AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiệu ứng domino sẽ mở ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân?

Hoa Kỳ đang chuẩn bị làm "trật bánh" Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) để rộng đường phát triển dự án hạt nhân trong khuôn khổ khối quân sự AUKUS, đặc biệt là họ đang cố gắng lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc vào khối này.
Sputnik
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố như vậy khi phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Matxcơva. Những rủi ro như vậy xuất hiện sau khi khối quân sự mới gồm Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) hình thành vào tháng 9-2021. Khi đó Úc bất ngờ hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm diesel của Pháp và tuyên bố ý định thành lập hạm đội tàu ngầm hạt nhân của riêng mình. Nhưng việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tự sản xuất có thể mất nhiều năm, vì vậy, trước tiên, Úc đã bày tỏ ý định mua một số tàu ngầm hạt nhân từ Hoa Kỳ theo thỏa thuận AUKUS. Về những rủi ro tiềm ẩn từ thỏa thuận này - trong tài liệu của Sputnik.
Giám đốc Dự án Phân tích của Cơ quan Truyền thông Chính trị và Kinh tế (APiEC) Mikhail Neizhmakov lưu ý rằng, thỏa thuận này có thể khiến các quốc gia phi hạt nhân có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

"Vào đầu tháng 8, bên lề cuộc họp Ủy ban trù bị cho Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ở Vienna, các đại diện của Nga và Trung Quốc đã trình bày một báo cáo chung về các mối đe dọa hạt nhân mà Bắc Kinh và Mátxcơva nhìn thấy trong kế hoạch AUKUS. Các tác giả của báo cáo khẳng định rằng, các bước xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Úc với sự hỗ trợ của các đối tác AUKUS "hạ thấp các rào cản chính trị và đạo đức đối với việc phổ biến vũ khí hạt nhân". Ở đây nói về "hiệu ứng domino" khi việc tăng cường tiềm năng quốc phòng của một nước trong khu vực, ngay cả nếu nước này không sở hữu vũ khí hạt nhân của chính mình, cuối cùng có thể tạo động lực để mở ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và khiến các quốc gia phi hạt nhân có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân", - ông Mikhail Neizhmakov nhận xét.

Chuyên gia: Tàu ngầm hạt nhân dành cho Úc sẽ lập tức biến thành "quan tài dưới đáy biển"

Vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Australia

Tổng biên tập tạp chí quốc phòng National Defense của Nga - ông Igor Korotchenko lưu ý rằng, những lo ngại mà Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov lên tiếng có liên quan đến dự án hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS cuối cùng có thể dẫn đến thực tế là Hoa Kỳ triển khai vũ khí hạt nhân ở Úc.
"Mỹ đã triển khai các đầu đạn hạt nhân tại các căn cứ của họ ở 5 quốc gia châu Âu. Theo một kế hoạch tương tự, các đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm và tàu nổi có thể được triển khai ở Úc, bởi vì Úc, giống như Nhật Bản, là thành trì chính của Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương. Đây là vũ khí hạt nhân chiến thuật, tuy nhiên, vũ khí này là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở khu vực Thái Bình Dương", - ông Korotchenko khẳng định.
Ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã tổ chức cuộc gặp trực tuyến nhằm thống nhất các nội dung chi tiết trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại khu nghỉ dưỡng Trại David, gần Washington, vào ngày 18/8 tới. Cuộc họp ba bên dự kiến ​​sẽ mở rộng đáng kể hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Washington tin rằng, điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Liệu có khả năng nào Hội nghị thượng đỉnh sẽ công bố việc Nhật Bản và Hàn Quốc gia nhập AUKUS?

"Mục đích của cuộc họp sắp tới tại Trại David đã được tuyên bố rất thận trọng - để thảo luận về các sáng kiến ​​chung trong lĩnh vực quốc phòng. Như các bạn đã biết, Tokyo và Seoul đang tích cực liên lạc không chỉ với Washington mà còn với nhau. Hợp tác Mỹ-Nhật, kể cả trong lĩnh vực quân sự, được biết đến rộng rãi. Nhưng điều đáng chú ý là London, một thành viên tích cực của AUKUS, cũng tìm cách liên hệ với phía Nhật Bản về các vấn đề quốc phòng. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace đã có chuyến viếng thăm Tokyo. Có chú ý đến sự tương tác này, không loai trừ khả năng trong tương lai gần Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tuyên bố về việc họ tham gia liên minh này. Mặc dù điều này không nhất thiết phải xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh ở Trại David", - Mikhail Neizhmakov bày tỏ.

Chuyên gia không loại trừ khả năng Australia sau này sẽ từ bỏ AUKUS

"Tất nhiên, điều này sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ cũng có đủ lý do cho sự phát triển của xu hướng này. Đổi lại, bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào giữa các khối (có tổ chức hoặc thực sự tồn tại), mà trong số các thành viên có những cường quốc hạt nhân, đều kích thích việc tăng "cơ bắp hạt nhân" của họ", - ông Mikhail Neizhmakov nói.

Theo tổng biên tập tạp chí quốc phòng National Defense ông Igor Korotchenko, xét theo mọi việc, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, AUKUS sẽ không ra tuyên bố về việc kết nạp Nhật Bản và Hàn Quốc, vì quy trình gia nhập có thể kéo dài khá lâu. Nhưng, Mỹ đang dồn nỗ lực nhằm tạo ra một khối rộng lớn hơn trong khu vực này, để hình thành một liên minh theo kiểu NATO ở châu Á.
"Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản coi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất" của nước này, và Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ và thậm chí thúc đẩy Nhật Bản đi theo hướng này. Và điều này, cùng với các hoạt động "quân sự hóa" Úc ngày càng tăng, tạo ra một tình huống nguy hiểm trong khu vực và trên thế giới. Đây là một thách thức nghiêm trọng không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với Nga. Đặc biệt là từ phía Nhật Bản, quốc gia tham gia chiến dịch trừng phạt chống Nga và đang dần gia tăng mức độ đối đầu với đất nước chúng tôi", - ông Igor Korotchenko nói.
Thảo luận