Quốc, là những nơi có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển.
Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chấp thuận thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và các dự án đường sắt quốc gia.
Theo ông Hùng Ba: “Việc không ngừng cải thiện và nâng cao mức độ kết nối hạ tầng đường sắt giữa hai nước sẽ góp phần phát huy tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại Việt - Trung, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước”.
Bên cạnh việc phát triển đường sắt khổ tiêu chuẩn, đại sứ Hùng Ba cho rằng, xây dựng cửa khẩu thông minh cũng là biện pháp quan trọng để tăng cường hiệu quả kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đại sứ, xây dựng cửa khẩu thông minh sẽ giúp hai nước kết nối nhanh chóng, hiệu quả và không gián đoạn. Việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới trên tuyến đường chuyên dụng sẽ giúp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho thương mại Việt – Trung.
Đây là điểm mà Việt Nam và Trung Quốc đã đạt đồng thuận trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hai bên nhất trí đảm bảo thông suốt cửa khẩu biên giới, thúc đẩy nâng cấp cửa khẩu và thúc đẩy hợp tác triển khai cửa khẩu thông minh.
“Tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc đã ký Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Các cơ quan liên quan đang thúc đẩy thực hiện thỏa thuận để sớm có bước đi thực chất trong nỗ lực này”, đại sứ Hùng Ba nói.
Việt Nam - Trung Quốc nghiên cứu phát triển đường sắt tốc độ cao khổ tiêu chuẩn

Việt – Trung đang trong giai đoạn phát triển then chốt

Theo vị đại sứ, hai nước đang trong giai đoạn phát triển then chốt và Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam, cũng như các lĩnh vực khác mà Việt Nam quan tâm.
“Hoạt động phát triển kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có những thế mạnh riêng, cũng như bổ trợ mạnh mẽ cho nhau với chuỗi sản xuất và cung ứng hội nhập sâu rộng. Hợp tác kinh tế, thương mại tới nay luôn là điểm nhấn trong quan hệ song phương”, Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh.
Theo ông, nhờ lợi thế gần gũi về địa lý, Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản, đầu tư nông nghiệp, để hai bên xuất khẩu và cung ứng cho nhau nhiều nông sản chất lượng cao.
Hai bên cũng nỗ lực đưa hợp tác nông nghiệp "thành một cực tăng trưởng mới trong hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Theo Đại sứ Hùng Ba, các lĩnh vực hợp tác khác như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu cùng tăng trường xanh đều có nền tảng vững chắc và triển vọng rộng mở.
Theo nhà ngoại giao, Trung Quốc coi việc Việt Nam phê duyệt Quy hoạch điện VIII là cơ hội khuyến khích và ủng hộ doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, giúp Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số.
“Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, điện rác và ô tô sử dụng năng lượng mới”, ông Hùng Ba tiết lộ.

Vấn đề trên biển

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nước trao đổi ý kiến thắn thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tuân thủ nhận thức chung đạt được giữa các lãnh đạo và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc", cũng như kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tăng cường hợp tác trên biển, duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
“Trung Quốc sẵn sàng cùng các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như coi việc hoàn thành vòng đọc thứ hai là cơ hội sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, Đại sứ Hùng Ba nêu rõ.
Đại diện chính quyền Bắc Kinh cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường phối hợp về các vấn đề quốc tế, kiên trì chủ nghĩa đa phương chân chính, giữ vững công bằng chính nghĩa quốc tế.
“Hai bên cũng cần duy trì lợi ích chiến lược chung, tiếp thêm ổn định và năng lượng tích cực cho thế giới đang có nhiều biến động đan xen”, Đại sứ Hùng Ba lưu ý.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông gây bất ngờ

Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt - Trung

Nhận lời mời của Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc, từ ngày 18 - 21/7/2023, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm hữu nghị nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Chuyến thăm nhằm thúc đẩy thực hiện tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tại chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (từ 30/10 đến 1/11/2022) và thúc đẩy hợp tác kênh đảng và quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng thời, triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ chương trình hợp tác giữa MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm công tác vận động nhân dân và công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
Hai bên cũng sẽ cùng trao đổi, thảo luận một số nội dung hợp tác trong thời gian tới.
Thảo luận