Vị trí của Việt Nam đã thay đổi, FDI tiếp tục đổ về
© iStock.com / Holger Kleine Tiền VND
© iStock.com / Holger Kleine
Đăng ký
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, với các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thay đổi chính sách, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam.
FDI phục hồi
Như Sputnik thông tin, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20/7/2023 gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đăng ký cấp mới có 1627 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,77 tỷ USD, chiếm 85,3% tổng vốn đăng ký cấp mới, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 453,2 triệu USD, chiếm 5,7%; các ngành còn lại đạt 716,6 triệu USD, chiếm 9%.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2023 ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,48 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn FDI thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 778,3 triệu USD, chiếm 6,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 565,5 triệu USD, chiếm 4,9%.
Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,36 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,57 tỷ USD, chiếm 19,8%; Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 850,2 triệu USD, chiếm 10,7%; Đài Loan: 641 triệu USD, chiếm 8,1%; Nhật Bản 493,3 triệu USD, chiếm 6,2%.
Đánh giá về dòng vốn FDI tháng 7 tăng trở lại sau nhiều tháng giảm, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng thông tin với TTXVN cho biết, để có mức tăng này là do cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời, linh hoạt với các giải pháp tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã nắm bắt được những khó khăn, đồng thời, tháo gỡ kịp thời, từ đó tạo niềm tin cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, giải ngân đầu tư.
“Nhờ đó, các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng”, Cục trưởng Đỗ Thắng Hoàng cho biết.
Ông Hoàng dẫn chứng, trong 7 tháng vừa qua, Việt Nam đã có những chỉ số rất tích cực như: tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, giảm 42,5% so với cùng kỳ. Có 1.627 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,14 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ.
Theo số liệu tập hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, trong tổng vốn đầu tư, có nhiều nhà đầu tư lớn nhưng phần lớn là các doanh nghiệp tầm trung và hầu hết tập trung vào các đối tác truyền thống trong khu vực của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore.
“Còn các nhà đầu tư nước ngoài ở châu Âu, Mỹ cũng đến đầu tư nhưng họ thường thông qua nước thứ ba, như có thể thông qua Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) chứ không trực tiếp từ Hoa Kỳ hay châu Âu”, Cục trưởng lý giải.
Việt Nam đang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Nhận xét về nỗ lực của Việt Nam trong thu hút FDI, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam luôn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thế mạnh là sự ổn định về chính trị, xã hội.
“Việt Nam đang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư”, Theo Cục trưởng Hoàng, Việt Nam đã có những giải pháp rất đúng đắn và kịp thời, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện 3 đột phá chiến lược, đó là: thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Việt Nam cũng triển khai đối thoại chính sách, cải thiện môi trường đầu tư cũng như tháo gỡ những khó khăn về hạ tầng, phòng cháy chữa cháy, giấy phép lao động, vấn đề về visa nhập cảnh… cũng như việc chúng ta chuẩn bị sẵn các điều kiện để đón các nhà đầu tư như: chuẩn bị đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ; đồng thời, cải thiện các thủ tục đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục; thành lập các tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho hay, Việt Nam đang hướng đến thu hút đầu tư có chọn lọc, cải thiện xúc tiến đầu tư theo hướng chọn lựa một số lĩnh vực và cân đối thu hút đầu tư liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo…
“Cục Đầu tư nước ngoài sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để lựa chọn các tập đoàn có tiềm năng, có năng lực về tài chính, có quản trị hiện đại và chủ động tiếp cận qua các kênh để mời các đối tác đầu tư vào Việt Nam; đồng thời, trao đổi để triển khai các dự án đầu tư thuận lợi”, nhà chức trách cho biết.
Cùng với đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đang tích cực triển khai các hệ thống thông tin để ứng dụng các thủ tục online, phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Với tất cả những biện pháp trên, cùng với những giải pháp khác nữa sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư sắp tới thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể.
“Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam”, Cục trưởng nêu rõ.
Dẫn chứng, ông Đỗ Nhất Hoàng thông tin, kết quả khảo sát năm 2022 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN.
Việt Nam có lợi thế về tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu; 56,5% doanh nghiệp sẽ xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn, đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cho thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, số hóa nhằm tiết kiệm nhân lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất…
Còn theo khảo sát tháng 1/2023 về môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.
“Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua”, ông Đỗ Nhất Hoàng bày tỏ.
Triển vọng tươi sáng
Thông tin về việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, ông Đỗ Nhất Hoàng cho hay, luôn ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng kỹ thuật cao tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghệ khi đầu tư tại Việt Nam sẽ được hưởng những cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp.
Cục trưởng Hoàng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo các chính sách liên quan đến hỗ trợ đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài để tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới.
Đây là chủ trương đã có trong Luật Đầu tư từ nhiều năm nay. Và đặc biệt là trong Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu là thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các dự án công nghệ cao, chất lượng hiệu quả có sức lan tỏa, bảo vệ môi trường, có sự gia tăng cao…
“Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn cần được cập nhật, triển khai, đồng bộ để phù hợp với tình hình thực tế hơn”, ông Hoàng nêu quan điểm.
Nói về triển vọng thu hút đầu tư vào Việt Nam thời gian tới, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng lưu ý, điều cần thiết nhất với các doanh nghiệp FDI chính là nhân lực.
“Thế mạnh của Việt Nam là có nguồn nhân lực có năng suất lao động cao so với chi phí nhân công. Việt Nam cũng đang xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật và năng suất lao động của nguồn nhân lực; đặc biệt, sẽ chuyển đổi sang đào tạo dựa trên nhu cầu thực chất của doanh nghiệp, đào tạo có tính ứng dụng cao thay vì mô hình đào tạo như trước đây”, ông Hoàng chỉ rõ.
Cùng đó, với những nỗ lực, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cũng như cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng, các chính sách phù hợp… các nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
“Với tinh thần đó, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam sẽ có những khởi sắc tích cực”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài tin tưởng.