Sau 7 năm ròng rã đàm phán, Việt Nam - Israel chính thức ký kết VIFTA

Việt Nam và Israel chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do VIFTA sau 7 năm với 12 phiên đàm phán.
Sputnik
Ngày 25/7/2023, tại Văn phòng Thủ tướng Israel, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, ông Nir Barkat, đã cùng nhau ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế 2 nước.

Việt Nam và Israel ký kết Hiệp định Thương mại tự do

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel VIFTA được ký trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nhà nước Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Lưu Quang.
Hiệp định VIFTA được khởi động đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Như Sputnik thông tin, việc VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán. Sự kiện này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cần nhấn mạnh rằng, Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.
Hiệp định gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế.
Việt Nam - Israel chính thức ký kết VIFTA

VIFTA lợi cho Việt Nam và Israel

Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Á.
Bộ Công Thương cho hay, cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.
"Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", - Bộ Công Thương khẳng định về lợi ích của FTA vừa ký với Israel.
Cùng với đó, việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Qua đó, VIFTA không chỉ góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa chiều, mà còn được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…
Về phía Israel, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời nắm được cánh cửa tiến đến các nước khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Theo Bộ Công Thương, trong tương lai gần, trên cơ sở thế mạnh đặc biệt của Israel về công nghệ và tài chính khi kết hợp với thế mạnh của Việt Nam về môi trường đầu tư, quy mô thị trường và mạng lưới 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia, VIFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp Israel vào Việt Nam.
Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm trong một bộ phận người lao động ở các lĩnh vực mà Israel quan tâm và đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nhà nước Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Lưu Quang

Cơ hội và thách thức với VIFTA

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đồng tình rằng, Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ sung cho nhau.
"VIFTA là một bước đi chiến lược của cả hai quốc gia, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thương mại song phương và thắt chặt quan hệ kinh tế, cung cấp cho các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia khả năng tiếp cận tốt hơn với thị trường của nhau và hơn thế nữa, tạo ra lợi ích đôi bên cùng có lợi", - ông Thịnh chỉ rõ.
Đối với Việt Nam, VIFTA hứa hẹn mang lại nhiều chuyển biến cho cả ngành sản xuất cũng như kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, PGS.TS Đinh trọng Thịnh lưu ý, việc ký kết mới chỉ là bước đầu. Để tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA này mang lại thì còn rất nhiều việc phải làm.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận xét, mỗi FTA luôn đi kèm giữa cơ hội và thách thức.
"Thách thức đối với Việt Nam là về năng lực cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động trong tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình", - PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.
Ông Long khuyến nghị, các doanh nghiệp muốn tận dụng được lợi thế của FTA Việt Nam - Israel hoạt động phải chuyên nghiệp hơn. Bởi, Israel là đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, khoa học kỹ thuật rất phát triển nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông phân tích, Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của Việt Nam, khoảng gần 10 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55.000 USD/năm. Hoạt động thương mại của Israel, bình quân hàng năm khoảng trên 173 tỷ USD, trong đó họ nhập siêu là chủ yếu.
Israel là một đất nước không có nguồn tài nguyên dồi dào, diện tích có đến 70% là sa mạc nên nguồn tài nguyên rất khan hiếm. Cũng chính vì điều kiện thiên nhiên rất khó khăn, cho nên hoạt động thương mại của họ chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng.
Chuyên gia dẫn chứng, mỗi năm kim ngạch nhập khẩu của Israel khoảng 35 tỷ USD đối với mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó ngành hàng này lại là một trong những thế mạnh của Việt Nam.

"Chúng ta cũng cần tạo ra những điều kiện để có thể tận dụng thế mạnh của họ bằng những tri thức, bằng kỹ thuật công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu", - PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.

Theo ông, khi FTA có hiệu lực với thuế quan giảm theo từng giai đoạn sẽ có lợi thế rất lớn về hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện, Việt Nam có khoảng 70 mặt hàng có thể xuất khẩu được sang Israel.
Việt Nam – Israel hướng tới nâng cấp quan hệ ngoại giao

"Bàn đạp" cho hàng hoá Việt Nam

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, việc ký kết VIFTA diễn ra chỉ 3 tháng sau khi tuyên bố kết thúc đàm phán, là sự nỗ lực của Bộ Công Thương.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel thể hiện rõ nét chính sách của Việt Nam là hội nhập toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mở rộng quan hệ với tất cả các nền kinh tế. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
Về cơ hội đối với Việt Nam, TS. Phương cho rằng, Israel không phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam do nằm ở khu vực Tây Nam Á, với khu vực này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa cao, song Việt Nam vẫn đang nỗ lực để mở rộng thị trường bởi hàng hóa giữa hai bên có tính chất bổ sung cho nhau.
Tuy nhiên, Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Do đó, sau khi FTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều đi lên.
"Ở Tây Á, hiện Israel đóng vai trò như một bàn đạp để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn ở khu vực Tây Nam Á. Nếu vào được thị trường Israel, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội vào được rất nhiều thị trường khác của khu vực", - chuyên gia lưu ý.
Cùng với đó, Israel là một nền kinh tế có công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp. Do đó, FTA này không chỉ giúp khơi mở hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam - lĩnh vực Việt Nam rất cần và muốn phát triển nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Thu hút FDI của Việt Nam: Nhảy 95 bậc trong vòng 34 năm
Chuyên gia chỉ rõ, xét về mặt quy mô thương mại và đầu tư, so với các FTA đã ký như FTA với EU, CPTPP…, FTA Việt Nam-Israel không có quy mô lớn nhưng lại có nhiều ý nghĩa trong việc hướng tới tương lai.
"Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam vừa đa dạng hóa, đa phương hóa, mở rộng quan hệ thương mại với khu vực Tây Á, Tây Nam Á, là khu vực mà chúng ta vẫn đang có những quan hệ tương đối hạn chế và mong muốn được mở rộng. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn", - TS. Lê Quốc Phương bày tỏ.
Để tận dụng được tốt FTA này, PGS.TS Ngô Trí Long, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh và TS. Lê Quốc Phương đều cho rằng, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường. Đồng thời, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật khắt khe.
Hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực, đây là những vấn đề mà doanh nghiệp Việt còn rất yếu. Vậy nên, cần tìm hiểu để tận dụng được các ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả FTA, khai thác, phát huy ưu điểm, tận dụng được các điểm mạnh của Việt Nam trong xuất khẩu.
Thảo luận