TP.HCM đồng ý cho HURC1 "mượn nóng" 16 tỷ đồng

Hết tiền, đơn vị vận hành Metro số 1 là Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) đã phải xin Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh xem xét cho mượn tạm 16 tỷ đồng.
Sputnik
Hiện dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã đạt gần 96% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm nay và khai thác thương mại vào đầu năm 2024.

Thành uỷ TP.HCM cho đơn vị vận hành Metro số 1 mượn 16 tỷ đồng

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đề cập trong báo cáo về tình hình triển khai dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) cho biết thông tin hết sức đáng chú ý.
Theo Lao động tham chiếu thông tin của MAUR, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chấp thuận cho công ty vận hành Metro số 1 mượn 16 tỷ đồng từ quỹ dự trữ ngân sách Đảng của Đảng bộ TP.HCM.
Số tiền 16 tỷ đồng quý báu này được kỳ vọng giúp công ty đơn vị vận hành Metro số duy trì hoạt động trong thời gian chờ bổ sung vốn điều lệ.
Trước đó, do hết tiền hoạt động, ngày 26/5/2023, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) đã có công văn kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận và báo cáo Ban cán sự đảng UBND Thành phố và Thường trực Thành ủy cho công ty được tạm mượn 16 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ ngân sách Đảng của Đảng bộ Thành phố.
Đến ngày 8/7/2023, Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã trình Thường trực Thành ủy TPHCM xem xét, chỉ đạo về vấn đề này.
Ngày 7/8/2023, Văn phòng Thành ủy TP.HCM thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về việc cho Công ty HURC1 mượn 16 tỷ đồng theo đề nghị của Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM.
Metro số 1 bị nhà thầu Hitachi làm khó, Việt Nam làm việc với phía Nhật Bản

Nợ lương, thiếu tiền suốt 2 năm trời

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khởi công năm 2012, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Toàn tuyến dài khoảng 20 km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao).
Theo MAUR, số tiền 16 tỷ được Công ty HURC1 dự trù cho nhu cầu sử dụng đến tháng 9 nhằm trả nợ bảo hiểm, lương của người lao động và tuyển dụng nhân sự tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ liên quan đến tuyến metro số 1.
Như đã biết, công ty HURC1 được UBND TPHCM lập năm 2015 để tổ chức nhân lực quản lý và vận hành Metro số 1, ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2018.
Sau khi ra đời, đơn vị vận hành Metro số 1 được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản. Kinh phí vận hành công ty sẽ được lấy từ nguồn khi Metro số 1 hoạt động.
Tuy nhiên, do Metro số 1 chậm tiến độ so với dự tính, HURC1 không có doanh thu, trong khi nguồn vốn ban đầu đã sử dụng hết từ tháng 8/2021.
Như vậy, từ đó đến nay đã 2 năm, người lao động Công ty HURC1 không được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội.
Như Sputnik đề cập trước đó, hiện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đang nợ hàng tỉ đồng tiền bảo hiểm, chưa tính các khoản nợ lương nhân viên.
Việt Nam xây đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Sớm hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi

HURC1 sẽ được bổ sung 268 tỷ đồng

Liên quan đến kế hoạch bổ sung vốn điều lệ cho Công ty HURC1, ngày 1/7/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao UBND TP.HCM rà soát, quyết định mức vốn điều lệ phù hợp tiến độ thực tế của tuyến Metro số 1 cũng như quy định về mức vốn tối thiểu khi thành lập công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Ngày 7/8, Công ty HURC1 đã báo cáo và đề xuất UBND TPHCM xem xét, chấp thuận mức vốn điều lệ cho công ty là 268 tỷ đồng.
Hiện UBND TP.HCM đã giao Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ban Quản lý đường sắt đô thị, tham mưu điều chỉnh Quyết định số 6339/QĐ-UBND ngày 1/12/2015 về vốn điều lệ thành lập Công ty HURC1 làm cơ sở để trình HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp tháng 9/2023 này.
Nhà chức trách đánh giá, việc sớm bổ sung vốn điều lệ cho Công ty HURC1 rất cấp bách trong bối cảnh toàn dự án Metro số 1 hiện đạt gần 96% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và khai thác thương mại năm 2024.
Công ty HURC1 đang cần kinh phí để chuẩn bị nhân sự đào tạo, nhận chuyển giao công nghệ vận hành dự án.
MAUR lưu ý, để công trình về đích đúng hẹn vào cuối năm nay và vận hành thương mại năm 2024, kế hoạch thực hiện các gói thầu thi công và công tác thử nghiệm, chuyển giao vận hành đã được xây dựng cụ thể.
Theo đó, gói thầu CP1b (Ga Nhà hát TPHCM đến ga Ba Son) sẽ hoàn thành vào tháng 9. Các gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành - ga Nhà hát TP) và gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) sẽ hoàn thành vào tháng 10.
Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) sẽ hoàn thành vào tháng 12. Công tác chạy thử trên toàn tuyến dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 9, khai thác thử toàn tuyến vào tháng 12.
Việc đào tạo cho nhân viên vận hành phải hoàn thành vào tháng 12. Giữa tháng 3, MAUR, Liên danh nhà thầu NJPT phối hợp Công ty HURC1 và Trường Cao đẳng Đường sắt tổ chức Lễ Khai giảng lớp Kỹ thuật viên điều độ (phụ trách công tác giám sát và điều khiển tàu) gồm 19 học viên và lớp Quản lý nhà ga gồm 9 học viên.
Trước đó, Trường Cao đẳng Đường sắt tổ chức đào tạo cho 57 học viên lái tàu metro. Sắp tới có thêm 291 nhân sự phụ trách bán vé, an toàn vận hành được tuyển chọn và cử đi đào tạo bảo đảm đúng tiến độ đưa tuyến metro số 1 vào vận hành.
Trung Quốc sắp xây xong đường sắt cao tốc nối thẳng đến biên giới với Việt Nam

Đề xuất giá vé Metro số 1

Mới đây, hôm 10/8, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi một số đơn vị về góp ý về dự thảo tờ trình và quyết định ban hành giá vé vận tải hành khách trên tuyến Metro số 1.
Theo đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất, Metro số 1 sẽ có 3 loại vé, gồm: Vé lượt, vé ngày và vé tháng: giá 12.000 đồng/lượt cho cự ly dưới 5 km; cự ly lớn hơn 5 km - 10 km, giá 14.000 đồng; cự ly 10 km - 15 km, giá 16.000 đồng và cự ly lớn hơn 15 km, giá 18.000 đồng.
Ngoài ra, giá vé ngày là 40.000 đồng, giá vé 3 ngày là 90.000 đồng và giá vé 1 tháng là 260.000 đồng (không giới hạn lượt đi).
Để khuyến khích người dân sử dụng metro số 1 làm phương tiện đi lại, Sở GTVT đề xuất ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% giá vé với đối tượng chính sách xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi.
Đối với học sinh, sinh viên cũng được đề xuất ngân sách hỗ trợ giá vé theo mức giảm 25% như vé xe buýt đang áp dụng hiện nay giữa vé tháng và vé lượt.
Về thời gian thực hiện, Sở GTVT TP.HCM đề xuất áp dụng mức giá vé này tối thiểu 3 năm và tối đa là 5 năm kể từ ngày tuyến metro chính thức hoạt động.
Thảo luận