Bộ KH&ĐT lưu ý, thời gian qua nhiều tín hiệu cho thấy các tập đoàn, nhà đầu tư lớn bộc lộ quan điểm thận trọng với hoạt động đầu tư mới, cũng như kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, đã có nhà đầu tư xem xét rời Việt Nam do có vướng mắc về chính sách.
Do đó, quyết sách kịp thời hỗ trợ tiền, tạo ưu đãi cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn thuộc khối FDI sẽ ngăn kịch bản xấu nhất - làn sóng chuyển dịch sản xuất, rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam.
22 doanh nghiệp FDI được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tiền
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Bộ Tư pháp tờ trình thẩm định về Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư các doanh nghiệp FDI khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là “cần thiết” nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Như Sputnik đề cập trước đó, 15% là mức thuế tối thiểu toàn cầu dành cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn dự kiến sẽ áp dụng vào năm sau.
Về đối tượng hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các đối tượng như doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp FDI đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển. Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.
Qua rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến có khoảng 22 doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng.
Danh sách này gồm có Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh; Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam; Công ty TNHH Samsung Elechtronic Việt Nam Thái Nguyên; Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE COMPLEX; Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam; LUXSHARE-ICT (VIETNAM) LIMITED; Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng; Công ty TNHH WINTEK Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất FIRST SOLAR Việt Nam; Công ty TNHH LG INNOTEK Việt Nam Hải Phòng; Công ty TNHH Pegatron Việt Nam; Công ty TNHH FULIAN; Công ty TNHH HANA MICRON VINA; Công ty TNHH Fukang Technology; Công ty Amkor Technology Việt Nam; Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam; Công ty TNHH JABIL Việt Nam (JABIL); Công ty TNHH COMPAL Việt Nam; Công ty TNHH VINA SOLAR TECHNOLOGY; Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Bắc Giang).
Nhiều nhà đầu tư thận trọng, lo Việt Nam giảm sức hút FDI
Đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Như đã thấy, trong nhiều năm qua Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore luôn dẫn đầu danh sách các nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua nhiều tín hiệu cho thấy các tập đoàn, nhà đầu tư lớn bộc lộ quan điểm thận trọng với hoạt động đầu tư mới, cũng như kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Do đó, có thể thấy, quyết định hỗ trợ kịp thời của Chính phủ lần này nhằm ngăn kịch bản xấu nhất là các nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam.
Tháng 12/2022, Tập đoàn LG tạm dừng kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy 5 tỷ USD.
Các tập đoàn Intel, GenX cũng tuyên bố tạm dừng hoạt động khảo sát và rút khỏi thị trường Việt Nam do gặp nhiều vướng mắc về chính sách, theo thông tin được dẫn trên báo Tuổi Trẻ. Đáng chú ý, các nhà đầu tư Samsung, SK, và một số đối tác gia công sản xuất cho Apple, một số nhà đầu tư Nhật Bản cũng thận trọng trong đầu tư tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, thuế tối thiểu toàn cầu có ảnh hưởng tới Việt Nam như giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“Hiện nay hầu hết các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…) đã có động thái rõ ràng về kế hoạch triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với Việt Nam trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, - Bộ KH&ĐT cho biết.
Bên cạnh khả năng cải thiện nguồn thu thuế từ các công ty công nghệ đa quốc gia có doanh thu lớn, việc tham gia thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn FDI toàn cầu trong đó các nước thu hút FDI thông qua các ưu đãi thuế như Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Cạnh đó, việc mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu cũng có nguy cơ giảm sút (trong khi Việt Nam đặt mục tiêu vốn thực hiện 20 - 30 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021 - 2025, 30 - 40 tỷ USD cho giai đoạn 2026 - 2030).
Nguyên nhân do rất nhiều dự án quy mô lớn đang thuộc ngành công nghệ cao, ngành ưu đãi đầu tư với mức thuế suất thấp hơn 15%.
“Nếu áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, thì những lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa. Từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài”, - theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chính phủ Việt Nam nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp FDI
Việc đề xuất thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư với các nhà đầu tư có doanh thu trên 750 triệu euro đang đầu tư tại Việt Nam được đánh giá như một động thái cân bằng chính sách.
Trong khi đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị quyết về áp thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% từ ngày 1/1/2024.
Về hình thức hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 loại hình thức hỗ trợ đầu tư gồm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Về phương thức hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các khoản hỗ trợ đầu tư được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước.
Giải thích về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phù hợp với các khuyến nghị của OECD trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Đây cũng là các hình thức hỗ trợ đầu tư mà các quốc gia trong khu vực đang áp dụng, trong khi đó tại Việt Nam chưa được cụ thể tại các văn bản pháp luật.
Về mức hỗ trợ đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đưa ra mức chi hỗ trợ đầu tư tối đa theo tổng vốn đầu tư hay doanh thu không có nhiều tác dụng trong việc kiểm soát ngân sách mà còn có thể hạn chế thu hút đầu tư hoặc không hỗ trợ đến đúng đối tượng cần khuyến khích làm giảm hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư.
Cụ thể, quy định mức hỗ trợ trần trên tổng mức đầu tư có thể gây bất lợi cho các công ty công nghệ cao lớn như Samsung có quy mô doanh thu lớn, khả năng sinh lời trên vốn đâu tư, nộp thuế nhiều. Trong khi đó các công ty có vốn đầu tư lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, doanh thu thấp, tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư thấp thậm chí lỗ sẽ nhận được nhiều hỗ trợ. Dẫn đến đi ngược lại với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn và có ảnh hưởng kinh tế xã hội. Khống chế dẫn đến không công bằng giữa các nhà đầu tư.
Quy định mức hỗ trợ trần trên doanh thu có khả năng kiểm soát ngân sách tốt hơn nhưng chỉ tiêu doanh thu có liên quan đến xác định lợi nhuận, mà lợi nhuận là chỉ số dùng để tính thuế nên có thể có khả năng OECD sẽ chất vấn là hỗ trợ có liên quan đến nghĩa vụ thuế nộp bổ sung.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án không quy định chi hỗ trợ đầu tư tối đa theo tổng vốn đầu tư hay doanh thu, mà thay vào đó kiến nghị phương án: Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư tại Nghị quyết. Đồng thời giao Chính phủ quy định mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại Nghị quyết.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023 ngày 26/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Sau khi Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trong tháng 7 để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp (tháng 10 năm 2023).
Như Sputnik đề cập, theo nhiều chuyên gia, thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu sẽ không làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam, đồng thời, cũng gián tiếp giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vừa qua, dẫn khảo sát của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định, thuế suất thấp không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của công ty về địa điểm đầu tư cho nhà máy mới. Các yếu tố khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động (chất lượng & tiền lương) và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn.
“Thuế suất tối thiểu toàn cầu khó có khả năng cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam do thực tế là các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở Việt Nam. Hơn nữa, khả năng Việt Nam sẽ có những giải pháp thay thế cho thuế suất tối thiểu toàn cầu khi cơ chế này được triển khai”, - chuyên gia của VinaCapital nhấn mạnh.