Bất chấp các điều kiện khó khăn bên ngoài, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, dòng kiều hối đổ về Việt Nam có thể đạt 14 tỷ USD trong năm 2023.
Cán cân thanh toán của Việt Nam được cải thiện
Thông tin tại Báo cáo Điểm lại tháng 8/2023 "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng", nhóm các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, cán cân thanh toán của Việt Nam được cải thiện trong quý đầu năm 2023, nhờ thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên.
Theo WB, tài khoản vãng lai đạt thặng dư ước tính ở mức 1,5% GDP của năm 2022 trong quý 1 năm 2023, nhờ cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện (do nhập khẩu giảm nhiều hơn so với xuất khẩu), dòng kiều hối vẫn duy trì (ước đạt 2,7 tỷ USD).
Đồng thời, thâm hụt tài khoản thương mại dịch vụ giảm xuống khi số lượt du khách quốc tế nhập cảnh tiếp tục phục hồi, đạt 5,6 triệu lượt trong nửa đầu năm 2023 so với 0,6 triệu lượt nửa đầu năm 2022.
"Tài khoản tài chính vẫn đảm bảo thặng dư do giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn ổn định", - WB cho biết.
Cân đối tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán và tỷ giá
© Ngân hàng Nhà nước (WB)
Ngân hàng Thế giới lưu ý, Việt Nam ghi nhận khoản mục sai sót ròng ở mức lớn (7,5 tỷ USD trong quý đầu năm 2023).
Cân đối tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán và tỷ giá
© Ngân hàng Nhà nước (WB)
Mục sai sót ròng ở mức cao trong quý 1/2023 tương đương với các mức cao trong quý 2, 3, 4 năm 2022 (lần lượt ở mức -8,9 tỷ USD, - 12,4 tỷ USD và - 7,2 tỷ USD), qua đó cho thấy dòng vốn phi chính thức đang chạy ra ngoài thậm chí trước khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm lãi suất chính sách vào giữa tháng 3/2023.
Mặc dù khoản mục sai sót ròng có tăng lên, nhưng thặng dư trên cả tài khoản vãng lai và tài khoản tài chính đã hỗ trợ làm tăng thặng dư cán cân thanh toán tổng thể, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước nâng dự trữ ngoại hối (từ 87,1 tỷ USD vào cuối quý 4 năm 2023 lên 88,7 tỷ USD vào cuối quý 1 năm 2023, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu.
Ngân hàng Thế giới nhận định, nhập khẩu chững lại và cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt hơn được Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2022, cho phép giao dịch xoay quanh tỷ giá trung tâm với biên độ +5%/-5%, qua đó góp phần giúp cho thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2023.
Kiều hối về Việt Nam có thể đạt 14 tỷ USD
Nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ từng bước phục hồi từ quý 4 năm 2023 và lấy được đà tăng vào cuối năm 2024, giúp thương mại hàng hóa gia tăng và góp phần cải thiện cán cân thương mại.
Bên cạnh đó, số lượt du khách quốc tế được dự báo tiếp tục tăng. Nguồn kiều hối dự kiến đạt 14 tỷ USD trong năm 2023 và 14,4 tỷ USD trong năm 2024.
Kiều hối ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Những yếu tố này góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam thặng dư nhỏ trong năm 2023.
WB khuyến cáo rủi ro đối với tăng trưởng đã trở thành hiện thực và cán cân rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn nghiêng theo hướng tiêu cực.
Cụ thể, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam, với quy mô ước lên đến 50% GDP.
Đồng thời, theo WB cũng lưu ý, việc Trung Quốc phục hồi yếu làm gia tăng rủi ro cho Việt Nam.
"Trong điều kiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, quá trình phục hồi yếu ớt sau đại dịch của quốc gia này tiếp tục diễn ra sẽ làm tăng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", - WB bày tỏ.
Tình trạng bất ổn định kéo dài trên thị trường tài chính toàn cầu, có khả năng lại làm dấy lên căng thẳng trong khu vực ngân hàng trên toàn cầu, càng khiến cho các nhà đầu tư né tránh rủi ro và làm hạn chế dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Thêm vào đó, chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn nhằm chống lạm phát kéo dài có thể làm gia tăng chênh lệch lãi suất hiện hành giữa các thị trường trong nước và quốc tế. Điều này có thể gây áp lực tỷ giá lên đồng nội tệ (VND).
Theo WB, căng thẳng địa chính trị leo thang và thiên tai liên quan đến khí hậu có thể làm gia tăng rủi ro theo hướng tiêu cực cho Việt Nam, bao gồm thông qua gia tăng giá cả lương thực thực phẩm và nhiên liệu.
Việt Nam trong top các nước nhận kiều hối nhiều nhất
Theo thống kê, tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài) đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay.
Trong giai đoạn hơn 10 năm (2011 - 2022), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7%/năm.
Trước đó, năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2022 theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) đạt khoảng 19 tỷ USD, cao hơn 4,4% so với năm 2021 (là 18 tỷ USD).
Theo đó, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Chuyên gia và lãnh đạo các tổ chức tài chính, tín dụng nhận định rằng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều là một nguồn lực hết sức quan trọng.
Kiều hối không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối cho những tình huống cần thiết.
Thống kê cho thấy, trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất.
Tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Riêng về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối đổ về chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…