Câu chuyện thương lái Trung Quốc nay mua thứ này, mai mua thứ khác luôn là chủ đề nóng trên nhiều làng quê Việt Nam trong suốt chục năm qua. Danh sách những thứ lạ đời mà thương lái Trung Quốc tìm mua tại Việt Nam càng được nối dài. Từ giun đất, móng trâu bò, ốc bươu vàng, gỗ sưa, đỉa, rễ sim, hoa ngâu,…
Điểm chung của những cuộc giao dịch này là không hợp đồng, không ký kết, còn người dân không rõ Trung Quốc mua những thứ đó để làm gì.
Chiêu bài quen thuộc của những thương lái này là ban đầu tung tin mua với số lượng lớn, giá cao ngất ngưởng, khiến nhiều nông dân vì hám lợi trước mắt mà sẵn sàng thu gom các mặt hàng này hoặc tập trung sản xuất loại nông sản đang được tìm mua. Khi những thương lái nước ngoài bất ngờ không thu mua nữa, sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ, nông dân bị ép giá. Hệ lụy lớn hơn, chính là phá vỡ quy hoạch sản xuất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và lũng đoạn thị trường.
Trao đổi với Sputnik, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại cho rằng, việc thương lái Trung Quốc mua các thứ nông sản “kỳ lạ” không nhằm mục đích kinh doanh thuần túy mà là hướng đến việc phá hoại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Các hoạt động này đều tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân bằng, gây thiệt hại đến nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và tạo ảnh hưởng xấu đến các thương hiệu thương mại của Việt Nam.
“Ở đây cần phải xem xét có ảnh hưởng đến an ninh chính trị không?”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng, người Trung Quốc đến Việt Nam thu mua mua giun đất sấy khô để dùng làm thuốc đông y chữa bệnh tim mạch. Tuy nhiên, mục đích cụ thể của việc này là gì vẫn chưa được ai xác thực.
Ông Phú cũng thẳng thắn thừa nhận, rằng phản ứng của các, bộ ngành trước những chiêu trò kỳ quái của thương lái Trung Quốc còn quá chậm và chưa quyết liệt. Chính vì vậy những chiêu trò cũ vẫn lặp lại và người nông dân vẫn bị lừa.
“Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Công an có nắm được tình trạng này không? Có cử cán bộ giám sát việc này không? Bên phía hải quan, biên phòng kiểm soát người vào buôn bán thế nào? Họ đi đến đâu, làm gì…địa phương có biết không? Và họ thu mua như vậy có đảm bảo sinh kế cho người nông dân không?”, ông Phú đặt câu hỏi.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp cụ thể ngăn chặn. Theo chuyên gia, việc tìm hiểu cho bằng được thương lái Trung Quốc thu mua những thứ lạ đời để làm gì là việc phải làm vì lợi ích quốc gia. Nếu họ mua thuần túy để sử dụng mà ta có lợi thì ta có kế hoạch hợp tác đàng hoàng, còn nếu vì mục đích khác bất lợi cho Việt Nam thì phải có đối sách.
“Các Bộ cần đề xuất tham mưu Chính phủ ra các quy định về vấn đề mua bán hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, phải đi sâu nghiên cứu, lập tổ nhóm để theo dõi vấn đề này để có đối sách thích hợp, ngăn chặn tình trạng này không tái diễn”, ông Phú đề xuất.