Trung Quốc sắp xây xong đường sắt cao tốc nối thẳng đến biên giới với Việt Nam
© Ảnh : CGTNMột phần tuyến đường sắt Phòng Thành Cảng - Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, trong quá trình xây dựng
© Ảnh : CGTN
Đăng ký
Phòng Thành Cảng - Đông Hưng, tuyến đường sắt cao tốc trực tiếp đầu tiên đến biên giới Việt – Trung, vừa được phía Trung Quốc lắp đường ray hôm 8/8/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong cuối tháng 9/2023.
Phòng Thành Cảng - Đông Hưng, tuyến đường sắt cao tốc trực tiếp đầu tiên đến biên giới Việt – Trung, vừa được phía Trung Quốc lắp đường ray hôm 8/8/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong cuối tháng 9/2023.
Tuyến đường sắt đang được Trung Quốc thần tốc thi công có tổng chiều dài 46,9 km, tốc độ thiết kế 200 km/h. Cơ sở hạ tầng đang xây dựng được chuẩn bị sẵn để nâng tốc độ lên 250 km/h trong tương lai, theo đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh.
Trung Quốc sắp hoàn thành đường sắt cao tốc đến biên giới Việt-Trung
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc ngày 8 và ngày 9/9 đưa tin cho biết, Bắc Kinh đang thi công đường sắt cao tốc nối thẳng đến biên giới với Việt Nam.
Đây cũng là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên chạy thẳng đến biên giới Việt – Trung của Trung Quốc. CGTN, Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã đồng loạt cho hay, đoạn đường ray dài 500 mét đã được phía Trung Quốc lắp đặt trên tuyến đường sắt cao tốc giữa Phòng Thành Cảng và Đông Hưng, ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
"Việc thi công lắp đường ray cho tuyến tàu cao tốc mới nối biên giới Trung Quốc-Việt Nam bắt đầu từ ngày 8/8 (hôm thứ Ba) tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc", - Tân Hoa Xã xác nhận.
Tuyến đường sắt Fangdong (Phòng Đông) sẽ nối các thành phố Fangchenggang (Phòng Thành Cảng) và Dongxing (Đông Hưng) của Quảng Tây, cách nhau gần 47 km.
Chiều dài đường ray dự kiến kéo dài hơn 106 km, có 8 đường hầm và 32 cây cầu. Tuyến đường sắt này nằm dọc theo biên giới và bờ biển, địa hình phức tạp, tỷ lệ cầu và hầm chiếm tới 68%. Đến nay, các dự án hầm và cầu trên toàn tuyến về cơ bản đã hoàn tất.
Theo Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Nam Ninh Trung Quốc, việc lắp đặt đường ray dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9 năm nay.
Đến nay, việc xây dựng các đường hầm và cầu đã hoàn thành, trong khi 90% dự án nền đường đã hoàn thành.
Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối thẳng đến biên giới Việt - Trung
Đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên chạy thẳng đến biên giới Trung Quốc - Việt Nam.
Tuyến đường sắt cao tốc này hiện đang trong giai đoạn xây dựng cuối cùng và dự kiến sẽ khai trương vào cuối năm nay - trang web của Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (en.gxzf.gov.cn) xác nhận.
"Tuyến đường sắt (nối với biên giới Việt – Trung – PV) sẽ sẵn sàng bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối tháng 12 năm 2023", - Tân Hoa Xã cho biết.
Tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng là 200 km/h, thời gian di chuyển giữa hai thành phố sẽ rút ngắn từ một giờ xuống còn chỉ khoảng 20 phút. Tuy nhiên, theo Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh, cơ sở hạ tầng đang xây dựng được chuẩn bị sẵn để nâng tốc độ lên 250 km/h trong tương lai.
"Đông Hưng nằm trên tuyến biên giới Trung Quốc-Việt Nam. Do đó, tuyến vận tải đường sắt cao tốc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại và trao đổi giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á (ASEAN)", - Tân Hoa Xã nhấn mạnh.
© Ảnh : People's Government of Guangxi Zhuang Autonomous RegionMột đoạn của tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng
Một đoạn của tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng
Trung Quốc vui mừng vì Việt Nam thống nhất kết nối đường sắt với Bắc Kinh
Theo Thời báo Hoàn Cầu, dự án đường sắt Cảng Phòng Thành – Đông Hưng là một trong những dự án trọng điểm của "Phương án thực hiện thúc đẩy xây dựng chất lượng cao tuyến đường bộ, đường biển mới miền Tây trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025)" của Trung Quốc.
Như vậy, khi thành phố biên giới Đông Hưng kết nối với mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc, khoảng cách giữa đường sắt cao tốc của nước này với đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái của Việt Nam sẽ rút ngắn xuống còn 5 km, giúp việc đi lại giữa Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ cũng như Khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc với thị trường ASEAN trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Qua đó, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai bên.
Thời báo Hoàn Cầu lưu ý, đường sắt Trung Quốc-Lào hiện là tuyến đường sắt chính của Trung Quốc tới ASEAN.
Theo China Railway, trong 20 tháng đầu tiên hoạt động, tuyến đường sắt này đã vận chuyển 19 triệu hành khách và 23 triệu tấn hàng hóa.
Từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 3 tháng 8, tuyến đường sắt đã vận chuyển 2,5 triệu tấn hàng hóa xuyên biên giới, thúc đẩy lưu lượng hàng hóa bao gồm trái cây nhiệt đới, quặng sắt, bột sắn và cao su.
"Thành công của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong khu vực. Ngày càng nhiều động thái mới được Việt Nam tiến hành nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam nối thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh", - Global Times lưu ý.
Vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc và Việt Nam đã công bố nỗ lực chung để đẩy nhanh dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Hai bên thống nhất sớm hoàn tất việc rà soát quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, thảo luận về việc sửa đổi hiệp định đường sắt song phương năm 1992 và đồng thuận về kế hoạch kết nối hai nền kinh tế.
Giới chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao kết quả đạt được với Việt Nam về việc tăng cường kết nối với Bắc Kinh bằng hệ thống đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435m), khác với đường sắt khổ 1.000m trong nước, qua đó thúc đẩy giao thương hợp tác và đi lại giữa hai bên.