Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đang có dấu hiệu hồi phục. Bộ Công Thương vẫn đang nỗ lực khai thác hiệu quả các hiệp định đã ký, mở rộng tìm kiếm thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu.
Xuất khẩu khởi sắc, Việt Nam xuất siêu hơn 15 tỷ USD
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam dù còn một số khó khăn, nhưng đã bắt đầu khởi sắc.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Bảy giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%.
Tính chung, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%.
Đáng chú ý, Việt Nam xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Mỹ và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất
Về thị trường, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.
Dữ liệu này cho thấy, xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc nhất định vào hai đối tác thương mại lớn nhất này, bất kỳ biến động nào đều có thể tác động lên nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,53 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 171,5 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 15,75 tỷ USD, chiếm 8,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,95 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 giảm 9,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,4%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 168,3 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,9%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 11,2 tỷ USD, chiếm 6,2%.
Mỗi tháng hơn 16 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Trong tháng 7/2023, có 20.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn chưa giảm. 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước. Doanh nghiệp dừng hoạt động, và hoàn tất thủ tục giải thể cũng tăng so với tháng 6.
Tính chung 7 tháng năm nay, bình quân một tháng có 18.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ở chiều ngược lại, 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng.
Cũng trong tháng 7, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện ước đạt 41,3% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI đã tăng trở lại
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,58 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, có 1.627 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký.
Có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27,1%, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, giảm 42,5% so với cùng kỳ.
Xét theo lĩnh vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút vốn ngoại với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỷ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,61 tỷ USD, chiếm hơn 9,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 49,8% so với cùng kỳ.
Các ngành tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,53 tỷ USD, gấp gần 63,9 lần và gần 737,6 triệu USD, tăng 40,2%.
Xét theo đối tác đầu tư, trong 7 tháng đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỷ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Với gần 2,34 tỷ USD, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản, Trung Quốc để trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 trong 7 tháng qua, với lượng vốn đăng ký chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư, giảm 28,2% so với cùng kỳ.
Giữ vị trí thứ 3 là Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,33 tỷ USD, chiếm gần 14,4% tổng vốn đầu tư, tăng 77,8% so với cùng kỳ.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua đàm phán, ký kết các FTA mà FTA mới nhất là FTA với Israel. Đây là động thái được các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đánh giá rất cao vì sẽ giúp mở thêm cơ hội cho hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.