Bộ GTVT đánh giá hiện nay tiến độ triển khai của tuyến cao tốc này đang rất chậm và có nguy cơ không đạt được kế hoạch hoàn thành cuối năm 2025 và khai thác năm 2026 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, theo Tuổi Trẻ Online.
Tính đến ngày 18/8, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao khoảng 6% mặt bằng cho dự án thành phần 2. Còn dự án thành phần 1 chưa được bàn giao mặt bằng; chưa kiểm kê, khảo sát giá đất cụ thể và chưa phê duyệt phương án bồi thường.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặt bằng đã được bàn giao đạt 78% để triển khai thi công; đã hoàn thành kiểm kê, khảo sát giá đất và phê duyệt phương án bồi thường.
Theo Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân khiến việc giải phóng mặt bằng dự án gặp khó khăn. Trong đó, có việc thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai nằm trong phạm vi dự án và dự án khu tái định cư Long Đức chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ để chặt hạ cây và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Ngoài ra, tiến độ xây dựng các khu tái định cư ở TP. Biên Hòa và Long Thành cũng không đảm bảo để bố trí tái định cư cho các hộ dân. Do đó, không thể thực hiện việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất ở trong năm 2023.
Bộ GTVT cho biết, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có thể phải điều chỉnh chủ trương đầu tư khi kinh phí giải phóng mặt bằng tăng vượt tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, các dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 chưa đủ cơ sở để xác định chính xác chi phí giải phóng mặt bằng để tính toán giá trị điều chỉnh.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 có tổng chiều dài toàn tuyến là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, qua Bà Rịa-Vũng Tàu là 19,7km. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng.