Cục Hàng không hé lộ nguyên nhân gây bong tróc đường băng sân bay Vinh

HÀ NỘI (Sputnik) - Liên quan đến sự cố bong tróc đường băng tại sân bay Vinh xảy ra hôm 3/7, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra nguyên nhân sau gần 1 tháng các đơn vị kiểm tra, đánh giá trực tiếp tại hiện trường.
Sputnik
Báo cáo sự cố và công tác khắc phục hư hỏng đường băng sân bay Vinh gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không cho biết đầu 17 đường băng bị bong bật bê tông nhựa với diện tích khoảng 41,6m2 (rộng 5,2 mét, dài 8 mét).
Sự cố được đánh giá đây ở mức C (uy hiếp an toàn dẫn đến việc tạm thời đóng cửa sân bay) làm 21 chuyến bay bị hủy. Sân bay Vinh đóng cửa đường băng trong 24 tiếng để sửa chữa.
ACV đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC rà soát lại toàn bộ hồ sơ, kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không nguyên nhân sơ bộ ban đầu.
Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế sân bay là Công ty TNHH MTV thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) cho rằng, sau khoảng 5 năm khai thác kể từ thời điểm duy tu sửa chữa gần nhất, bề mặt đường băng sân bay Vinh đã có dấu hiệu xuống cấp. Lớp bê tông nhựa trên cùng dày 7cm không liên kết dính bám với lớp bê tông bên dưới.
Cộng thêm yếu tố về thời tiết nắng nóng tại Vinh đã làm giảm sức chịu tải của mặt đường, khiến lớp bê tông nhựa mặt đường dễ hằn lún, biến dạng và bong bật.
Sân bay Vinh khai thác trở lại sau sự cố nứt đường băng từ 7h sáng nay
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, các yếu tố trên kết hợp với việc vị trí hư hỏng nằm tại nơi máy bay quay đầu và cất cánh (vị trí xung yếu, chịu lực kéo ngang và chịu tải trọng lớn khi cất cánh) càng dễ gây hư hỏng, biến dạng, bong bật bê tông nhựa mặt đường bên trên.
Theo ACV, sau khoảng 5 năm khai thác từ thời điểm duy tu (giai đoạn 1), lớp bê tông nhựa của đường băng sân bay Vinh đã có dấu hiệu xuống cấp. Lớp bê tông nhựa trên cùng có bề dày 7cm có dấu hiệu không liên kết đính bám với lớp bê tông nhựa bên dưới.
Mặt khác, việc khai thác đường băng với tần suất lớn hơn tính toán khiến cho các hư hỏng phát triển nhanh hơn, làm giảm tuổi thọ công trình và giảm thời gian cần sửa chữa định kỳ (từ 5 năm có thể xuống còn 2-3 năm).
Theo ACV, đơn vị hiện chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố. Các vấn đề nêu trên đều là đánh giá sơ bộ.
Đường băng sân bay Vinh bị nứt do nắng nóng
Để làm rõ được các nguyên nhân hư hỏng đường băng sân bay Vinh, cần có đánh giá cụ thể, toàn diện bởi đơn vị có đủ kinh nghiệm, năng lực.
Bên cạnh đó, qua rà soát của ACV, Cục Hàng không xét thấy hệ thống đường băng, đường lăn tại các sân bay (trừ sân bay Vân Đồn, Nội Bài và Tân Sơn Nhất mới đưa vào khai thác hoặc mới được làm lại) đều được xây dựng và đưa vào khai thác từ rất lâu, đã hết tuổi thọ thiết kế và đã xuất hiện tình trạng hư hỏng.
Vì vậy cần phải được rà soát, đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch, phương án sửa chữa lớn, nâng cấp nếu cần thiết.
Thảo luận