Trong khi đó, dự báo sắp tới, lượng than nhập khẩu của Việt Nam từ Lào sẽ tăng lên sau khi hai bên vừa ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực than nhằm phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam có thể nhập 20 triệu tấn than từ Lào hàng năm
Theo cổng TTĐT Bộ Công Thương, chiều ngày 20/7/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực than.
"Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước", - Bộ Công Thương khẳng định.
Bản ghi nhớ có thời hạn hiệu lực trong 5 năm. Bộ Công Thương nêu rõ, đây là văn kiện quan trọng, không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo cam kết với quốc tế.
Văn kiện cũng đồng thời, tạo điều kiện cho Lào khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Lễ ký
Điểm đáng lưu ý trong Bản ghi nhớ vừa được ký chính là mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi bên.
Việt Nam và Lào cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu than, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực trong lĩnh vực khai thác chế biến than.
Bản ghi nhớ cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại than giữa các doanh nghiệp hai nước.
Lợi cho cả Việt Nam và Lào
Đây là kết quả đáng ghi nhận khi thời gian qua, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã phối hợp chặt chẽ với nhau, xây dựng và hoàn thiện Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực than.
"Bản ghi nhớ được ký nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực than trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi", - Bộ Công Thương cho biết.
Tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là điện) giữa Việt Nam - Lào được đẩy mạnh.
Việt Nam và Lào đã tăng cường ký kết hợp tác triển khai nhiều dự án đầu tư và các hoạt động hợp tác năng lượng, như: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào.
Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác mua bán điện, hỗ trợ phát triển các dự án thủy điện tại Lào...
"Các hoạt động này đã thu được nhiều kết quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, đồng thời, góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, cũng như giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào", - Bộ trưởng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Công Thương cho rằng, thời gian tới, dư địa hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng giữa hai nước còn rất lớn, cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào lên tầm cao mới nhằm hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Lào cũng là nhà cung cấp than, quặng và khoáng sản quan trọng cho Việt Nam.
"Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 1,8 triệu tấn quặng và khoáng sản từ Lào, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 78,2 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ Lào hơn 900 nghìn tấn quặng và khoáng sản, với kim ngạch nhập khẩu đạt 31,6 triệu USD", - Bộ cho biết.
Bộ Công Thương tái khẳng định, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào trong thời gian qua vẫn phát triển tích cực trên các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, năng lượng dù gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào đạt 1,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2021). 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt 833 triệu USD (tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2022).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào
Việt Nam tăng nhập khẩu than từ Nga
Tổng cục Hải quan cho biết, nhập khẩu than về Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong tháng 6.
Cụ thể, trong tháng 6, nhập khẩu than các loại của cả nước đạt hơn 7,2 triệu tấn với kim ngạch hơn 993 triệu USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu than của Việt Nam đạt hơn 24,1 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,6 tỷ USD, tăng mạnh 46% về lượng tuy nhiên lại giảm 13,8% về trị giá so với nửa đầu năm 2022.
Đáng chú ý, ngoài Lào, Việt Nam còn bất ngờ tăng nguồn nhập khẩu than từ Liên bang Nga. Cụ thể, theo Doanh nghiệp và Kinh doanh tham chiếu số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, kể từ đầu năm đến nay, nhập khẩu than từ thị trường Nga liên tục tăng mạnh.
Trong tháng 6, nhập khẩu than các loại từ Nga đạt hơn 457.000 tấn với trị giá hơn 79,1 triệu USD.
Với mức này, sản lượng than Việt Nam mua từ Nga tăng mạnh 1.284% so với tháng 6/2022 và tăng 44,6% so với tháng trước đó, đánh dấu tháng thứ 6 nhập khẩu tăng trưởng liên tiếp.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu than các loại từ Nga đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch hhơn 377 triệu USD, tăng 22% về lượng nhưng giảm hơn 6% về giá trị.
Năm ngoái, theo Statista, Nga sản xuất 443,6 triệu tấn than, tăng 0,3% so với năm 2021, con số này gấp gần 15 lần so với sản lượng than tự sản xuất hơn 30 tấn của Việt Nam trong năm 2022.
Cũng trong năm qua, Việt Nam đã chi hơn 590 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than từ Nga.