Việt Nam chi gần 12 tỷ USD để xây kho dự trữ xăng dầu, khí đốt

© Ảnh : Hữu Khoa Giàn khoan dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam
Giàn khoan dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.07.2023
Đăng ký
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng, dầu, khí đốt quốc gia Việt Nam, phấn đấu sức chứa đạt 90 ngày nhập ròng.
Đáng chú ý, để xây dựng hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt quốc gia này, dự kiến, Việt Nam sẽ cần tiêu tốn khoảng 270.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD), chủ yếu từ vốn ngoài ngân sách.

Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng, dầu, khí đốt quốc gia Việt Nam

Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng, dầu, khí đốt quốc gia Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt quốc gia (thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Việc phê duyệt kế hoạch xây dựng hạ tầng dự trữ xăng, dầu, khí đốt quốc gia của Việt Nam đã được bàn tới từ lâu. Như Sputnik đã đưa tin, theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc lập kho dự trữ xăng dầu quốc gia là hết sức cần thiết bởi hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay của Việt Nam tuy đã được phân bố trên cả nước, nhưng lại chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia, nên tổng mức dự trữ xăng dầu chưa như mong đợi.
Đồng thời, do chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia, nên lâu nay, dự trữ xăng dầu của Việt Nam vẫn phải cất giữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp. Tổng mức dự trữ xăng dầu hiện còn thấp, chỉ khoảng 65 ngày nhập ròng.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định Dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, diễn ra hồi quý 1, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam có kế hoạch nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến năm 2030 và đạt 90 ngày nhập khẩu ròng đến năm 2050. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.
Với quyết định phê duyệt quy hoạch kho dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia, các bộ, ban ngành và Chính phủ đang dần hiện thực hoá mục tiêu giải bài toán thiếu hụt xăng dầu - nhất quyết không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ xăng dầu khí đốt như thời gian qua.
Phát biểu về quy hoạch trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia là "xương sống" bảo đảm lưu thông năng lượng. Do đó, Quy hoạch phải giải quyết các bài toán về dự báo nhu cầu thị trường, tương thích với quy hoạch đất đai, năng lượng, môi trường và đô thị.
Việt Nam cung cấp 7 tàu dịch vụ dầu khí đa năng cho Ấn Độ - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2023
Việt Nam cung cấp 7 tàu dịch vụ dầu khí đa năng cho Ấn Độ

Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống kho dự trữ và đường ống khí đốt

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia), dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng.
Về hạ tầng dự trữ xăng, dầu, khí đốt, Quy hoạch chỉ rõ, thiết kế các nhà máy sản xuất và chế biến xăng, dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Trong đó, hạ tầng dự trữ thương mại đảm bảo dự trữ ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2.500.000 - 3.500.000m3 trong giai đoạn 2021 - 2030, đạt sức chứa tới 10.500.000m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng.
Đối với hạ tầng dự trữ quốc gia, kho dự trữ xăng dầu khí đốt mà Việt Nam đang hướng tới sẽ đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 1.000.000m3 sản phẩm xăng, dầu và 1.000.000 - 2.000.000 tấn dầu thô, đáp ứng 15 - 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 – 2030.
Đồng thời, đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 800.000m3 sản phẩm xăng, dầu và 2.000.000 - 3.000.000 tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Với hạ tầng dự trữ khí đốt, kho dự trữ quốc gia sẽ đảm bảo sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.
Ngoài ra, đảm bảo hạ tầng dự trữ LNG đủ năng lực nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu khí nguyên liệu cho năng lượng và các ngành công nghiệp với công suất kho tới 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021 - 2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng, dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp, dân dụng.

Cần khoảng 12 tỷ USD cho kho xăng dầu, khí đốt quy mô lớn

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng, dầu phân bố tương ứng với nhu cầu sản xuất và tiêu thụ xăng dầu của các vùng, các địa phương; tối ưu về chi phí đầu tư, quản lý và vận hành.
Cụ thể, các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu xây dựng hệ thống kho dự trữ theo công suất thiết kế, đáp ứng 15 ngày nguyên liệu và 10 ngày sản phẩm.
Về hạ tầng dự trữ quốc gia, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu.
Việt Nam cũng sẽ xây mới 1 - 2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn) với tổng công suất 1 - 2 triệu tấn dầu thô.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2023
Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ bị gián đoạn hoạt động
Với hạ tầng dự trữ thương mại, sẽ tiếp tục khai thác 89 kho hiện có. Mở rộng 43 kho với tổng công suất tăng thêm khoảng 1,4 triệu m3. Xây mới 59 kho xăng dầu đã được quy hoạch, với tổng công suất khoảng 5,1 triệu m3.
Ngoài ra, hệ thống đường ống xăng dầu hiện có với gần 581 km sẽ được đầu tư nâng cấp; sau đó xây mới tuyến ống dẫn nhiên liệu bay từ kho đầu nguồn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu về kho sân bay Long Thành.
Với hệ thống khí đốt, giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam sẽ sẽ tiếp tục khai thác 16 kho LPG hiện có; đầu tư, xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng dự trữ LNG tại Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với tổng công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm. Mở rộng sức chứa các kho hiện có và xây mới hệ thống kho nhập khẩu LNG.
Chính phủ lưu ý, để phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 theo quy hoạch, cần nguồn vốn khoảng 270.000 tỷ đồng, chủ yếu từ vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ dành riêng cho hạ tầng dự trữ quốc gia.
Chính phủ nêu rõ, việc tổ chức thực hiện Quy hoạch này sẽ do Bộ Công Thương chủ trì, chịu trách nhiệm, phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала