Kết quả bầu cử Quốc hội tại Campuchia có ảnh hưởng tới quan hệ với Việt Nam?

Xem xét các yếu tố căn bản của sự hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa hai nước thì cho dù ông Hun Manet hay một chính khách nào khác làm Thủ tướng Campuchia thay ông Hun Sen thì quan hệ Việt Nam – Campuchia về căn bản sẽ không thay đổi mà ngược lại, có thể còn được củng cố vững chắc hơn.
Sputnik
Tối Chủ Nhật 23-7, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử 2023. Theo kết quả sơ bộ, trong số 18 đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử, Đảng Nhân dân Campuchia chiếm ưu thế khi giành được 120/125 ghế trong Quốc hội (Hạ nghị viện) khóa VII nhiệm kỳ 2023-2028, trong khi đảng FUNCINPEC chỉ giành được 5 ghế trong Quốc hội, còn lại những đảng khác không giành được ghế nào.
Ông Som Soreida, Phó tổng thư ký kiêm phát ngôn viên Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia cho biết, 23.789 điểm bỏ phiếu đã đón các cử tri đến bầu cử trong không khí trật tự, an toàn, an ninh, không có bất kỳ hành động bạo lực hay đe dọa nào. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 7 đã diễn ra suôn sẻ với 84,58% tổng số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu.

Về bộ máy chính quyền của Campuchia

Theo Hiến pháp Campuchia năm 1993 hiện đang có hiệu lực thì bộ máy chính quyền của Campuchia khá cồng kềnh, gồm các các tập thể và cá nhân lãnh đạo sau đây:
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, sinh năm 1953, là con thứ 12 của vua cha Norodom Sihanouk. Ông là con trai đầu của cố Quốc vương Norodom Sihanouk và đương kim thái hậu Norodom Monineath Sihanouk. Vị trí Quốc vương Campuchia theo chế độ nửa thế tục. Quốc vương Norodom Sihamoni được suy tôn lần thứ hai bởi “Hội đồng tôn vương” ngày 29/10/2004.
Hội đồng tôn vương Campuchia không phải là hội đồng của dòng họ vương thất mà là một cơ quan nhà nước có trách nhiệm chọn lựa người giữ vị trí Quốc vương, gồm 9 thành viên: Chủ tịch Thượng nghị viện, Chủ tịch Quốc hội (Hạ nghị viện), Thủ tướng, Phó chủ tịch Thượng nghị viện thứ nhất, Phó chủ tịch Thượng nghị viện thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội thứ nhất, Phó chủ tịch Quốc hội thứ hai, Tăng thống tối cao hệ phái Phật giáo Mohanikay và Tăng thống tối cao hệ phái Phật giáo Thommoyutteka Nikay.
Thượng nghị viện Campuchia là một trong 2 cơ quan lập pháp của Campuchia, có nhiệm kỳ 6 năm, gồm các thượng nghị sĩ với số lượng không vượt quá một nửa số đại biểu Quốc hội (Hạ nghị viện). Hiện nay, Thượng nghị viện Campuchia có 61 thành viên, trong đó có 2 thượng nghị sĩ được Quốc vương trực tiếp bổ nhiệm và 2 thượng nghị sĩ do Hạ nghị viện bầu. Số còn lại được cử tri cả nước bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
Quốc hội Campuchia (cũng gọi là Hạ nghị viện) là cơ quan lập pháp chủ chốt của nước này, có nhiệm kỳ 5 năm, gồm 125 thành viên được bầu từ 25 khu vực bằng phổ thông đầu phiếu và theo “phương pháp Jefferson” là phương pháp trung bình cao nhất để phân bổ số người đại diện trong nghị viện. Quốc hội Campuchia giữ quyền lập pháp, quyền giám sát, quyền bầu Thủ tướng và quyền tín nhiệm thành viên nội các. Quốc hội có 10 Ủy ban về đối nội, đối ngoại, kinh tế tài chính, quốc phòng an ninh, pháp luật và tư pháp, xã hội và nhân quyền.v.v… Kết quả sơ bộ tại cuộc bầu cử 2023, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành được 120 ghế, đảng FUNCINPEC có 5 ghế.
Chính phủ Campuchia (còn gọi là Nội các) gồm Thủ tướng, 9 phó thủ tướng (trong đó có 5 Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng), 24 bộ trưởng, 29 cơ quan bộ. Thủ tướng Campuchia do Quốc hội bầu. Các thành viên Nội các do Thủ tướng giới thiệu và Quốc vương phê chuẩn bổ nhiệm.
Hệ thống tư pháp Campuchia gồm Hội đồng thẩm phán tối cao, Tòa án tối cao, các tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp quận, huyện và thủ phủ tỉnh lỵ. Campuchia còn có Hội đồng hiến pháp hoạt động không thường xuyên.
Hệ thống cơ quan hành chính các cấp của Campuchia gồm cấp tỉnh, cấp quận, huyện. Đứng đầu là tỉnh trưởng, quận trưởng, huyện trưởng, lãnh đạo bộ máy hành chính cùng cấp theo chế độ một thủ trưởng. Riêng thủ đô Phnompenh do Đô trưởng đứng đầu. Cấp hành chính cơ sở của Campuchia là cấp xã, phường. Tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường ở Campuchia đều có cơ quan Hội đồng các cấp có nhiệm kỳ 5 năm, được hình thành qua bầu cử. Hiện có 7 đảng chính trị, gồm đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, đảng Funcinpec, đảng Khmer Hòa hợp dân tộc, đảng Quốc tịch Campuchia, đảng Khmer cộng hòa, đảng Ý chí Khmer và đảng Thanh niên Campuchia tham gia tranh cử vào các hội đồng các cấp.

Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia

“Sau khi chế độ Kh’mer đỏ bị Quân đội của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia với sự giúp đỡ của Quân Tình nguyện Việt Nam đánh đổ, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia trở thành đảng chính trị duy nhất tại nước này từ năm 1979 đến năm 1989.

Trải qua 4 năm dưới quyền ủy trị của Cơ quan chuyển tiếp Liên Hợp Quốc tại Campuchia (UNTAC), năm 1993, Hiến pháp mới của Campuchia lập lại chế độ quân chủ lập hiến, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đổi tên thành Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và phải chia quyền lãnh đạo đất nước với đảng bảo hoàng FUNCINPEC và Đảng Dân chủ Tự do Phật giáo nhưng vẫn chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử Quốc hội và giữ được vị trí “đồng Thủ tướng” (Hunsen và Ranariddh)”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.

Sau khi đập tan cuộc đảo chính tháng 7/1997 do tàn quân Khmer đỏ móc nối với thủ tướng thứ nhất Norodom Ranariddh tiến hành, Đảng Nhân dân Campuchia thu được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc vương Norodom Sihanouk, Hoàng gia và những người dân theo Phật giáo (chiếm 97,1% dân số Campuchia). Dù phạm tội nặng nhưng Ranariddh vẫn được khoan hồng và trở về làm Chủ tịch Quốc hội Campuchia từ năm 1998 đến năm 2006. Tuy nhiên, FUNCINPEC đã mất uy tín với người dân Campuchia kể từ đó.
“CPP thì ngày càng nâng cao uy tín của mình khi vừa ổn định tình hình chính trị trong nước, vừa khôi phục và mở rộng quan hệ đối ngoại, tập trung đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. CPP cũng là đảng phái kiên quyết nhất trong việc đưa các tội phạm diệt chủng của Kh’mer đỏ ra trước Tòa án Quốc tế được mở tại Campuchia”, - . Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, ngay cả những trò đội lốt dân chủ và nhân quyền, mượn danh “Đảng Cứu quốc Campuchia của Sam Rainsy và phe phái của ông ta được người Mỹ yểm trợ cũng không thể đảo ngược được lòng tin của tuyệt đại đa số nhân dân Campuchia vào CPP. Trong các kỳ bầu cử từ cấp Quốc hội đến cấp xã phường ở Campuchia trong 30 năm qua, người dân Campuchia vẫn đặt niềm tin vào Đảng Nhân dân Campuchia.
“Gần đây, với kết quả thắng lợi áp đảo của Đảng Nhân dân Campuchia trong các cuộc bầu cử Hội đồng cấp tỉnh, thủ đô, quận, huyện tháng 5-2019 và bầu cử Hội đồng cấp xã, phường tháng 6-2022; dư luận không khó để dự báo trước rằng Đảng Nhân dân Campuchia sẽ tiếp tục giành thắng lợi vang dội tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2023. Tỷ lệ đi bầu cử chiếm tới 84,21% số cử tri đã đăng ký cho thấy uy tín cao của CPP”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Đảng CPP của Hun Sen thắng áp đảo, Việt Nam lên tiếng về bầu cử ở Campuchia
“Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII đã diễn ra suôn sẻ và thành công. Kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố trong thời gian 30 ngày sau bầu cử và dự kiến chính phủ mới sẽ được thành lập vào ngày 29-8-2023. CPP thắng là một quy luật tất yếu, đây là Đảng có công lao với đất nước to lớn và xứng đáng nhất”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang đưa ra đánh giá với Sputnik.

Đại tướng Hun Manet có thể trở thành thủ tướng trong năm nay không?

Một số nguồn, trong đó có Tuổi Trẻ của Việt Nam đưa tin: Trong cuộc phỏng vấn với Đài Phoenix TV của Trung Quốc được phát sóng ngày 21-7, ông Hun sen nói 'trong 3 hoặc 4 tuần nữa, con trai ông là đại tướng Hun Manet có thể trở thành thủ tướng”.
Bình luận về thông tin này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik:
“Khả năng này là có vì ông Hun Manet đã được bầu vào Quốc hội Campuchia với tỷ lệ số phiếu cao. Theo Hiến pháp Campuchia thì người giữ vị trí Thủ tướng phải là đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, ông Hun Sen chưa bao giờ nêu ra thời hạn cho người thay thế mình và cũng không nói rằng Hun Manet sẽ thay thế ông”.
Trước những thông tin từ một số hãng thông tấn phương Tây về việc ông Hun Sen sẽ trao chức Thủ tướng cho con trai, ông đã nói thẳng rằng:
“Campuchia là một đất nước dân chủ chứ không phải là một quốc gia có chế độ chuyển giao quyền lực từ cha sang con như một số nước khác và tất cả phải thông qua bầu cử”.
Tại cuộc họp gặp thường niên với báo chí ngày 20/1/2020, ông Hun Sen khẳng định rằng ông sẽ làm thủ tướng 10 năm nữa. Năm 2021, ông Hun Sen tái khẳng định là Hun Manet sẽ không làm thủ tướng trước năm 2028, thời điểm bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VIII. Điều đó có nghĩa là sẽ không hề có chuyện Hun Manet sẽ trở thành Thủ tướng Campuchia như thời hạn trên dưới 1 tháng tới, khi kết quả bầu cử chính thức được công bố và Quốc hội Campuchia khóa VII khai mạc kỳ họp đầu tiên.
Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng, thông tin về lời nói của ông Hun Sen về việc con trai ông sẽ trả thành thủ tướng trong 3 đến 5 tuần tới là thông tin không đáng tin cậy bởi những ký do sau đây:
Một là việc lựa chọn thủ tướng ở Campuchia cũng như nhiều quốc gia có cơ chế dân chủ đa số không phụ thuộc vào một cá nhân nào mà phục thuộc vào ý chí của Quốc hội, cơ quan lập pháp tối cao được người dân bầu ra.
Hai là với cương vị là một nguyên thủ quốc gia, ông Hun Sen không bao giờ “nói hai lời” chỉ sau hơn 2 đến 3 năm. Và ông Hun Sen cũng không thể có những phát ngôn trái ngược với nguyên tắc hoạt động của Quốc hội Campuchia đã được hiến định. Không một chính trị gia có lập trường dứt khoát nào lại làm điều đó vì nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính họ.
Ba là thông tin này là thông tin duy nhất do Đài Phoenix TV của Trung Quốc, phát sóng ngày 21/7/2023 vài được báo Khmer Times dẫn lại ngày 22/7/2023, một ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII, không có nguồn tin độc lập thứ ba để kiểm chứng thông tin này.
Bốn là thông tin đó rất có thể là thông tin giả, mạo danh Đài Phoenix TV của Trung Quốc nhằm làm nhiễu dư luận và biện hộ cho luận điệu vu cáo của những phe phái chống đối Nhà nước Campuchia ở nước ngoài rằng ở Campuchia không có dân chủ; đồng thời, làm mất uy tín của cá nhân ông Hun Sen cũng như cá nhân con trai ông.
“Nói chung thì những chuyên gia, những người hiểu biết đã quá quen thuộc với những thủ đoạn “dán chữ vào miệng người khác” như trường hợp này”, - . Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng kết luận.
Nếu Campuchia có Thủ tướng mới thì quan hệ với Việt Nam sẽ có thay đổi gì không?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik, nếu Campuchia có Thủ tướng mới là ông Hun Manet, thì quan hệ với Việt Nam sẽ có thay đổi gì không, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nêu rõ:
Quan hệ giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia được hoạch định bởi Quốc hội hai nước, thể hiện ý chí của nhân dân hai nước do Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia lãnh đạo chứ không phụ thuộc vào bất kỳ một cá nhân nào. Người lãnh đạo có thể đưa ra ý tưởng, dự án nhưng để ý tưởng hay dự án đó trở thành hiện thực thì dứt khoát, nó phải được đem ra bàn bạc dân chủ trước tập thể lãnh đạo mà tối cao nhất là Quốc hội.

“Cả hai hệ thống chính trị của Việt Nam và Campuchia đều hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ nên việc ông Hun Manet hay ai đó trở thành thủ tướng Campuchia thì quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia vẫn được quyết định ở Quốc hội của hai nước”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.

Ủy ban Biên giới Campuchia bác bỏ cáo buộc "Việt Nam lấn đất"
Ngày nay, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được tiếp thêm sức mạnh từ những truyền thống vốn có từ lâu đời trong lịch sử. Quan hệ Việt Nam-Campuchia đã và đang được củng cố và phát triển vững chắc theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Những năm qua, quan hệ Việt Nam-Campuchia phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt. Về chính trị, lãnh đạo hai bên thường xuyên điện đàm, hội đàm trực tuyến. Hai bên phối hợp tổ chức thành công các cơ chế hợp tác song phương quan trọng.
Về quốc phòng và an ninh, hai bên tiếp tục củng cố và nâng tầm hợp tác. Hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên thực địa và đã ký 2 văn kiện pháp lý ngày 5/10/2019 ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được.
Về kinh tế, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký 2,88 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia năm 2022 đã đạt trên 12 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt quá cả sự kỳ vọng của các nhà hoạch định kế hoạch.
“Việt Nam đã trở thành thị trường thứ hai tiêu thụ hàng hoá của Campuchia sau Mỹ và là nhà xuất khẩu cũng đứng thứ hai bán hàng hoá vào đây sau Trung Quốc. Xét trên tổng khối lượng buôn bán hai chiều, Việt Nam là thị trường quan trọng thứ ba của Campuchia sau Trung Quốc và Mỹ, vượt lên trên Thái Lan, đối thủ chính của hàng hoá Việt Nam tại thị trường Campuchia”, - . Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
Trên lĩnh vực đối ngoại, hai bên tích cực tăng cường phối hợp trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh và ngoại giao tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Thường xuyên thực hiện tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong
Về văn hóa truyền thống, hai dân tộc cũng có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là trên khu vực biên giới Nam Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022), các sự kiện “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022” đã được đồng tổ chức ở hai nước như “Tuần Văn hóa Campuchia tại việt Nam 2022” và “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia 2022”.
Các chuyên gia Sputnik đã phỏng vấn khẳng định: Xem xét các yếu tố căn bản của sự hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa hai nước thì cho dù ông Hun Manet hay một chính khách nào khác làm Thủ tướng Campuchia thay ông Hun Sen thì quan hệ Việt Nam – Campuchia về căn bản sẽ không thay đổi mà ngược lại, có thể còn được củng cố vững chắc hơn.
Thảo luận