Ở Nga luôn ghi nhớ những ngày trọng đại của lịch sử Việt Nam

Ngày 5 tháng 8 năm 1964 ghi đậm chiến công bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời Việt Nam DCCH. Ngay từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, các chuyên gia và cố vấn quân sự Nga tham gia hoạt động chiến sự tại Việt Nam đã quyết định tổ chức cuộc hội ngộ hàng năm chính vào ngày này.
Sputnik
Sau mấy năm không thể gặp gỡ do vướng đại dịch coronavirus, ngày 5 tháng 8 năm nay đã diễn ra cuộc gặp lần thứ 51. Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi đã ưu ái dành địa điểm đẹp nhất, và lần này các cựu chiến binh Nga của chiến tranh Việt Nam gặp nhau tại Hội trường lớn trong khuôn viên Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam ở Matxcơva.

Bao nhiêu người hồi đó và bao nhiêu hôm nay?

Theo số liệu chính thức, từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 12 năm 1974, có 6.359 tướng lĩnh và sĩ quan cùng khoảng 5.000 hạ sĩ quan và chiến sĩ của Lực lượng Vũ trang Liên Xô đã tham gia Chiến tranh Việt Nam. Biểu dương thành tích phục vụ này, ghi công giúp đỡ dành cho Việt Nam, khoảng 2.200 quân nhân Xô-viết đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước của Liên Xô và hơn 3.000 huân huy chương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
"Thời gian trôi không dừng lại. Nửa thế kỷ qua, chỉ còn khoảng 150 người vẫn hiện diện trong hàng ngũ Hiệp hội: ở thủ đô và khu vực Matxcơva, ở Saint-Peterburg và Novosibirsk, Ekaterinburg và Tver, Kazan và Bryansk. Phần lớn số này đã tề tựu tại cuộc gặp ở Matxcơva", - ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh Nga trong Chiến tranh Việt Nam tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Không bỏ sót nhất cử nhất động của tàu sân bay Mỹ

Cho đến cuối những năm 60, ông Pyotr Saburov đã phục vụ 4 năm trong lực lượng tình báo hải quân của Lực lượng Vũ trang Liên Xô. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông nói:

"Nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi hoạt động của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Vịnh Bắc Bộ và căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam. Mà khi đó cả GLONASS lẫn Internet đều chưa có. Nếu phát hiện tàu sân bay, cần tiếp cận nó ở khoảng cách gần và đứng ghi lại toàn bộ quá trình máy bay cất cánh từ boong tàu. Chúng tôi công tác dưới danh nghĩa là các chuyên gia khoa học thủy văn. Tất nhiên người Mỹ hiểu rõ chúng tôi là ai, một tàu chiến của Hạm đội 7 Hoa Kỳ lập tức bám sát nhưng họ không dám động đến chúng tôi. Toàn bộ thông tin thu thập được - lúc nào, cơ số bao nhiêu, loại máy bay nào cất cánh và theo hướng nào - chúng tôi đều báo về Vladivostok, tiếp đó dữ liệu truyền đến Matxcơva rồi từ thủ đô Liên Xô truyền tới thủ đô Việt Nam. Chặng đường dài như vậy, nhưng chỉ trong vòng một phút thông tin quan trọng đã kịp đến Hà Nội".

Đào tạo chuyên gia tên lửa Việt Nam và trau dồi nghiệp vụ của chính mình

Ông Valery Lupenkov được cử sang Việt Nam khi 25 tuổi, là sĩ quan tên lửa và huấn luyện viên thực hành.

"Tôi và các đồng ngũ nhận trọng trách đào tạo các chuyên gia lửa tương lai của Việt Nam, dạy họ cách thiết lập hệ thống tọa độ của trạm dẫn đường cho tên lửa. Cá nhân tôi đã tham gia 9 trận đánh: ở tỉnh Hà Bắc bấy giờ, cách Khu gang thép Thái Nguyên 20 km. 7 trận do kíp chuyên gia tên lửa Liên Xô đảm trách, bộ đội Việt Nam đứng sau để học tập. Chúng tôi bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Sau đó, 2 trận do kíp chiến sĩ Việt Nam thực hiện. Các đồng chí Việt Nam không chỉ học rất nhanh mà còn dạy cho chúng tôi kinh nghiệm thực tế rất thú vị nữa. Ví dụ, nếu mục tiêu là một máy bay trinh sát không người lái có bề mặt phản xạ nhỏ, thì không nên phóng tên lửa đón lõng phía trước nó mà nên phóng đuổi theo".

Những trang sử vàng
Năm 1905: Tuần dương hạm Rạng Đông trên bờ biển Việt Nam

15 trận - 11 chiến thắng

Năm 1966, sĩ quan hướng dẫn tên lửa Vadim Sherbakov được cử sang Việt Nam. Do thành tích phục vụ tại nước bạn, ông đã được trao tặng Huân chương Lênin, phần thưởng cao nhất của Liên Xô.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông kể:

"Tôi đã tiến hành 15 trận đánh. Những trận đầu đều do chúng tôi khai hỏa, sau đó là bộ đội Việt Nam thực hành kinh nghiệm của chúng tôi. Nhưng với tư cách là sĩ quan dẫn hướng, tôi đã tham gia tất cả các trận, hạ ít nhất 11 máy bay Mỹ. Đó là thời gian khó khăn vất vả nhưng tuyệt vời ở một đất nước tươi đẹp, cùng sát cánh với những con người anh dũng. Năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã mời nhóm cựu chiến binh Nga sang thăm đất nước. Rất vui mừng được gặp lại các đồng đội cùng trung đoàn từ Lực lượng Tên lửa Việt Nam. Tôi ước được thăm Việt Nam một lần nữa".

Cho đến cuối "cuộc chiến trên không" của Hoa Kỳ, số lượng máy bay Mỹ bị tên lửa Liên Xô bắn hạ ở Việt Nam đã lên tới 1.300 chiếc. Trong số đó có 54 máy bay ném bom chiến lược B-52, khét tiếng là «pháo đài bay».
Đúng 100 năm trước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga Xô viết

Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là người bạn chân thành của Nga

Trong lời phát biểu tại cuộc gặp, ông Đặng Minh Khôi Đại sứ Việt Nam tại LB Nga đã nói về sự hỗ trợ chí tình chí nghĩa và hiệu quả mà Liên Xô đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng cam go nhất của lịch sử đất nước.

"Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự giúp đỡ vô giá đó. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn các chuyên gia và cố vấn quân sự Liên Xô và Nga đã đến với quân dân nước chúng tôi trong thời chiến. Đóng góp to lớn của họ vào thắng lợi của chúng tôi, cũng như sự hợp tác của các nước và các dân tộc chúng ta trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đã trở thành điển hình sinh động và là biểu tượng về tình hữu nghị và đoàn kết giữa các nước chúng ta. Tôi sinh năm 1964. Hai lần sơ tán khỏi Hà Nội. Tôi nhớ rất rõ vụ ném bom "trải thảm Giáng sinh" của Mỹ vào Hà Nội năm 1972. Nhưng chúng ta đã đứng vững, thủ đô Việt Nam được bảo vệ, miền Nam và miền Bắc đã thống nhất. Trong sự nghiệp đạt thành tựu vĩ đại của quân dân Việt Nam có công lao đóng góp to lớn của các chuyên gia, cố vấn quân sự Liên Xô, trang thiết bị quân sự của Liên Xô", - ông Đặng Minh Khôi bày tỏ.

Việt Nam ngày nay là kết quả của việc Hồ Chí Minh đến Nga cách đây 100 năm

"Ngày nay, quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga tiếp tục phát triển năng động, bất chấp mọi thử thách và khó khăn. Nhân dân Việt Nam luôn là người bạn thân thiết của nước Nga, bất chấp mọi biến động trên thế giới. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với LB Nga vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên hành tinh của chúng ta. Một ví dụ về điều này là lễ khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh gần đây ở Saint-Peterburg. Chúng tôi mong đón ông Volodin Chủ tịch Duma Quốc gia Nga tới thăm Việt Nam vào cuối năm nay. Vượt lên các lệnh trừng phạt chống Nga, hợp tác của chúng ta trong những lĩnh vực khác cũng đang được mở rộng và đang đạt kết quả tốt", - ông nói.

Tổng kết buổi gặp, Đại sứ Đặng Minh Khôi lưu ý rằng đông đảo người Việt Nam hiện nay sinh ra sau Chiến thắng năm 1975, họ không biết chiến tranh là gì. Và buổi gặp hội ngộ hôm nay sẽ giúp các bạn trẻ đó biết thêm những khía cạnh mới về đức xả thân hy sinh vì đại nghĩa của các thế hệ tiền bối, những khía cạnh mới về sự giúp đỡ chân thành mà Liên Xô và Nga dành cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước quang vinh của quân dân Việt Nam.
Thảo luận