Chính phủ nhấn mạnh việc khai thác quặng vàng phải đi kèm dự án đầu tư chế biến một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm và đảm bảo môi trường.
Nhà nước sẽ có chính sách đầu tư mới các cơ sở luyện vàng tại Lai Châu, Tuyên Quang và mở rộng các dự án hiện có đáp ứng nhu cầu chế biến.
Đẩy mạnh thăm dò và khai thác vàng
Như Sputnik tuần trước thông tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Như vậy, Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trừ các loại khoáng sản dầu khí, than đá, than bùn, quặng phóng xạ (urani, thori, ...) khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Tại quy hoạch này, đối với khoáng sản vàng, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò thuộc các mỏ có tiềm năng trữ lượng vàng đáng chú ý.
Các mỏ thăm dò và khai thác vàng được quy hoạch gồm có Sang Sui - Nậm Suông, Pusancap - khu I tỉnh Lai Châu, các khu vực Cắm Muộn, Huổi Cọ (Bản San), Bản Bón tỉnh Nghệ An, khu vực A Đăng tỉnh Quảng Trị, khu vực A pey B - tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu vực Ma Đao tỉnh Phú Yên.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tiến hành thăm dò mới, thăm dò bổ sung nâng cấp trữ lượng các điểm mỏ tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, theo thông tin trên báo Tiền Phong. Căn cứ vào quy hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu trữ lượng đạt khoảng 101 tấn vàng đối với các mỏ này.
Tiếp đó, trong giai đoạn 2031 – 2050 sẽ thăm dò bổ sung, thăm dò mở rộng và thăm dò mới từ 5 điểm mỏ, điểm khoáng hóa mới phát hiện, với mục tiêu trữ lượng đạt khoảng 232 tấn vàng kim loại.
Theo kết quả thăm dò khoáng sản được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Việt Nam có khoảng 25.084 kg vàng gốc.
Mỏ vàng trữ lượng lớn nhất Việt Nam được đánh giá là mỏ vàng Bồng Miêu, Quảng Nam. Theo kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Hiện nhà chức trách tiếp tục đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác kim loại quý này.
Khai thác tối đa vàng từ các mỏ đồng, khoáng sản đa kim
Về hoạt động khai thác, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ duy trì khai thác đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có và thu hồi tối đa khoáng sản vàng từ các dự án khai thác mỏ đồng, mỏ khoáng sản đa kim.
Quy hoạch cũng nêu sẽ đầu tư mới các mỏ đã cấp phép thăm dò trong giai đoạn trước và thăm dò mới giai đoạn 2021 - 2030. Tổng sản lượng dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 1.780 triệu tấn quặng vàng/năm.
Giai đoạn 2031 – 2050, nhà chức trách sẽ đầu tư mới, đầu tư mở rộng nâng công suất các mỏ đã cấp phép (khoảng 10 dự án), các mỏ đã được thăm dò và thu hồi tối đa khoáng sản vàng từ các dự án khai thác khoáng sản đa kim.
Về chế biến khoáng sản vàng, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ duy trì các dự án chế biến, luyện, tinh luyện vàng hiện có với công suất đạt khoảng 6.146 kg/năm.
Việt Nam sẽ đầu tư mới các cơ sở luyện vàng tại Lai Châu, Tuyên Quang và mở rộng các dự án hiện có đáp ứng nhu cầu chế biến của các cơ sở khai thác.
Giai đoạn 2031 – 2050 sẽ duy trì các cơ sở chế biến đã cấp phép, chỉ đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án đã có. Mục tiêu hướng tới là tổng sản lượng chế biến đạt 6.346 kg vàng kim loại/năm.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh chủ trương rằng, việc phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
"Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới", - quy hoạch nêu rõ.
Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (như quặng bauxite, titan, đất hiếm, crom, niken, đồng, vàng), Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.
Việt Nam cũng hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ. Đồng thời, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại theo xu hướng của thế giới.